Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG

Trung Quốc kiên quyết chống nạn kẹt xe đang làm Bắc Kinh nghẹt thở

Cựu phó chủ tịch Bắc Kinh đã phải trả giá cho lượng xe hơi tăng quá nhanh vượt khỏi tầm kiểm soát, gây tắc nghẽn giao thông. Nhật báo Pháp La Croix đã nhân sự kiện này tìm hiểu cách thức chính quyền thủ đô Trung Quốc đang áp dụng để cho Bắc Kinh khỏi mang tiếng là một thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới.

Kẹt xe một vấn nạn giao thông tại Bắc Kinh  vào các giờ cao điểm. Ảnh chụp một con đường tại trung tâm Bắc Kinh ngày 23/12/2010.
Kẹt xe một vấn nạn giao thông tại Bắc Kinh vào các giờ cao điểm. Ảnh chụp một con đường tại trung tâm Bắc Kinh ngày 23/12/2010. Ảnh: REUTERS/Jason Lee
Quảng cáo

"Bắc Kinh tấn công vào nạn kẹt xe đang làm thành phố nghẹt thở". Dưới tựa đề này, La Croix trở lại một vấn nạn đã khiến cho một viên chức cao cấp Trung Quốc đặc trách lưu thông ở Bắc Kinh, không những phải từ chức, mà còn bị ‘đày’ đi Tân Cương.

Vì không cải thiện được tình hình bế tắc lưu thông triền miên gây khốn khổ cho người dân thủ đô, phó chủ tịch Bắc Kinh, ông Hoàng Vệ, mới được đề cử vào năm 2008, đã phải khăn gói lên Tân Cương, để nhậm chức phó chủ tịch ở vùng xa xôi hẻo lánh này. Việc ông từ chức, và rời thủ đô, đã được thông qua vào ngày Giáng sinh vừa qua.

La Croix phân tích là vị cựu phó chủ tịch Bắc Kinh đã phải trả giá cho lượng xe hơi tăng quá nhanh, không kiểm soát nổi ở Bắc Kinh, gây tắc nghẽn đường phố thủ đô. Chính số lượng xe hơi ngày tăng nhanh làm cho Bắc Kinh trở nên một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Chính quyền không còn thể làm ngơ, mà cố gắng tìm cách đối phó bằng những biện pháp nghiêm ngặt.

Để hạn chế lượng xe tăng lên một cách lộn xộn ở Bắc Kinh, biện pháp đầu tiên là quy định lượng xe mới cho lưu hành : cho năm 2011 này, chỉ cho phép 240.000 xe mới, tức giảm đến 2/3 so với năm 2010. Trong số này 90% là dành cho người cư ngụ ở Bắc Kinh 

Theo La Croix quy định mới đã được áp dụng từ tuần qua. Hiện nay, theo tờ báo, lượng xe đăng ký và mang biển số Bắc Kinh là 4,8 triệu chiếc, tăng thêm 750.000 so với năm ngoái, và tính như thế là cứ mỗi một ngày là có thêm đến 2.000 xe mới đăng ký, trong khi cách đây 5 năm, vào năm 2005, lượng xe ở Bắc Kinh chỉ khoảng 2,6 triệu chiếc mà thôi.

Ngoài ra còn có những biện pháp khác, ví dụ như xe ở nơi khác vào Bắc Kinh phải có giấy phép để lưu hành trong thủ đô, và giá đậu xe sẽ tăng lên.

Tuy nhiên tác giả bài báo trên La Croix nhận thấy trước mắt là các biện pháp này chưa đủ để giảm nạn tắc nghẽn lưu thông, thường biến một số đường phố Bắc Kinh thành những bãi đậu xe khổng lồ, với các dòng xe hơi kẹt cứng. Hy vọng duy nhất hiện nay là nó có thể kềm hãm phần nào đà tăng của xe hơi trên đường phố Bắc Kinh trong tương lai. 

Không dự kiến trước các tình huống xấu

Bài báo trên La Croix cũng trích dẫn nhận xét của ông Ailun, thuộc tổ chức Greepeace ở Trung Quốc, rất tán đồng những cố gắng của chính quyền, nhưng cho là các biện pháp đưa ra đến quá trễ.

