Vào nội dung chính
CAM BỐT - THÁI LAN

Thái Lan - Cam Bốt lại căng thẳng sau một thời gian hòa dịu ngắn ngủi

Trước khi bước qua năm mới 2011, quan hệ Thái Lan và Cam Bốt đột ngột căng thẳng trở lại với việc phía Cam Bốt bắt giữ một nhóm chính khách Thái, vì tội danh xâm phạm lãnh thổ và làm gián điệp. Ngày hôm nay, khai mạc phiên tòa thứ ba tại Phnom Penh, xử những người bị bắt giữ, đặc biệt trong đó có một lãnh tụ của phe Áo Vàng, rất nổi tiếng trong các hoạt động đòi chủ quyền tại khu vực biên giới tranh chấp. Sau đây mời quý vị theo dõi các mô tả và phân tích của thông tín viên Phạm Phan từ Phnompenh. 

Ông Somkwamkid, một lãnh tụ phe Áo Vàng Thái Lan, trên đường bị áp giải đến Toà án thành phố Phnompenh (Cam Bốt) (12/01/2011)
Ông Somkwamkid, một lãnh tụ phe Áo Vàng Thái Lan, trên đường bị áp giải đến Toà án thành phố Phnompenh (Cam Bốt) (12/01/2011) REUTERS/Samrang Pring
Quảng cáo

1 - Các sự kiện xung đột biên giới gần đây giữa Thái Lan và Cam Bốt :

Vào ngày 29/12/2010 lại bùng lên sự kiện chính quyền Cam Bốt bắt giữ 7 người Thái gồm 5 đàn ông, 2 phụ nữ về tội danh đi vào đất Cam Bốt bất hợp pháp khi đoàn người này đang thực hiện công vụ do Dân Biểu Panich Vikitsreth trong đảng đương quyền hướng dẫn, đó là mở cuộc điều tra về khu vực phân ranh trên tuyến biên giới trong phạm vi huyện Ban Nong Chan tỉnh Sa Kaew của Thái và tỉnh Banteay Meanchey của Cam Bốt.

Theo Bangkok Post số ra ngày 12/1/2011 nói Thủ Tướng Abhisit đã bổ nhiệm một Dân Biểu có vị thế quan trọng tại Quốc Hội là ông Panich Vikitsreth đi thu thập các dữ kiện về dân Thái sống tại vùng biên giới, tuy nhiên không rõ lý do gì ông Panich đã cùng ông Veera Somkwamkid một người cầm đầu phe Áo Vàng nổi tiếng chống Cam Bốt và 5 người nữa đi vào lãnh thổ Cam Bốt.

Trong tình hình đang nóng lên như thế, thì phía Thái đã bất cẩn hay theo thói quen của họ khiến cho quan hệ hai bên có thể xấu thêm khi lính biên phòng nổ súng bắn 11 người dân Khmer đang đi kiếm cây củi tại biên giới, làm cho một người chết và một bị thương. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Cam Bốt là ông Koy Kuong nói vụ bắn chết dân xảy ra vào ngày 6 tháng 1. Được biết ngày 6/1 là ngày 7 người Thái bị mang ra tòa án Phnom Penh lần thứ hai để xét xử kể từ khi bị bắt.

08:38

Thông tín viên Phạm Phan (Phnompenh)

2- Về diễn biến của phiên toà xử nhóm 7 người, bao gồm các chính khách Thái Lan :

Hôm nay thứ Tư tòa án Phnom Penh mở phiên xử thứ 3 liên hệ đến 7 người Thái bị bắt giữ. Lần này hai bị cáo chính là ông Veera Somkwamkid và người thư ký của ông là Ratree Pipatanapaiboon. Hai người bị tòa tra hỏi trong 45 phút nhưng tòa chưa đưa ra phán quyết. Có thể vào cuối tuần này sẽ có phán quyết chính thức. Nếu bị tìm thấy tội đúng với tố cáo “làm gián điệp lấy cắp thông tin làm tổn hại đến an ninh quốc gia Cam Bốt” thì hai người sẽ bị án tù trên 10 năm. Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Cam Bốt ông Koy Kuong vụ án này không ảnh hưởng gì đến quan hệ ngoại giao song phương.

Ông Somkwamkid bị bắt lần này là lần thứ 2. Vụ lần trước cũng liên hệ đến vụ tranh chấp biên giới Thái – Cam Bốt, nhưng do Thái can thiệp nên được thả ra. Ông Somkwamkid nguyên là thủ lĩnh phe Áo Vàng, còn có tên Liên Minh Nhân Dân Vì Dân Chủ, hiện ông đang cầm đầu Mạng Lưới Những Người Yêu Nước Thái. Ông Somkwamkid đã bị chính quyền Cam Bốt lưu ý nhiều, vì các hoạt động quyết liệt của ông trong việc đòi lại ngôi đền Preah Vihear cho Thái.

