Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Châu Âu sắp gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Trung Quốc

Le Figaro hôm nay cho biết theo nhiều nguồn thạo tin tại Bruxelles, châu Âu đang chuẩn bị cho một bước ngoặt trong quan hệ với Trung Quốc : Đầu năm 2011, Bruxelles có thể sẽ gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Bắc Kinh được áp dụng từ hơn 20 năm, sau vụ thảm sát Thiên An Môn 1989.

Chủ tịch LHCAu Van Rompuy tiếp thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo (Reuters)
Chủ tịch LHCAu Van Rompuy tiếp thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo (Reuters)
Quảng cáo

Những người thân cận của bà Catherine Ashton, đại diện cao cấp về đối ngọai của Liên Hiệp Châu Âu còn cho biết « quyết định này có thể sẽ rất mau chóng ». Theo Le Figaro thì việc bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Trung Quốc đã được nhắc tới trong một báo cáo mật trình tại hội nghị thượng đỉnh châu Âu mới đây. Bản báo cáo mô tả lệnh cấm vận này như là « một trở ngại chính » cho quan hệ châu Âu - Trung Quốc trên chính sách đối ngoại cũng như an ninh. Tài liệu nói trên còn ghi rõ Liên Hiệp Châu Âu sẽ phải « rút ra kết luận thực tế và đi trước » trên hồ sơ này.

Tờ báo nhắc lại : « Quyết định cấm bán vũ khí cho Trung Quốc được châu Âu đưa ra ngay sau lệnh cấm vận của Hoa Kỳ, nhưng những năm qua cho thấy lệnh cấm đó không đem lại hiệu quả nào. Trung Quốc vẫn tiếp tục tồn tại dưới chế độ độc đảng. Hơn nữa giờ đây nước này đã giàu lên gấp 15 lần so với năm 1989 và như vậy Bắc Kinh có thể tự mình tìm được phương tiện trang bị quốc phòng cho mình ». Bằng chứng là Trung Quốc đã có thể bắt chước chế tạo thành công loại máy bay ném bom và chiến đấu của Nga. Sắp tới đây Trung Quốc còn cho ra đời cả tàu sân bay có trang bị tên lửa tầm xa để thách thức với hạm đội của Mỹ trên Thái Bình Dương.

Một nhà ngoại giao châu Âu thừa nhận giờ đây Trung Quốc đang sẵn sàng cạnh tranh với châu Âu trên mọi mặt trận. Quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở công nghiệp vũ khí và vì thế mà châu Âu trong tương lai có nguy cơ bị mất đi sự hợp tác công nghệ đầy béo bở đối với Bắc Kinh.

Le Monde nhận thấy, với cái nhìn thực dụng hơn, hầu hết các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đang thay đổi lập trường trên vấn đề này. Pháp, Tây Ban Nha từ lâu nay vẫn đấu tranh để chấm dứt lệnh cấm. Mới đây thì có thêm Hà Lan, Anh Quốc và cả Đức nữa cho dù cũng có phản đối lại một cách yếu ớt. Tờ báo nhận thấy giữa một lục địa giàu có nhất hành tinh như châu Âu và một thị trường Trung Quốc đầy hấp dẫn thì cũng sẽ chẳng có chuyện cho không nhau.

Việc hủy lệnh cấm bán vũ khí sẽ còn là một cuộc mặc cả sôi nổi về việc bảo hộ đầu tư, sở hữu trí tuệ, mở cửa thị trường hay trên vấn đề nguyên vật liệu cơ bản. Đó là những mặt trận mà châu Âu vẫn cứng giọng với Bắc Kinh. Trung Quốc biết châu Âu mong chờ gì ở họ và họ cũng biết sẽ đề nghị lại châu Âu cái gì.

Phiên xử Khodorkovski và tham vọng quyền lực của Putin

Thời sự quốc tế đang được dư luận phương Tây để ý tới là phiên tòa xử nhà cựu tài phiệt Nga Khodorkovski đang diễn ra tại Matxcơva. Xã luận báo Le Monde chạy tựa « Phiên tòa xử Khodorkovski, trò ngụy tạo đáng lo ngại ».

Phiên tòa xét xử lại hai tù nhân nổi tiếng nhất nước Nga Mikhail Khodorkovski và người cộng sự Platon Lebedev mở ra từ hôm 27/12. Trước khi có thể biết được án phạt cho họ, phiên tòa sẽ còn phải mất nhiều ngày nữa mới kết thúc phần đọc án văn dài lê thê.

Hai nhà tài phiệt dầu mỏ của những năm 1990 bị quy tội trong 5 năm đã ăn cắp hơn 200 triệu tấn dầu và rửa trên 23 tỷ đô la. Viện công tố Nga đề nghị mức án 14 năm tù cho họ. Nhưng số phận của hai bị cáo đã được định đọat không phải chờ đến phiên tòa này. Thủ tướng Putin đã kết án họ từ giữa tháng 12 bằng phát biểu trực tiếp trên truyền hình rằng « chỗ của những tên kẻ cắp là ở trong tù ». Theo Le Monde thì với bản án này ông Putin có thể thảnh thơi chuẩn bị chiến dịch tranh cử tổng thống 2012 mà không bị cản trở gì.

