Vào nội dung chính
NEW ZEALAND - TRUNG QUỐC

New Zealand ngăn cản một nhà đầu tư Trung Quốc mua đất nông nghiệp

New Zealand đã chặn lại một dự án mua đất của một công ty Hồng Kông, khu vực lãnh thổ thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Một bộ phận công luận New Zealand lo ngại việc các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là Trung Quốc, mua đất nông nghiệp và các nguồn tài nguyên khác của nước này. Mặc dù không nói thẳng ra là quyết định kể trên bắt nguồn từ nỗi lo ngại trước người Trung Quốc, kể từ một tháng nay, Wellington đã siết chặt quy chế đầu tư và mua lại đất nông nghiệp nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của New Zealand.

Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp vốn là thế mạnh của New Zealand.
Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp vốn là thế mạnh của New Zealand. Nguồn: wikipedia
Quảng cáo

Theo La Croix hôm nay, đảo quốc New Zealand đã chặn lại một dự án mua đất của một công ty có mặt trên sàn chứng khoán Hồng Kông, khu vực lãnh thổ thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Ngày hôm qua, theo khuyến nghị của Văn phòng đầu tư nước ngoài (OIO), chính phủ New Zealand đã từ chối đề nghị của nhóm Natural Dairy Holding, mua một khu đất nông nghiệp, hiện đang dùng sản xuất sữa, của một công ty New Zealand, với giá tiền là 200 triệu đô la New Zealand, tương đương 110 triệu euro, với lý do bên mua đất có khả năng bị phá sản, và những người chủ của Natural Dairy Holding không đáng tin cậy.

Công ty Hồng Kông này có ý định mua đất và cả nhà máy sản xuất hộp các-tông bảo quản sữa, để bán sữa New Zealand sang Trung Quốc. New Zealand vốn là quốc gia đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu các sản phẩm sữa, và ngành sản xuất này trong tương lai gần có khả năng phát triển mạnh vì nhu cầu sữa của châu Á đang tăng nhanh.

Tuy nhiên một bộ phận công luận New Zealand lo ngại việc các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là Trung Quốc, mua đất nông nghiệp và các nguồn tài nguyên khác của nước này. Mặc dù không nói thẳng ra là quyết định kể trên bắt nguồn từ nỗi lo ngại trước người Trung Quốc, kể từ một tháng nay, Wellington đã siết chặt quy chế đầu tư và mua lại đất nông nghiệp nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của New Zealand.

Ngoài việc bảo vệ các sản phẩm quốc gia mang tính chiến lược, từ nhiều năm nay, Wellington rất lo lắng vì ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại các đảo quốc láng giềng như Tonga hay Fidji. Tài trợ quân sự của Trung Quốc cho các nước này đã vượt quá phần viện trợ của New Zealand, điều này trở thành một vấn đề an ninh thực sự đối với Wellington.

Trả lời câu hỏi : tại sao trong số các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Trung Quốc lại đặc biệt chịu sự phân biệt đối xử, báo La Croix giải thích : Ấn Độ, Ả rập Xê út hay Hàn Quốc cũng mua lại đất nông nghiệp, hay các công ty nước ngoài, nhưng điều khác biệt là hoạt động của các nhà đầu tư Trung Quốc thường rất không minh bạch. Các doanh nghiệp Trung Quốc thường do đảng Cộng sản quản lý và mục tiêu của họ không chỉ là kinh tế, mà đồng thời còn mang tính chính trị nữa. Các doanh nghiệp Trung Quốc không chỉ bị nghi ngờ tại New Zealand, mà còn ở nhiều nước, trước hết là Hoa Kỳ, rồi tới Châu Âu, Canada và Úc.

Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, cho dù các công ty Trung Quốc có những vụ mua bán rất được truyền thông chú ý, như vụ công ty Geely mua lại hãng xe hơi Volvo Thụy Điển với giá 1,8 tỷ đô la, hay các vụ mua cổ phần trong các doanh nghiệp điện quốc gia của Brazil hay dầu lửa Achentina. Phần vốn đầu tư của Trung Quốc trên thế giới chỉ chiếm 6% và Trung Quốc cũng chỉ nắm 10% chứng khoán toàn cầu. Trên thực tế, Trung Quốc mới chỉ mở cửa bước đi những bước đầu tiên ra bên ngoài từ khoảng mười năm nay.

Những đòn ngầm của nhà bào chế biệt dược Mediator

Với tựa đề « Những đòn ngầm của nhà bào chế Mediator », Libération hôm nay dành nhiều trang để dẫn độc giả đi vào hậu trường của hãng dược phẩm Servier, tác giả của biệt dược Mediator, được sử dụng như thuốc chữa bệnh tiểu đường, được các nghiên cứu mới đây kết luận là thủ phạm của khoảng từ 500 đến 2.000 vụ tử vong trong khoảng hơn 30 năm nay. Servier là hãng dược phẩm lớn thứ hai của Pháp, sau Sanofi-Aventis, có doanh số 3,7 tỷ euro năm 2009, sử dụng 20. 000 nhân viên trên toàn cầu, với các sản phẩm có mặt tại 144 nước.

Theo Libération, tập đoàn dược phẩm này đã được điều hành với bàn tay sắt, với văn hóa tôn sùng bí mật, nền quảng cáo không khoan nhượng và các hoạt động vận động hành lang trong chính trường. Phóng sự của Libération cho biết, tại Servier, tất cả các thông tin đều được giữ bí mật, kể cả các số liệu cơ bản của một doanh nghiệp con. Lợi nhuận là thông tin tối mật. Cách đây vài năm, khi Bộ Công nghiệp Pháp đề nghị các hãng dược phẩm Pháp cung cấp số liệu để nhận được trợ giúp, tất cả các hãng đều thực hiện yêu cầu này, trừ Servier.
Theo một mô tả khác của Libération, hãng Servier đã từng sử dụng các biện pháp đe dọa đặc biệt để chống lại những nhà khoa học, từng tham gia vào việc chứng minh tính độc hại của một số biệt dược do Servier sản xuất. Năm 1996, chủ tịch Servier ở Mỹ đã gửi thư đề nghị người dưới quyền tìm cách « vô hiệu hóa » một cách ôn hòa đối với những người phản đối. Cũng năm đó, nhà dịch tễ học Pháp Lucien Abenhaim đã nhận được mấy chiếc quan tài nhỏ vào dịp này.

Theo Le Figaro, trong cuộc họp Hội đồng các bộ trưởng ngày hôm qua, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã lần đầu tiên đã lên tiếng về vụ việc này, và yêu cầu minh bạch tối đa về hồ sơ Mediator. Bộ trưởng Lao động và Sức khỏe Xavier Bertrand đã đề nghị Tổng thanh tra về các vấn đề xã hội đệ trình báo cáo về chủ đề này vào giữa tháng một tới. Trong khi đó, La Croix giới thiệu với độc giả cuộc đấu tranh dài hơn hai năm của nữ bác sĩ Irène Frachon, người đã có công vạch rõ trước công luận tác hại của biệt dược này.

Khó hạn chế các khoản tiền thưởng khổng lồ của giới ngân hàng

Bất chấp tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay và chính sách khắc khổ mà nhiều nước phát triển đang phải áp dụng, giới ngân hàng tại Hoa Kỳ và Anh Quốc vẫn tiếp tục nhận được các khoản tiền thưởng khổng lồ. « Luân Đôn và Washington gặp khó khăn trong việc hạn chế các khoản tiền thưởng của giới ngân hàng », đó là chủ đề chính trong mục kinh tế của nhật báo Le Monde hôm nay. Thông tín viên của Le Monde nhận định, các nhà ngân hàng tại hai trung tâm tài chính đứng đầu thế giới, Wall Street (New York) và City (Luân Đôn) năm nay nhận được một khoản tiền thưởng ít nhất là tương đương với năm ngoái.