Ông Chavanond Intarakomalyasut, giới chức cấp cao tại Bộ Ngoại Giao Thái nói trường hợp Cam Bốt tố cáo thêm tội danh gián điệp cho ông Somkwamkid và người thư ký khiến các cố gắng can thiệp của chính quyền Thái giúp đưa họ ra khỏi tù càng khó khăn thêm.

3 – Tác động của phiên toà xử các chính khách Thái Lan có ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ hai nước ?

Tờ Bangkok Post cho rằng việc tòa án Phnom Penh truy tố lãnh tụ phe Áo Vàng, ông Somkwamkid, với tội danh gián điệp hôm thứ Hai là một hành động đe dọa và trừng phạt lại ông này do hoạt động quá khứ muốn gây hấn, cũng như cầm đầu sự kích động chống Cam Bốt tại vùng biên giới.

Hôm thứ Hai khi đến trường Sư Phạm Phnom Penh chủ tọa buổi lễ, Thủ Tướng Hun Sen có nói, ông không để cho thế lực nào can thiệp vụ xét xử 7 người Thái, hãy để cho tòa án Phnom Penh giải quyết trường hợp này. Phía Thái thì hẳn biết hệ thống tư pháp Cam Bốt không thể nào rời khỏi ảnh hưởng chính trị của đảng cầm quyền.

Việc bắt giữ 7 người Thái trong đó có một Dân Biểu đang tiếp tục làm công luận Thái quan tâm. Trước đó, có kiến nghị gởi lên LHQ yêu cầu can thiệp để chính quyền Cam Bốt trả tự do cho họ. Ngay khi sau vụ bắt giữ, Thủ Tướng Abhisit đã đòi Cam Bốt thả tự do cho họ ngay nếu không Thái rút đại sứ về nước.

4 – Trước các biến cố xung đột mới đây, dường như đã diễn ra một số động thái hòa dịu giữa hai phía ?

Đúng là mặc dù, mối quan hệ Thái – Cam Bốt hiện nay đang có chiều hướng nóng dần lên, nhưng trước đó cũng cần phải nói đến nỗ lực từ phía Thái trong tiến trình hàn gắn lại các bất hòa và xung đột không kém phần gay go cả trong hoạt động ngoại giao và quân sự. Nỗ lực này trước đó đã được Bộ Ngoại Giao Thái hoạch định qua một chương trình lâu dài trên nhiều lĩnh vực từ văn hóa, du lịch, kinh tế…

Chỉ không đầy một tuần lễ, sau khi xảy ra thảm họa đau buồn trên cây cầu Koh Pich trong mùa đua ghe ở Phnom Penh khiến cho cả số người chết và bị thương lên đến gần 1.000 người, chính quyền Thái đã nhanh chóng gởi một đoàn văn nghệ đến Phnom Penh, phối hợp với các ca sĩ có tiếng của Cam Bốt để trình diễn một đêm văn nghệ mang ý nghĩa an ủi nỗi buồn người dân xứ láng giềng. Buổi trình diễn có sự tham dự của nhiều giới chức thuộc Tòa Đại Sứ Thái, nhiều kiều dân Thái đang sinh sống, làm ăn ở Phnom Penh, rất đông dân chúng Phnom Penh kéo tới coi.

Hoạt động này khiến cho cư dân Phnom Penh có cảm tưởng hai quốc gia đã hòa dịu thực sự và một thời kỳ nồng ấm mới sẽ diễn ra.

5 – Như vậy, các xung đột biên giới giữa hai nước Thái Lan và Cam Bốt vừa qua có vẻ đã diễn ra khá bất ngờ. Vậy nguyên nhân nào nằm ở đằng sau sự căng thẳng gia tăng mới đây ?

Vùng đất mà 7 người Thái xâm nhập là nơi đã từng nổ ra tranh chấp lãnh thổ giữa Thái Lan với Cam Bốt vào cuối thập niên 1970. Thực ra quan điểm của phía Thái Lan không phải là thống nhất trong vấn đề này.

