Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Nam Thủy Bắc Điều : cuộc trường chinh đưa nước về Bắc Kinh

Bài điều tra công phu của đặc phái viên của nhật báo cánh tả Libération ở Trịnh Châu, thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã phân tích và mô tả tỉ mỉ về Nam Thủy Bắc Điều, một dự án khổng lồ nhằm đưa nước về Bắc Kinh, vốn đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Dự án đào kênh và ống dẫn để đưa nước sông về Bắc Kinh (DR)
Dự án đào kênh và ống dẫn để đưa nước sông về Bắc Kinh (DR)
Quảng cáo

Đó là xây dựng một hệ thống gồm ba kênh đào và ống dẫn đi xuyên từ đông sang tây, có chiều dài hàng ngàn cây số, đưa hàng chục triệu mét khối nước từ những dòng sông lớn ở miền Nam về thủ đô. Hàng ngàn kỹ sư được huy động, gần 200.000 dân sẽ bị di dời, và dự án Nam Thủy Bắc Điều sẽ tiêu tốn trên 50 tỉ euro, gấp đôi so với đập Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất thế giới. 

Mục tiêu của dự án vĩ đại trên là giúp cho thủ đô Bắc Kinh với 17 triệu dân có thể tiếp tục phát triển. Một kỹ sư trưởng của dự án cho biết, nếu không có Nam Thủy Bắc Điều, rất có thể phải dời đô về Tây An hoặc một nơi nào khác, vì quá thiếu nước. Nhưng Bộ Chính trị với 7/9 thành viên thường trực vốn là kỹ sư, không sẵn sàng dời thủ đô hoặc đầu hàng trước vấn đề « nhỏ nhặt » này. Theo một chuyên gia đã nghiên cứu về dự án từ năm 1979, thì trong vài năm nữa dân số của Bắc Kinh sẽ vượt quá 25 triệu người. Kế hoạch chính thức của nhà nước là vào năm 2050, dân số thủ đô sẽ là 34 triệu. Chiến lược được lựa chọn để hiện đại hóa Trung Quốc là tăng tốc đô thị hóa, và như vậy dự án Nam Thủy Bắc Điều có giá trị sống còn, vì Bắc Kinh đang thiếu trầm trọng nước dùng. 

Libération cho biết một đường hầm dài 4km, có đường kính 11m ở độ sâu 30m dưới lòng sông Hoàng Hà đã gần như sắp hoàn tất. Từ đây nước sẽ được dẫn về phương Bắc đến Bắc Kinh, qua một con kênh có bề rộng khoảng hai chục mét. Còn hàng chục triệu mét khối nước khác cũng sẽ được lấy từ một chi lưu của sông Trường Giang, từ một hồ chứa của đập Đan Giang Khẩu, đang được mở rộng ra rất nhiều. Một kênh đào khác ở phía Đông, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2013, được tiến hành song song với kênh Đại Vận Hà, được Ngô vương Phù Sai cho đào từ thời Xuân Thu cách đây 1.400 năm, từng gây ngạc nhiên cho Marco Polo.

Còn kênh ở phía Tây dự kiến đưa nước từ cao nguyên Tây Tạng về, qua một loạt các ống dẫn và đường hầm đi xuyên dưới các dãy núi, phức tạp cho đến nỗi nhiều chuyên gia nghi ngờ tính hiện thực của chúng. Tờ báo nói thêm, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vốn là kỹ sư thủy lực, là người chủ trì dự án khổng lồ này. Còn Sinohydro, công ty nơi nhân vật số một Trung Quốc bắt đầu khởi nghiệp, là đơn vị chủ công của công trình mang tính sử thi trên. 

Để biện minh, báo chí chính thức đã viện dẫn lời Mao Trạch Đông năm 1952 : « Nước quá dồi dào ở phương Nam, và phương Bắc thì thiếu, tại sao không dẫn nước từ Nam qua Bắc ? ». Năm đại hạn 1972, Thủ tướng Chu Ân Lai cũng đã nghĩ đến, nhưng không có phương tiện lẫn tiền bạc. Chỉ đến năm 2002, Hội đồng Nhà nước mới dành ngân sách cho hàng ngàn kỹ sư nghiên cứu về dự án. 

