Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Bắc Kinh có thể gia tăng đàn áp giới ly khai sau lễ trao giải Nobel Hòa bình

Những tràng vỗ tay trong lễ trao giải Nobel Hòa bình ngày 10/12 sắp tới tại Oslo, để bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Lưu Hiểu Ba, hiện vẫn đang bị cầm tù, chắc chắn càng làm cho Bắc Kinh tức giận. Giới quan sát lo ngại là sau sự kiện này, Bắc Kinh sẽ thẳng tay trấn áp những người tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền tại Trung Quốc.

Biểu tình tại Hồng Kông đòi trả tự do cho Lưu Hiểu Ba (Reuters)
Biểu tình tại Hồng Kông đòi trả tự do cho Lưu Hiểu Ba (Reuters)
Quảng cáo

Quyết định ngày mồng 8/10 vừa qua của Ủy ban Nobel trao giải thưởng Nobel Hòa bình 2010 cho nhà ly khai Lưu Hiểu Ba, một trong những lãnh đạo của phong trào Thiên An Môn và là đồng tác giả Hiến chương 08 kêu gọi dân chủ là một vố đau đối với chính quyền Trung Quốc, bởi vì Bắc Kinh coi nhà trí thức này là một tội phạm, hoạt động lật đổ chính quyền và đã kết án ông 11 năm tù.

Trong hai tháng qua, Trung Quốc đã tìm mọi cách gây sức ép với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, kêu gọi tẩy chay lễ trao giải Nobel. Ngày hôm qua, sự uất ức của Bắc Kinh dường như đã lên đến đỉnh điểm. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du đã sử dụng ngôn từ không ngoại giao chút nào khi gọi là những thành viên của Ủy ban Nobel là những « anh hề », đồng thời tuyên bố là có hơn một trăm nước và tổ chức quốc tế đã ủng hộ lập trường của Trung Quốc.

Thế nhưng, giám đốc Ủy ban Nobel Geir Lundestad đã cho AFP biết là theo truyền thống Ủy ban vẫn mời các nước có đại diện ngoại giao tại thủ đô Na Uy. Tính cho đến ngày hôm qua, đã có 44 trong số 65 sứ quán nhận lời mời. Hai nước không trả lời là Algeri và Sri Lanka. 19 nước từ chối vì những lý do khác nhau. (xem danh sách dưới đây). Đây là cú đau thứ hai đối với Trung Quốc.

Do vậy, giới phân tích không loại trừ phản ứng cứng rắn của Trung Quốc nhắm vào các nhà ly khai. Ông Nicholas Bequelin, chuyên gia về châu Á của tổ chức Human Rights Watch ghi nhận là nhiều người tại Trung Quốc lo ngại về khả năng chính phủ Trung Quốc nuốt giận, chưa bắt giữ hoặc bỏ tù những nhà tranh đấu cho dân chủ trước lễ trao giải ngày 10/12, nhưng sau thời điểm này, Bắc Kinh có thể thẳng tay trấn áp để làm gương cho những người khác.

Theo AFP, các nhà tranh đấu cho dân chủ tại Trung Quốc đã nhận thấy có một sự trấn áp hậu Nobel : Một số người trong số họ đã biến mất và các phương tiện liên lạc giữa họ với nhau đã thường xuyên bị cắt, gián đoạn.

Hôm nay, Trung tâm Thông tin Nhân quyền Nam Mông cổ, có trụ sở tại Mỹ, cho biết là ngày 04/12, vợ và con ông Hada, một nhà ly khai sắc tộc Mông Cổ đã bị công an Trung Quốc đưa đi đâu không rõ trong lúc chỉ còn vài ngày nữa, ông Hada sẽ mãn án tù. Vợ con ông Hada cho đến nay sống tại Hothot, thủ phủ Nội Mông, còn ông Hada thì đã bị kết án 15 năm tù với tội danh làm gián điệp và hoạt động đòi ly khai.

Còn tại Bắc Kinh, ngay sau khi có thông báo của Ủy ban Nobel, bà Lưu Hà, vợ ông Lưu Hiểu Ba, trên thực tế, đã bị quản thúc tại gia. Mối liên lạc duy nhất của bà với bên ngoài là điện thoại. Vừa qua, người thân của ông Lưu Hiểu Ba không được phép đến nhà tù thăm nuôi ông, như thông lệ trước đây.

Tuy nhiên, theo Chinese Human Rights Defenders, một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền tại Hồng Kông, thì chính sách trấn áp giới ly khai càng làm tổn hại đến uy tín của Trung Quốc, bởi vì « giam tù một người đoạt giải Nobel Hòa bình chắc chắn ảnh hưởng đến khả năng của Trung Quốc có được vị trí mà nước này mong muốn trên sân khấu quốc tế ». 

(1) Danh sách các nước được mời nhưng không dự lễ trao giải Nobel Hòa bình : Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Colombia, Tunisi, Ả rập Xê út, Pakistan, Serbia, Irak, Iran, Việt Nam, Afghanistan, Venezuela, Philippines, Ai Cập, Sudan, Ukraina, Cuba và Marốc. Cao ủy Liên Hiệp Quốc phụ trách nhân quyền, bà Navi Pillay cũng sẽ vắng mặt.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.