Theo báo The Nation, các thông tin do Cục Điều Tra và Bộ Ngoại Giao Thái chứng tỏ rằng nhóm 7 người do Dân Biểu Panich Vikitsreth dẫn đi đã lấn vào lãnh thổ Cam Bốt đến 55 thước. Phe Áo Vàng tỏ ra chán nản với thông tin do Bộ Ngoại Thái xác nhận và họ gọi Ngoại Trưởng Kasit Piromya và nhiều giới chức cao cấp trong Bộ Ngoại Giao là “kẻ phản bội”. Phe Áo Vàng nhấn mạnh người của họ đã bị bắt khi còn ở trong đất Thái và bác bỏ việc chính quyền Cam Bốt truy tố họ.

Theo nhận định của báo chí Thái, chính quyền Thủ Tướng Abhisit đang phải đối diện với các áp lực bên trong nước, đó là các cuộc biểu tình chống chính quyền từ cả hai phe.

Phe thứ nhất gồm những thành phần cực đoan không đồng ý với cách giải quyết của chính quyền trong vụ 7 người Thái bị bắt giữ, mà hậu quả là : cho đến nay tình trạng vẫn không được giải quyết, khiến 7 người vẫn tiếp tục phải sống trong nhà tù Prey Sor tồi tệ ở ngoại ô Phnom Penh.

Phe thứ hai tức phong trào Áo Đỏ thân cựu Thủ Tướng Thaksin. Sau khi đài truyền hình CTN của Phnom Penh cho chiếu đoạn phim cảnh sát Cam Bốt tịch thu được của nhóm 7 người Thái. Đài truyền hình Áo Đỏ đã thu hình lại và cho chiếu trên đài truyền hình của họ với dụng ý chỉ trích chính quyền Thủ Tướng Abhisit. Trong đoạn phim do chính nhà báo đi trong đoàn Dân Biểu Panich Vikitsreth quay suốt chuyến đi cho thấy : từ lúc họ rời khỏi xe hơi nằm trên quốc lộ của Thái sát biên giới, sau đó băng đồng ruộng đi vào đất Cam Bốt và rồi bị hai người lính Cam Bốt giữ lại, để báo cho cấp trên hay sự việc.

Đoạn phim ngắn cũng ghi âm cuộc đối thoại giữa ông Panich Vikitsreth và những người trong đoàn về cột mốc tại vùng phân ranh, cuộc đối thoại được Cam Bốt cho dịch qua chữ Khmer và chiếu trên đài truyền hình. Phe Áo Đỏ chụp lấy cơ hội này để phê phán Thủ Tướng Abhisit không có khả năng cầm quyền, hay sinh chuyện với láng giềng. Hành động như vậy Phe Áo Đỏ muốn hâm nóng lại tinh thần cho lực lượng của họ để thúc đẩy cuộc vận động cho ông Thaksin được trở lại chính trường Thái.

Vào ngày 9/1/2011 phe Áo Đỏ lại tổ chức được cuộc biểu tình qui mô tại Băng Cốc sau thất bại hồi năm ngoái. Điều này còn cho thấy ông Thaksin không từ bỏ ý định khôi phục lại quyền lực. Đài truyền hình Áo Đỏ cũng thường cho chiếu lại khúc phim các thành viên họ bị chính quyền hành hung, đánh đập, bắn giết, cảnh đổ máu của người dân, và các bức hình họ vẽ Thủ Tướng Abhisit trong bộ quân phục của Đức Quốc Xã.

Các báo chí và truyền hình do nhà nước Cam Bốt kiểm soát thường nói đến việc Thủ Tướng Abhisit không có quyền hành nhiều, mà người điều khiển thực sự là Hoàng hậu Thái Lan. Đài CTN (Cambodia Television Network) đưa ra những chứng cứ cho thấy ông Abhisit chỉ là một con cờ trong tay Hoàng hậu Thái.

Như vậy, theo một số nhà quan sát, những căng thẳng giữa phe Áo Đỏ và chính phủ, sự bất lực của chính phủ trong việc làm chủ tình hình, cùng với vai trò hậu trường của Hoàng hậu Thái Lan trong việc thúc đẩy một thái độ rất cứng rắn trong vấn đề xung đột biên giới, có thể là những yếu tố làm cản trở đến việc hai nước Thái Lan và Cam Bốt giải quyết một cách bình tĩnh các vấn đề chủ quyền lãnh thổ, vốn luôn luôn có mầm mống bùng nổ thành xung đột. Những tác động này đã làm lỡ mất một cơ hội hòa giải và hòa dịu vừa được thiết lập lại trong tháng 12 vừa qua, thậm chí có thể đưa quan hệ song phương vào chỗ bế tắc. Và điều này chắc chắn ảnh hưởng đến tình hình ổn định chung trong khối ASEAN.

Phạm Phan/Phnom Penh/RFI
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.