Cựu tài phiệt Mikhail Khodorkovski là người đã xây dựng lên gia tài đồ sộ của mình từ đống đổ nát của Liên Xô cũ, dưới thời tổng thống Eltsin. Tội của ông ta hiển nhiên không phải là người giàu nhất nước Nga mà là tội dám cưỡng lại uy quyền của ông Poutine từ sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2000. Nhà tài phiệt không những đã từ chối cuộc sống lưu vong sung túc mà lại còn dám ủng hộ việc xây dựng một lực lượng đối lập với Kremlin. Đó là điều mà Poutine không thể chấp nhận được.

Xã luận của Le Monde viết : Với việc một lần nữa đem kết án Khodorkovski trong một phiên tòa ngụy tạo, biến bị cáo trở thành một tù chính trị ly khai như dưới thời Liên Xô cũ, ông Putin đang tự kết án chính mình. Hành động ngoan cố của thủ tướng Nga càng chứng tỏ tâm trạng bồn chồn nôn nóng quyền lực của ông. Hành động trừng phạt này của ông Putin càng cho cả thế giới thấy rõ ông coi thường nhà nước pháp quyền cũng như là quyền tự do cá nhân và chính trị của người dân như thế nào. Bài báo kết luận : « Một nước Nga mới, tự do hơn, tôn trọng pháp quyền, quan tâm đến đấu tranh chốnh tham những, mong muốn phát triển và đón tiếp các nhà đầu tư ngọai quốc, đó chỉ là một ước mơ và hy vọng hão huyền ».

Nhà tù xịn của Julian Assange

Đặc phái viên của báo LeMonde đã tìm gặp Julian Assange tại nơi trú tạm sau khi được trả tự do có điều kiện. Nhà sáng lập của WikiLeaks đang ngồi chờ tư pháp Anh ra lệnh dẫn độ trong một trang viên sang trọng ở miền quê nước Anh mà báo Le Monde gọi là « Nhà tù dát vàng của Julian Asssange ». Từ ngục tối bước sang lâu đài, đợi phán quyết số phận trong điều kiện như vậy nhưng cũng không làm cho Julian Assange quên đi những mối lo cho tương lai của chính mình.

Sau 9 ngày bị bắt giam và được trả tự do có điều kiện hôm 16/12, giờ đây ông chủ của WikiLeaks đang sống tại một vùng thôn quê cách thủ đô Luân Đôn ba giờ chạy xe. Một người giàu có cảm tình với WikiLeaks, đồng thời cũng là chủ nhân của một câu lạc bộ báo chí nổi tiếng ở Luân Đôn, đã cho Julian Assange mượn cái trang viên của tổ tiên để lại làm nơi nương thân đợi phán xét của công lý.

Sống trong khung cảnh sang trọng nhưng đó vẫn chỉ là một nhà tù hạng sang mà thôi. Bởi việc trả tự do cho ông có kèm theo những điều kiện rất chặt chẽ. Ông phải chấp hành lệnh giới nghiêm, đến giờ phải tới trình diện tại đồn cảnh sát gần nhất và luôn phải đeo chiếc vòng định vị điện tử. Theo như Julian Assange cho biết thì ông không lúc nào được được tháo chiếc vòng kể cả khi đi tắm. Ngoài ra trong vườn người ta còn lắp đặt các máy thu hình. Hoàn cảnh này sẽ còn phải kéo dài ít nhất đến ngày 11 tháng giêng 2011 tới đây. Đó là thời điểm tòa án ra phán xét về yêu cầu của Thụy Điển về việc dẫn độ Julian Assange. Bề ngoài cuộc sống trong trang viên của Julian Assange có vẻ như rất an nhàn nhưng trong tâm trí thì không hề thanh thản một chút nào.

Phóng viên của Le Monde kể lại rằng, khi nói về mình, giọng Julian bỗng trở nên trầm xuống và nghiêm trọng hẳn. Về vụ việc ở Thụy Điển, ông vẫn tiếp tục kêu mình vô tội. Theo Julian Assange thì vụ này có sự dàn dựng đạo diễn của chính quyền Thụy Điển và có thể có liên quan đến Hoa Kỳ. Ông cho biết từ khi WikiLeaks cho phổ biến các tài liệu mật về quân sự và ngoại giao Mỹ thì Washingtton đã muốn triệt hạ ông. Thụy Điển thì trong quá khứ vẫn luôn tỏ ra ngoan ngoãn trước Hoa Kỳ.