Nhưng nhà ly khai Đới Tình, cũng là nhà sinh thái học thì nhận định, ý muốn chứng tỏ khả năng thách thức thiên nhiên bằng mọi giá của đảng Cộng sản, là cả một sự ngạo mạn. Theo bà thì Bắc Kinh chỉ việc giới hạn dân số thủ đô ở mức 6 triệu, và bà cho rằng dự án Nam Thủy Bắc Điều là không thể thực hiện được do nguy cơ động đất. 

Theo Libération, dự án vĩ đại trên đây cũng là lời thú nhận thất bại của chính quyền Bắc Kinh trong việc đấu tranh chống nạn sa mạc hóa. Tại Long Bảo Sơn, chỉ cách thủ đô 80km về hướng đông bắc, những cồn cát mỗi ngày lại trải dài thêm, có cồn cát cao đến 50m, khiến người ta ngỡ rằng đang ở sa mạc Sahara. Những người dân quê làm dịch vụ cho thuê ngựa hoặc lạc đà Mông Cổ để cỡi, hay cho thuê xe địa hình đi qua cồn cát. Cảnh quan giống như trên mặt trăng của Long Bảo Sơn đã được dùng làm bối cảnh cho nhiều bộ phim màn ảnh lớn cũng như truyền hình Trung Quốc, để quay những cảnh các đạo quân Trung Hoa đang chiến đấu đẩy lùi quân Mông Cổ. 

Nhưng ngày nay, không phải Thành Cát Tư Hãn mà là bão cát đang đe dọa Bắc Kinh, và một phần ba lãnh thổ Trung Quốc. Chỉ riêng tại Long Bảo Sơn, vùng đất xanh tươi với nhiều khu rừng và hồ nước, nơi các vì vua thích đến săn bắn trước đây, hàng năm đã phải hứng chịu đến 90.000 tấn cát từ sa mạc Gobi. Còn khu tự trị Tân Cương vốn là nơi cư ngụ của các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi thì nay hầu như hoang vắng, nhưng Bắc Kinh tiếp tục đưa dân đến định cư, vì mục đích kinh tế cũng như chính trị. 

Libération cũng cho biết thêm về một dự án còn vĩ cuồng hơn, đó là việc đưa một lượng lớn nước biển về Nội Mông, để lấp đầy 1.300 hồ nước đã bị khô cạn trong mười năm gần đây do các nhà máy điện chạy than, và các nhà máy hóa chất. Những chiếc bơm khổng lồ có thể đưa nước biển lên độ cao 1.170m, đưa hàng triệu mét khối nước đến Mông Cổ, một phần trong số đó sẽ được khử mặn và bán lại cho các doanh nghiệp địa phương vốn đang thiếu nước. Dự án này trị giá 14 tỉ euro, và nếu mọi sự diễn ra tốt đẹp, sẽ được kéo dài đến Tân Cương để lấp một phần các sa mạc, các hồ muối ở La Bố Bạc, làm dịu nhẹ đi khí hậu khắc nghiệt của vùng này. 

Hàn Quốc cởi mở hơn trong việc đón nhận người tị nạn Bắc Triều Tiên

Theo báo công giáo La Croix, ngày càng có nhiều người trẻ từ phương bắc, đa số là phụ nữ, trốn sang Hàn Quốc để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, mà chưa hẳn họ đã hình dung được hết những khó khăn trong việc hội nhập. 

Tờ báo cho biết, nếu con số người tị nạn Bắc Triều Tiên vào năm 1.999 chỉ là 1.000 người mỗi năm, thì năm 2.007 lên đến 10.000 người, và từ đó trở đi hàng năm có đến 20.000 người đào thoát sang phương Nam. Ngược lại, dòng người trốn sang Trung Quốc lại giảm đi, từ sau nạn đói của thập niên 90 đã làm cho hàng triệu người chết, hàng trăm ngàn con người đói khát phải vượt biên. Đó là do kinh tế Bắc Triều Tiên đã tương đối ổn hơn, và công an Trung Quốc truy bắt người vượt biên rất gắt. 

