Vào nội dung chính
CHÂU Á

Châu Á 2010 : một năm suy thoái về nhân quyền

Trong năm 2010, hình ảnh nổi bật nhất liên quan đến nhân quyền tại Châu Á có lẽ là chiếc ghế trống dành cho ông Lưu Hiểu Ba tại lễ trao giải Nobel Hòa bình (10/12) tại Oslo, và cảnh lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi xuất hiện trước tư dinh tại Rangoon trước đó một tháng, sau hàng năm trời bị quản thúc.

Hình ảnh chiếc ghế trống dành cho Lưu Hiểu Ba tại lễ trao giải Nobel Hòa bình (Reuters)
Hình ảnh chiếc ghế trống dành cho Lưu Hiểu Ba tại lễ trao giải Nobel Hòa bình (Reuters)
Quảng cáo

Đây là hai cảnh tượng khác nhau, bà Aung San Suu Kyi thì được tự do hiện diện bằng xương bằng thịt, trong lúc ông Lưu Hiểu Ba thì vắng mặt hoàn toàn vì đang bị biệt giam. Thế nhưng hoàn cảnh hai người lại rất giống nhau : họ đều được trao giải Nobel Hòa bình, và đều bị chính quyền nước mình đàn áp. 

Trong bài tổng kết về tình hình châu Á công bố hôm nay, hãng tin Pháp AFP đã không ngần ngại xem hai nhân vật nói trên là các vị ‘’thánh tử vì đạo’’ cho nhân quyền tại Châu Á, một khu vực được ca ngợi vì thành tích kinh tế vượt bực, nhưng lại là nơi tồn tại một số chế độ thuộc loại độc đoán và thô bạo nhất thế giới hiện nay. Chính hành động của các chế độ đó đã khiến cho thành tích về nhân quyền của Châu Á trong năm nay mờ nhạt hẳn đi. 

Theo các chuyên gia phân tích được AFP trích dẫn, tình hình nhân quyền tại Châu Á sẽ khó có thể được cải thiện ngày nào mà Trung Quốc, cường quốc kinh tế và ngoại giao, vẫn coi nhẹ vấn đề này đồng thời còn ra sức đóng vai trò ‘’đại ca’’, dùng uy thế của mình bảo trợ cho các nước vi phạm nhân quyền nặng nề ở khắp nơi và nhất là tại châu Á. 

Nhân quyền thụt lùi và dân chủ giả hiệu 

Đối với ông Dave Mathieson thuộc bộ phận Châu Á của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, trụ sở ở New York, thì việc tôn trọng nhân quyền đã có dấu hiệu lùi bước tại châu Á trong năm 2010, với cách phản ứng ‘’tinh vi’’ nhằm hạn chế quyền con người. 

Một trong nhiều ví dụ liên quan đến cái gọi là các giá trị châu Á. Một số nước trước đây từng bị đả kích khi lập luận rằng quan niệm dân chủ phương Tây không phù hợp với "các giá trị châu Á", ngày nay đã đổi cách đối phó. Thay vì tiếp tục phản bác những lời phê phán, họ đã dàn dựng ra những cuộc bầu cử chỉ dân chủ về mặt hình thức mà thôi. 

Trả lời AFP, đại diện Human Rights Watch giải thích : « Nhiều quốc gia hiện nay đang nói về dân chủ và xác định rằng "ít ra là chúng tôi cũng tổ chức bầu cử, và đó là sự tiến bộ". Thế nhưng, trong thực tế, đó chỉ là những cái vỏ trống rỗng nhằm duy trì nguyên trạng tại các nước đó ». 

Ví dụ điển hình của xu thế kể trên là cuộc tổng tuyển cử tại Miến Điện vào tháng 11 vừa qua do giới tướng lãnh cầm quyền tổ chức, lần đầu tiên từ 20 năm nay. Thế nhưng, trong cuộc bầu cử đó, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi đã không được tham gia. Vào năm 1990, đảng này đã đại thắng nhưng kết quả không bao giờ được tập đoàn quân sự cầm quyền công nhận. 

Về phần bà Aung San Suu Kyi, ngày 13 tháng 11 vừa qua, bà đã có thể xuất hiện trước tư dinh của mình, nơi bà bị quản thúc khoảng 15 trong số 21 năm qua, Bà đã tươi cười và tỏ vẻ phấn chấn trước hàng ngàn cảm tình viên hân hoan đến chào bà. Thế nhưng, tương lai của lãnh tụ đối lập Miến Điện được cho là rất bấp bênh và hoàn toàn nằm trong tay giới quân sự cầm quyền. 

Miến Điện là một trong những chế độ độc đoán có đồng minh là Trung Quốc, vốn đã nổi cộm trong năm 2010 với tính cách là một chế độ chuyên bỏ tù nhưng người bất đồng chính kiến, và đã nghiêm cấm không cho một công dân của mình là ông Lưu Hiểu Ba đến Na Uy nhận giải Nobel Hòa bình đã được tặng cho ông. 

Trung Quốc bênh vực các chính phủ chà đạp nhân quyền

Trung Quốc đã phản ứng dữ dội sau quyết định của Ủy ban Nobel, gây sức ép với khoảng 20 quốc gia để họ tẩy chay buổi lễ trao giải và kiểm duyệt các chương trình phát sóng trực tiếp sự kiện này do CNN và BBC truyền đi tại Trung Quốc. 

Phó chủ tịch điều hành hội Asia Society tại Hoa Kỳ, ông Jamie Metzl, trong một bài viết trên tờ Wall Street Journal, đã cáo buộc Trung Quốc ủng hộ tất cả các hành vi tồi tệ tại nhiều nước trên thế giới. « Trung Quốc là người bảo vệ chính của các chính phủ chà đạp nhân quyền », ông Metzl đã xác đinh như trên và nêu ra trường hợp của các chế độ ở Sudan, Miến Điện, Bắc Triều Tiên, Zimbabwe và Iran. 

Điều đáng lo ngại hơn cả, theo ông, chính là uy thế của Trung Quốc hiện nay có thể làm cho sức ép của quốc tế trên các nước đó không có hiệu quả : « Bởi vì Trung Quốc góp phần bảo vệ các chế độ này – để đánh đổi lấy các lợi ích thương mại nhằm thu vén tài nguyên thiên nhiên – cho nên, các nỗ lực quốc tế để bảo vệ quyền con người nói chung không có hiệu lực trên các hành động lạm dụng của các chế độ đó ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.