Vào nội dung chính
TRIỀU TIÊN

Bình Nhưỡng đặt điều kiện khi cho AIEA trở lại Bắc Triều Tiên

Theo hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo vào hôm nay, Bình Nhưỡng đã chấp nhận nhưng với nhiều điều kiện, để cho phép thanh tra của AIEA trở lại Bắc Triều Tiên, nhân chuyến viếng thăm 5 ngày của ông Bill Richardson, thống đốc tiểu bang New Mexico tại Mỹ, vào giữa tháng 12 vừa qua.

Thống đốc Bill Richardson tại sân bay Bình Nhưỡng (REUTERS)
Thống đốc Bill Richardson tại sân bay Bình Nhưỡng (REUTERS)
Quảng cáo

Theo thông báo của ông Richardson, Bình Nhưỡng đã chấp nhận cho các thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đến các cơ sở hạt nhân Bắc Triều Tiên, đặc biệt là cơ sở mới, chuyên làm giàu uranium thuộc trung tâm Yongbyong, cách Bình Nhưỡng 90 cây số. 

Yếu tố mới mà Kyodo tiết lộ hôm nay là Bình Nhưỡng đã đặt một số điều kiện trong việc chấp nhận này. Một trong các điều kiện là là Bình Nhưỡng phải được bán số 12.000 thanh nhiên liệu - có khả năng sản xuất plutonium để làm bom nguyên tử - cho một nước thứ ba, có thể là Hàn Quốc, nhưng với "giá cao gấp 5 lần so với giá trên thị trường". 

Điều kiện thứ hai là các thanh tra AIEA, trước tiên phải đến viếng nhà máy mới của Yongbyon, để chứng nhận là hoạt động nhà máy chỉ nhằm mục tiêu dân sự. Có như thế thì Bình Nhưỡng mới cho phép nhân viên của AIEA trở lại hoạt động ở Bắc Triều Tiên.  

Bắc Kinh ủng hộ lời kêu gọi mở lại đàm phán sáu bên

Cũng trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, Trung Quốc hôm nay lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi của tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak vào hôm qua, mong muốn cuộc đàm phán 6 bên được mở lại. Theo người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc, đây là giải pháp hữu hiệu nhất để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiền, bảo vệ hoà bình và ổn định trong khu vực. 

Còn trên bình diện quân sự, bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm nay cho biết là Bình Nhưỡng đã tăng cường lực lượng đặc biệt và chiến xa của họ. Lực lượng đặc biệt của Bắc Triều Tiên tăng thêm 20.000 người trong 2 năm qua, đưa tổng số lên 200.000 người. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng đã triển khai các chiến xa mới, như chiến xa Pokpung-ho, tối tân hơn loại T-72 của Nga. Theo Seoul, số chiến xa từ 3.900 vào năm 2008, đã tăng lên 4.100 chiếc hiện nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.