Lý do là vì chính quyền không theo kịp những diễn tiến trong xã hội ngày nay cho nên đã không dự kiến trước các tình huống hầu đưa ra những biện pháp dự phòng thích ứng, mà chỉ có phản ứng khi tình hình không còn thể kiểm soát được nữa.

Dù với những biện pháp mới đưa ra, với nhịp độ tăng lên đều đặn của lượng xe hơi mới mỗi năm, thì vào năm 2015, Bắc kinh sẽ có đến 7 triệu xe hơi, và hệ thống đường xá sẽ bị tê liệt vì quá tải.

Riêng giới kinh tế nhìn vào thị trường xe hơi, nêu bật tác động của quy định mới đang được áp dụng khi mà Bắc Kinh tiêu thụ đến 7% xe hơi bán ra ở Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2010. Và dứt khoát là nhiều thành phố lớn khác ở Trung Quốc sẽ có những biện pháp giới hạn tương tự như ở thủ đô. 

Trung Quốc tăng lãi suất chỉ đạo để chống lạm phát

Bên cạnh tệ nạn kẹt xe, La Croix còn chú ý đến Trung Quốc trên bình diện đầu tư. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc ở nước ngoài đã tăng mạnh trong năm 2010, để lên đến hơn 50 tỷ đô la trong lãnh vực năng lượng, khoáng sản và cả nông nghiệp. Bắc Kinh còn dự kiến tăng 11% những khoản đầu tư này trong năm 2011. Chủ trương của Bắc Kinh hiện nay là các tập đoàn Trung Quốc phải chi tiêu nhiều hơn ở ngoài hầu giảm căng thẳng với các đối tác của Trung Quốc. 

Le Figaro cũng như Les Echos hôm nay cũng chú ý đến kinh tế Trung Quốc nhưng về quyết định tăng lãi suất chỉ đạo để đối phó với lạm phát. Theo Le Figaro quyết định mà mọi người chờ đợi từ nhiều tuần qua, cuối cùng đã được thông báo vào ngày Giáng sinh : Trung Quốc thông báo tăng 0,25% lãi suất của họ.

Le Figaro nhắc lại phát biểu của thủ tướng Ôn Gia Bảo, là ông "tin tưởng sẽ giữ được giá cả ở một mức có thể chấp nhận được, nhờ những cố gắng của chính phủ". Theo tờ báo, lạm phát ở Trung Quốc vào tháng 11 là 5,1%, theo số liệu chính thức.

Giảm giá cả là mong muốn hàng đầu của người dân Trung Quốc hiện nay : giá lương thực cứ tăng vùn vụt, giá nhà cửa còn tăng cao hơn nữa. Theo bài báo, hiện có đến 85% hộ gia đình Trung Quốc không còn hy vọng được làm chủ nhà. Người dân hiển nhiên là rất bất bình : đi trên đường phố, ở ngoài chợ, ở đâu câu chuyện nghe thấy trước tiên cũng là vật giá. Trên mạng Internet cũng có nhiều bài về đời sống đắt đỏ hiện nay ở Trung Quốc.

Một người đã so sánh giá rau quả và thịt ở Hàn Châu với giá ở thành phố Boston ở Mỹ, và đã cho thấy một số rau quả ở Hàn Châu còn mắc hơn là thành phố giàu có bên bờ biển phiá Đông Hoa Kỳ. 

Trưóc mắt, Bắc Kinh tăng lãi suất 0,25%, nhưng theo đánh giá của giới kinh tế, mức này còn quá thấp, họ chờ đợi lãi suất ở Trung Quốc sẽ còn tăng thêm, để lên đến 1% vào trước mùa hè sắp tới. 

Ấn Độ : nhức đầu vì giá củ hành tăng vọt

Nhưng giá cả tăng, nhất là lương thực, không phải chỉ có làm chính quyền Trung Quốc nhức đầu. Tờ La Croix, tiếp tục quanh quẩn ở Châu Á, ghi nhận hiện tượng ở nước láng giềng Ấn Độ. Mặt hàng đang làm chính quyền New Delhi lo ngại, đau đầu là... củ hành. 