Chính vì vậy, khống chế khoản tiền thưởng cho giới ngân hàng hiện đang là một nội dung hành động chính của một số nhà hoạt động chính trị tại Anh và Mỹ. Ví dụ như, Vince Cable, nhân vật số hai của đảng Dân chủ Tự do Anh, trong cuộc vận động tranh cử quốc hội vừa qua, đã đưa ra chủ trương bạch hóa tất cả các khoản tiền lương bổng của giới ngân hàng, từ 1 triệu bảng Anh trở lên.Nhiều quy định sẽ được áp dụng để chống lại việc phân phát tràn lan tiền thưởng trong giới ngân hàng.

Cụ thể là tại City, trung tâm ngân hàng lớn nhất của Châu Âu, 2.500 đơn vị tài chính sẽ buộc phải tuân thủ pháp quy mới của Châu Âu, có hiệu lực từ ngày 1/1/2011. Pháp quy mới này chỉ cho phép các nhà môi giới tài chính nhận 30% tiền thưởng dưới dạng tiền mặt, phần còn lại họ phải nhận bằng cổ phiếu của công ty, trải dài trên nhiều năm. Và một khoản trừ cũng sẽ được dự kiến nếu như kinh doanh bị thua lỗ. Tại Mỹ, luật Dodd-Frank cũng nhằm mục đích mang một hạn chế tương tự, trong việc tăng tỷ lệ cổ phiếu trung hạn (từ ba năm trở lên) đến mức ít nhất là 50%, trong các khoản tiền thưởng mà những người môi giới đầu tư có khả năng nhận được. Làm những việc này, các nhà lập pháp muốn nhằm buộc giới ngân hàng phải ưu tiên các lợi ích dài hạn.

Để đối phó với sự siết chặt các quy định pháp luật tại châu Âu và châu Mỹ, giới ngân hàng đã phản ứng bằng cách tăng phần lương cơ bản. Theo điều tra của tờ Financial News, tại trung tâm tài chính City, lương cơ bản của giới ngân hàng đã tăng 17% trong năm vừa qua.

Trang nhất các nhật báo Pháp

Bên cạnh chủ đề đặc biệt về New Zealand ngăn cản doanh nghiệp Trung Quốc mua đất mà chúng tôi vừa giới thiệu với quý vị, trên trang nhất, nhật báo Le Figaro hôm nay lưu ý đến hai sự kiện đáng chú ý : thứ nhất là tin Trung Quốc có kế hoạch mua lại khoảng 5 tỷ euro tiền nợ của Bồ Đào Nha, tin này được đưa trên nền bức ảnh một thanh niên Trung Quốc đang ngước cổ theo dõi màn hình chứng khoán, và tin thứ hai là, Paris kêu gọi khoảng 15.000 kiều dân Pháp rút khỏi Côte d’Ivoire để tránh nguy cơ bạo động.

Cũng về tình hình quốc tế, nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm giải thích lý do của việc giá cả nông sản trên toàn cầu tăng mạnh, còn nhật báo Công giáo La Croix chia sẻ nỗi sợ hãi của cộng đồng Thiên Chúa giáo tại Irak và ghi nhận sự ủng hộ gia tăng của quốc tế đối với cộng đồng này.

Về tình hình nội bộ nước Pháp, Le Monde đặc biệt quan tâm đến các biện pháp của Tổng thống Nicolas Sarkozy trong việc chinh phục lại công luận với mục tiêu tái đắc cử tổng thống trong cuộc tranh cử 2012. Nhật báo L’Humanité, dưới tựa đề « Các thị trưởng nằm ngoài vòng pháp luật », có bài phân tích về việc các thị trưởng cánh hữu thà chịu phạt, chứ không tuân thủ điều luật bắt buộc chính quyền địa phương xây dựng các khu nhà ở xã hội. Tờ Libération lại dành sự chú ý đặc biệt cho hồ sơ biệt dược Mediator, hồ sơ này cũng được sự quan tâm của nhiều tờ báo khác Pháp ngày hôm nay.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.