Vào nội dung chính
QUAN HỆ ẤN - TRUNG

Thủ tướng Trung Quốc thực hiện một chuyến công du rất tế nhị tại Ấn Độ

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hôm nay dẫn đầu một phái đoàn khoảng 400 doanh nhân sang thăm Ấn Độ, trước khi đi Pakistan. Theo giới quan sát, mục đích của chuyến công du tế nhị này là nhằm cải thiện mối quan hệ vốn rất mong manh, hiện đang bị tác động bởi những tranh chấp thương mại và chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại Hội nghị hợp tác kinh doanh Ấn Độ -Trung Quốc ,New Delhi, ngày 15/12.2010
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại Hội nghị hợp tác kinh doanh Ấn Độ -Trung Quốc ,New Delhi, ngày 15/12.2010 Reuters
Quảng cáo

Cách nay không lâu, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã từng tuyên bố rằng vẫn có đủ không gian trên thế giới để Trung Quốc và Ấn Độ cùng phát triển và thực hiện các tham vọng của mình. Thế nhưng, quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi cho đến nay vẫn hàm chứa những nghi kỵ và thiếu tin tưởng lẫn nhau. Trong các cuộc hội đàm với đồng nhiệm Ấn Độ, chắc chắn là thủ tướng Trung Quốc sẽ nhấn mạnh đến sự cần thiết phát triển thuơng mại giữa hai nền kinh tế đang trỗi dậy, có tỷ lệ tăng trưởng cao.

Quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển mạnh với tổng kim ngạch song phương tăng từ 42 tỷ đô la năm ngoái lên đến 60 tỷ đô la trong năm nay, nhưng hai nuớc vẫn có những tranh cãi. Ấn Độ lo ngại hàng rào thuế quan của Trung Quốc, đòi Bắc Kinh phải mở cửa hơn nữa thị trường tân dược và công nghệ thông tin, bởi vì thâm hụt cán cân thương mại của Ấn Độ trong trao đổi với Trung Quốc dao động trong khoảng từ 18 đến 25 tỷ đô la.

Ngày 13/12 vừa qua, đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ thừa nhận là mối quan hệ vẫn còn mong manh và đòi hỏi một sự chú ý đặc biệt, trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng phía Ấn Độ sẽ nêu lên một số lo ngại của mình đối với Trung Quốc. Năm 1962, các tranh chấp về lãnh thổ ở vùng Himalaya đã dẫn đến một cuộc chiến tranh giữa hai nước và Ấn Độ đã bị thất bại ê chề. 14 vòng đàm phán không mang lại kết quả gì. Bắc Kinh ngày càng tỏ thái độ quyết đoán trong các tranh chấp về lãnh thổ. Năm ngoái, Trung Quốc đã lên án mạnh mẽ chuyến viếng thăm bang Arunachal Pradesh, phía đông bắc Ấn Độ, của thủ tướng Manmohan Singh và của Đức Đạt Lai Lạt Ma, vì Bắc Kinh coi đây là phần lãnh thổ của mình. Do vậy, ngoại trưởng Nirupama Rao đã tuyên bố tại New Delhi rằng bang giao song phương chỉ có thể được củng cố « nếu Trung Quốc tỏ ra nhậy cảm hơn về các vấn đề chính liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ » của Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc tỏ ra rất khó chịu về việc Ấn Độ chấp nhận để cho lãnh đạo tinh thần Tây Tạng sống lưu vong trên lãnh thổ của mình, kể từ sau cuộc nổi dậy không thành chống quân đội Trung Quốc năm 1959,

Một yếu tố chính trị khác có thể cản trở sự phát triển quan hệ song phương : Trung Quốc luôn luôn dè dặt, không mặn mà ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Ông Harsh V. Pant, thuộc ban nghiên cứu về quốc phòng ở trường đại học King’s College, Luân Đôn, được AFP trích dẫn, nhận định, căng thẳng giữa hai nước khổng lồ này là khó tránh khỏi trong khuôn khổ mối quan hệ hướng tới một sự cân bằng trên thế giới trong thế kỷ 21. Theo chuyên gia này, « lịch sử tranh chấp, đi kèm với những bất trắc mang tính cơ cấu do quá trình tăng trường gây ra, sẽ thúc đẩy hai nước châu Á khổng lồ đi vào một quỹ đạo mà họ khó có thể lèo lái trong những năm tới ».

Thứ sáu, 17/12/2010, thủ tướng Ôn Gia Bảo sẽ công du Pakistan, cựu thù của Ấn Độ, nhưng lại là một đồng minh quan trọng của Trung Quốc trong khu vực Nam Á.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.