Những người Bắc Triều Tiên đào thoát chỉ ở lại Trung Quốc một thời gian rất ngắn, rồi tìm cách sang Hàn Quốc càng sớm càng tốt. Theo một tổ chức bảo vệ nhân quyền, thì sau khi Tổng thống Lee Myung Bak đắc cử năm 2007, các đại sứ quán Hàn Quốc tại những nước quá cảnh như Thái Lan cũng nắm bắt được chủ trương cởi mở, nên thường tạo điều kiện cho họ. 

Có đến 70% người tị nạn là phụ nữ ở độ tuổi 20 đến 30, 77% đến từ tỉnh Hamgyeong, vốn nghèo nhất và lại nằm sát biên giới Trung Quốc. Có người tuy theo tiêu chuẩn Bắc Triều Tiên là không nghèo khổ, vì chưa bao giờ bị đói và nhà lại có ti-vi, nhưng phát hiện được đời sống sung túc ở phương Nam nhờ coi được các phim nhiều tập của Hàn Quốc được bán lén lút, đã quyết định trốn đi tìm cuộc sống mới. 

Nhưng nhiều người Bắc Triều Tiên tị nạn đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập vào một xã hội tư bản siêu cạnh tranh. Hơn phân nửa trong số họ bị thất nghiệp, tỉ lệ tự tử gấp ba lần người Hàn Quốc. Sau 60 năm chia cắt, cung cách suy nghĩ và ngôn ngữ hai miền rất khác biệt, thêm vào đó là sự nghi ngờ, kỳ thị của người tại chỗ. Những người hội nhập thành công là nhờ nói được giọng miền Nam, và giấu kín thân thế của mình. 

Thái Lan : nhà máy điện sử dụng phế phẩm   

Còn tại Thái Lan, trên lãnh vực kinh tế, La Croix cho biết các nhà máy điện sử dụng phế phẩm nông nghiệp đang được khuyến khích. Chính phủ Thái dự định đưa tỉ lệ năng lượng tái tạo từ 8% lên 20% trong vòng 15 năm tới, cho dù đang có những chỉ trích về những ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. 

Theo tờ báo, thì từ hai mươi năm qua chính phủ Thái Lan cố gắng khuyến khích xây dựng các nhà máy điện chạy bằng vật liệu hữu cơ như trấu, vỏ mía, dăm bào…Điện sản xuất ra được mua lại, thậm chí đối với các nhà máy có công suất rất nhỏ, dưới 10 megawatt. Hiện nay cả nước có khoảng 40 nhà máy loại này, một số hoạt động bằng khí sinh học, thường là từ nước thải khi nuôi heo. La Croix nói thêm, Thái Lan có rất ít nguồn năng lượng, hiện 70% là khí thiên nhiên mà ¼ là từ Miến Điện vốn không ổn định về chính trị. 

Tuy vậy các nhà công nghiệp lại thích hướng về năng lượng mặt trời hơn là đầu tư vào điện sinh học vì bán được giá cao hơn. Bên cạnh đó, những người dân sống cạnh các nhà máy điện sinh học chạy bằng trấu không ngớt kêu ca vì các loại bệnh đường hô hấp, do tro từ các nhà máy này thải ra trong không khí. Luật pháp chỉ buộc các nhà máy có công suất trên 10 megawatt phải đầu tư xây dựng hệ thống lưu lại tro thải bên trong khuôn viên, nên phân nửa số nhà máy chạy trấu chỉ có công suất 9,9 megawatt để lách luật. Hiện nay một số nông trường đã tìm được giải pháp, đó là xuất khẩu tro để sau đó người ta lọc lại, lấy chất silice trong tro.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.