Theo phóng viên La Croix, chỉ trong vài ngày, giá củ hành ở Ấn Độ đã tăng gần gấp 3, từ khoảng 20 rupi một ký nó đã lên đến 80 rupi trong những ngày qua. Hậu quả là bữa ăn gia đình đã bị xáo trộn : các bà nội trợ đã phải chi tiêu dè xẻn đối với sản phẩm cơ bản không thể thiếu trong các món ăn thường nhật.

Nguyên nhân thiếu củ hành, theo bài báo, là do thời tiết xấu trong tháng 11 vừa qua, mưa thất thường ở vùng phiá Tây, vùng sản xuất củ hành quan trọng nhất Ấn Độ, làm mất mùa.

Nhưng thật ra theo tác giả bài báo, giá củ hành tăng trong bối cảnh nỗi bất bình nơi người dân đã âm ỉ do lạm phát cao ở Ấn Độ, giá lương thực không ngừng tăng từ năm 2007,  Việc củ hành khan hiếm, giá tăng vọt là giọt nước làm trào ly, người dân Ấn không còn che dấu nỗi bực tức.

La Croix trích dẫn một chuyên gia về Ấn Độ, ông Frédéric Landy, giải thích là trung bình lương thực chiếm 50% ngân sách gia đình. Giá những sản phẩm cơ bản như củ hành tăng vọt, có nghiã là những gia đình không mấy khá giả lại càng sống khổ hơn nữa.

Trước sự bực tức ngày càng cao của dân chúng, thủ tướng Ấn, Manmohan Singh đã bày tỏ nổi quan ngại của ông, ra lệnh cho tạm ngưng việc xuất khẩu củ hành, và bỏ thuế nhập khẩu mặt hàng này.

Vẫn theo ông Frédéric Landy nói trên, chính quyền Ấn rất lắng nghe những mối quan tâm người dân, vì tại đây, người dân nghèo thường đi bỏ phiếu, và dân chúng bất bình có khả năng làm chính quyền sụp đổ. Cho nên sự bực tức của người dân sẽ có hậu quả chính trị. Sự kiện này đã từng xẩy ra trong những thập niên trước đây.

Tác giả bài báo trên La Croix nhắc lại vào năm 1998, sau khi giá củ hành tăng vọt, đảng cầm quyền lúc ấy, đảng Ấn độ giáo Bharatiya Janata Party (BJP), đã không giải quyết thoả đáng, cho nên đã thất cử ở New Delhi trong cuộc bầu cử cấp điạ phương. Báo giới Ấn độ cũng từng nói đến hiện tượng mà họ gọi là ‘yếu tố củ hành’.

Không phải chỉ có Ấn Độ lo ngại một sản phẩm nhỏ bé, bình thường như củ hành, chính quyền Sri Lanka, theo la Croix, cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, nhưng sản phẩm mà họ lo ngại là ..trái dừa khô. Lãnh đạo đã phải can thiệp để giữ giá dừa khô, cấm đốn cây dừa, và lần đầu tiên, vừa qua đã cho phép nhập dừa từ các quốc gia lân cận như Ấn Độ và Malaysia.

Bài báo nhắc lại là ở đây cũng vậy, liên minh cầm quyền ở Sri Lanka đã từng bị thất cử trước đây vì không kềm hãm được giá cả lương thực tăng vọt, trong đó quan trọng nhất là giá dừa khô. 

Đọc qua việc củ hành hay dừa khô có thể làm thủ tướng Ấn Manmohan Singh và đồng nhiệm của ông ở Sri lanka quan ngại, nhiều người không khỏi ngạc nhiên mỉm cười, nhưng báo le Monde, nhận thấy là không nên coi thường chuyện này. Tờ báo nhắc lại là 20.000 người đã xuống đường biểu tình ở New Delhi theo lời kêu gọi của đảng đối lập BJP. Đây là lá bài chính trị tốt đối với đảng BJP, từng bi điên đảo về giá củ hành trước đây.

