Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trung Quốc 2010 : Mạnh lên về kinh tế nhưng bị cô lập về chính trị và ngoại giao

Trong năm 2010, Trung Quốc vươn lên thành cường quốc thứ hai về kinh tế trên thế giới và cộng đồng quốc tế ngày càng đòi hỏi Bắc Kinh phải có trách nhiệm tham gia giải quyết các hồ sơ quốc tế quan trọng, thế nhưng, về mặt chính trị và ngoại giao, Trung Quốc ngày càng tỏ ra cứng rắn và thái độ này đang dồn Bắc Kinh vào thế cô lập.

Tại một sàn giao dịch chứng khoán ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.
Tại một sàn giao dịch chứng khoán ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Reuters
Quảng cáo

Mạnh lên về kinh tế

Với tốc độ tăng trưởng liên tục trong nhiều năm khoảng 10%, Trung Quốc đã lần lượt qua mặt Pháp, Anh Quốc, Đức. Sự dồi dào về dự trữ ngoại tệ và dư thừa cán cân thương mại đã cho phép Bắc Kinh củng cố sức mạnh tài chính và trong năm nay, 2010, Trung Quốc đã thế chỗ Nhật Bản để đứng ngay sau nền kinh tế số một thế giới là Hoa Kỳ.

Do vậy, tiếng nói của Bắc Kinh ngày càng được chú ý, đặc biệt là trong nhóm G20. Giá trị đồng nhân dân tệ được cho là thấp vẫn là chủ đề bao trùm các hội nghị thượng đỉnh. Những quyết định về chính sách tiền tệ của Trung Quốc đã làm rung chuyển các thị trường chứng khoán lớn cũng như thị trường dầu lửa và vàng.

AFP trích dẫn nhận định của ông Tom Orlik, làm việc tại công ty thông tin kinh tế tài chính Stone & McArthy Research Associates, ở Bắc Kinh như sau : « Giờ đây Trung Quốc có một nền kinh tế rất lớn và những quyết định mà Trung Quốc đưa ra có tác động trên toàn thế giới ».

Tuy nhiên, trong năm nay, chính quyền Trung Quốc phải đương đầu với hai thách thức lớn ngay trong nước : đó là nạn lạm phát làm giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng vọt và mối đau đầu thứ hai là làn sóng đình công đòi tăng lương của người lao động, nhất là trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại quốc ở một số tỉnh phía Nam. Cả hai nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến sự bất bình, thậm chí nổi loạn xã hội tại Trung Quốc.

Cô lập về chính trị và ngoại giao trên thế giới

Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm nay đã khẳng định tiến trình chuẩn bị thế hệ lãnh đạo kế cận. Có nhiều khả năng phó chủ tịch nước Tập Cận Bình sẽ lên thay ông Hồ Cẩm Đào. Thế nhưng, trong các cuộc họp kín của Ban Chấp hành Trung ương, ngày càng có nhiều tiếng nói đòi thực hiện cải tổ chính trị. Ngay thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng cho rằng cần phải cải tổ chính trị để bảo vệ các thành quả kinh tế.

Trong khi đó, trên chính trường quốc tế, theo như nhận định của bà Valérie Niquet, giám đốc Trung tâm châu Á thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, IFRI, 2010 là năm Trung Quốc bị cô lập trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á.
Vụ tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần duyên Nhật Bản đã làm cho quan hệ giữa hai nước căng thẳng trong gần hai tháng. Phản ứng gay gắt của Bắc Kinh trái ngược với cách ứng xử điềm tĩnh của Tokyo càng làm lộ rõ một nước Trung Quốc hung hăng và sẵn sàng kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa.

Chính Trung Quốc đã tự cô lập mình khi có thái độ bao che, không lên án những hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên như vụ bắn chìm tàu Cheonan, hay vụ pháo kích sang một hòn đảo của Hàn Quốc. Hậu quả là Washington, Seoul và Tokyo tăng cường quan hệ liên minh chiến lược.

Còn tại Biển Đông, thái độ quyết đoán của Trung Quốc, khi đưa ra yêu sách về chủ quyền biển đảo, làm cho các nước duyên hải lo ngại và tạo thuận lợi cho Hoa Kỳ quay trở lại khu vực này.

Sự kiện gần đây nhất minh họa cho tình trạng cô lập của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế là việc nhà ly khai Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình 2010. Trong suốt hai tháng trời, Bắc Kinh không ngần ngại tiến hành kiểm duyệt thông tin, đưa ra những lời thóa mạ, đe dọa, gây sức ép với các nước, tạo ra hình ảnh một nước Trung Quốc « khó chơi » trong con mắt cộng đồng quốc tế. Theo bà Valérie Niquet, « các phản ứng của chính quyền Trung Quốc chỉ càng làm tăng thêm sự nghi kỵ đối với Bắc Kinh.

Chuyên gia Hồ Tinh Đẩu, đại học Công nghệ Bắc Kinh, được AFP trích dẫn, cũng thừa nhận, nếu như năm ngoái, vai trò chủ động của Trung Quốc đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế đã được cộng đồng quốc tế hoan nghênh thì năm nay, Bắc Kinh đã bị chỉ trích mạnh mẽ về hồ sơ khủng hoảng Triều Tiên.

Dự báo về thái độ của Trung Quốc trong năm tới 2011, theo ông Jonathan Holslag, thuộc Viện nghiên cứu về Trung Quốc đương đại ở Bruxelles, BICCS, ngày càng có nhiều lãnh đạo ở Bắc Kinh tin rằng Trung Quốc phải giữ thái độ cứng rắn, không chấp nhận các thỏa hiệp, cho dù họ hoàn toàn ý thức được rằng Trung Quốc cũng cần đến phần còn lại của thế giới.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.