Julian Assange cũng mường tượng ra một điều là nếu bị dẫn độ qua Thụy Điển thì đó mới chỉ là bước một, vì Thụy Điển sẽ trao ông cho người Mỹ. Theo ông, đe dọa thực sự đến từ Hoa Kỳ : « Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder đã công khai tuyên bố sẽ tìm cách để khép tôi vào tội mưu phản và gián điệp đồng thời lại từ chối không đưa ra chi tiết nào ». Một hội đồng thẩm phán đã được thiết lập bí mật tại Alexandria (ngoại ô Washington). Julian Assange còn được biết là tư pháp Mỹ đang cố gắng đạt được thỏa thuận với Bradley Maning, viên binh sĩ bị truy tố vì tội đã gửi tài liệu mật của Mỹ cho WikiLeaks. Hiện Maning đang bị giam giữ và có thể bị kết án 52 năm tù, nhưng nếu anh ta chấp nhận khai Julian Assange là đồng phạm thì sẽ bị xử nhẹ hơn.

Khi tưởng tượng ra lúc rơi vào tay người Mỹ, trên gương mặt Julian Assange hiện rõ nét lo âu. Ông chậm rãi giải thích « Chắc hẳn tôi sẽ bị giam giữ bí mật rất lâu ». Julian Assange đưa ra một kịch bản là thà được người Anh chấp nhận cho dẫn độ sang Mỹ còn tốt hơn vì khi đó tư pháp Anh sẽ buộc Biện lý Mỹ phải từ chối không được áp án tử hình. Nhưng trong trường hợp này ông cũng tưởng tượng ra rằng một khi rơi vào nhà tù Mỹ rồi thì rất có thể ông sẽ bị sát hại.

Tuy vậy cũng có những tia hy vọng lóe lên : Julian nhận thấy dư luận Anh ngày càng tỏ ta ủng hộ WikiLeaks nhiều hơn. Họ coi đây là biểu tượng của tự do ngôn luận. Như vậy, ông vẫn hy vọng chính phủ Anh sẽ không dẫn độ ông để khỏi bị coi là chư hầu của Mỹ. Một điểm sáng nữa vấn đề tài chính của WikiLeaks có thể sớm được giải quyết sau khi các giao dịch của WikiLeaks bị phong tỏa. Ngoài ra Julian Assange cũng vừa mới bán bản quyền cho một số nhà xuất bản của Mỹ và Anh về tiểu sử của ông. Thương vụ này sẽ mang lại cho ông khoảng 1,3 triệu. Có tiền Julian sẽ chủ động hơn trong việc biện hộ cho mình. Julian Assange cho biết ông sẽ còn có những thỏa thuận mới với nhiều tờ báo của nhiều nước để công bố những báo cáo ngoại giao của Mỹ trong từng khu vực. Ông còn hứa sẽ phổ biến những tài liệu bất ngờ chủ yếu có liên quan đến Nga, Mỹ và Ngân hàng Thế giới.

Câu chuyện với phóng viên báo le Monde kết thúc khi mà trời bắt đầu tối. Đó là lúc mà Julian Assange phải tới đồn cảnh sát để điểm danh, đây cũng là lần ra khỏi nhà duy nhất trong ngày của ông. Julian thổ lộ : Khi đi ra đường đôi khi tôi cũng sợ điều gì đó sẽ xảy ra với mình. Nhưng tôi không dám nói ra. Vì nếu thẩm phán nhận thấy tôi gặp nguy hiểm thì có thể họ sẽ hủy bỏ lệnh tự do có điều kiện, đưa tôi trở lại nhà tù vì lý do an ninh ».

Những thay đổi đang chờ đón dân Pháp trong năm 2011

Cuối cùng xin được đến với tin tức trong nước Pháp trên các báo ra hôm nay. Chỉ còn chưa đầy 48 giờ nữa bước sang năm mới 2010. Các báo đều quan tâm đến những thay thay đổi đang đón đợi người pháp trong năm 2011. Tinh thần chung của các báo ra ngày 30/12 không mấy sáng sủa, « tất cả đều tăng » trong năm 2011. Bắt đầu là giá taxi sẽ tăng thêm 2,1% ngay trong tháng giêng tới, theo Le Figaro.

Tiếp đến là thuế, trên trang nhất Le Figaro thông báo tổng quát thì không tăng, nhưng chính thức thì « để rút bớt thâm hụt ngân sách, năm 2011 một lọat các lọai thuế cụ thể sẽ tăng ». Tờ báo dự tính, giá bảo hiểm nhà ở, xe cộ sẽ tăng. Giá điện, khung giá khám bệnh thông thường cũng tăng và dịch điện thoại , internet truyền hình cũng sẽ phải tăng thêm một đến hai euros kể từ tháng hai năm 2011. Một thay đổi nữa đối với người Pháp đó là : Bưu điện không còn độc quyền về dịch vụ. Lĩnh vực này sẽ được mở ra cho cạnh tranh tự do.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.