Le Monde còn nhìn thấy là hiện tượng trên không phải chỉ tác động đến Ấn Độ, mà nhìn rộng ra, vấn đề giá củ hành còn cho thấy những gì đang chờ đợi chúng ta, khi tất cả các loại nguyên liệu đều tăng giá ở mọi nơi từ 6 tháng qua.

Tờ báo liệt kê : lúa mì, đường, cacao, colza, dầu cọ, sắt, đồng, đất hiếm và cả vàng (dù không có tích sự gì nhiều), đều thấy giá bay vọt lên đỉnh cao.

Theo Le Monde, bên cạnh tình trạng khan hiếm làm cho giá cả điên đảo bắt nguồn từ các nguyên nhân khách quan như nạn hạn hán, cháy rừng ở Nga, đình công thợ mỏ ở Chi Lê, hay hiện tượng khí hậu la Nina, nhưng cũng có bàn tay của giới đầu cơ đã thấy được là vấn đề không còn là mang tính chất tình huồng đặc biệt, tạm thời nữa.

Theo tờ báo, còn có lý do là dân số thế giới gia tăng, thế nhưng nguyên nhân chính là do phương cách sống, tiêu thụ của chúng ta, cái gì cũng muốn mới, nhiều, nhanh, từ sản phẩm mới, thành phố mới... và dĩ nhiên cái mới có cái giá phải trả.

Kinh tế thế giới vào thời điểm cuối năm

Phải nói trong những ngày cuối năm này, các tờ báo rất chú trọng đến kinh tế.Le Monde nhìn thấy một năm 2011 đầy thử thách, hiểm nguy đối với đồng Euro qua hàng tựa trang nhất : Tái tạo lòng tin đối với đồng euro, được ăn cả ngã về không.

Không chỉ lo ngại cho vùng đồng euro, Le Monde còn e ngại Hoa Kỳ bị ảnh hưởng. Còn nhìn về các quốc gia đang vươn lên, tờ báo nhận thấy là cho dù tăng trưởng vẫn cao, nhưng lạm phát ở Trung Quốc và Ấn Độ, Hàn Quốc khiến các quốc gia này đưa ra một số biện pháp đối phó, có thể ảnh hưởng đến tiêu thụ nội địa, kinh tế hoạt động chậm lại, ảnh hưởng đến trao đổi thương mại thế giới.

Les Echos dành tựa trang nhất cho kinh tế Mỹ "vươn lên", bên cạnh ảnh ông Obama tươi cười. Tờ báo nhận thấy có nhiều dấu hiệu tích cực, việc duy trì chính sách giảm thuế sẽ thúc đẩy tiêu thụ. Hai ngân hàng Goldman Sachs và Morgan Stenley dự kiến mức tăng trưởng 4% cho Hoa Kỳ vào năm 2011.

Tỷ phú Pháp : giầu nhưng keo kiệt

Nhật báo Pháp Libération đã làm một cuộc điều tra trong giới giàu có của Pháp và đã đi đến kết luận trong hàng tựa trang nhất : Người Pháp : giàu và keo kiệt.

Libération giải thích là đã gặp các nhà tỷ phủ Pháp, và những người này cho biết là không có chuyện chia sẻ tài sản của mình theo kiểu các nhà tỷ phủ Mỹ, Warren Buffet hay Bill Gates.

Hai nhân vật này sẵn sàng hiến một nửa tài sản cho các tổ chức, hiệp hội hoạt động từ thiện, và đã vận động được 58 nhà tỷ phủ Mỹ đi theo sáng kiến của họ.

Theo Libération các nhà tỷ phú Pháp có một triết lý khác : ví dụ như Arnaud Mulliez, chủ tịch Auchan, con người sáng lập tập đoàn đại siêu thị này.

Mối quan tâm của họ là hoạt động tạo công việc làm, và chia sẻ thành quả, lợi nhuận với những người hợp tác : 32%, và cho họ tham gia 21% vào vốn của tập đoàn. Đấy chia sẻ đối với họ là như thế đấy.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.