Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Chính quyền quân sự tư nhân hóa các doanh nghiệp Nhà nước

Trước khi chính phủ dân sự được thành lập, tập đoàn quân sự Miến Điện thực hiện chính sách tư nhân hóa ồ ạt để tiếp tục kiểm soát nền kinh tế. Hôm qua, AFP dẫn lời thứ trưởng Công nghiệp Miến Điện, phát biểu trên tuần báo Biweekly Eleven, một tờ báo của Rangun, khẳng định : Sẽ tư nhân hóa đến 90% các doanh nghiệp Nhà nước.

Giới tướng lãnh cầm quyền Miến Điện tư nhân hóa ồ ạt để tiếp tục kiểm soát nền kinh tế.
Giới tướng lãnh cầm quyền Miến Điện tư nhân hóa ồ ạt để tiếp tục kiểm soát nền kinh tế. Reuters
Quảng cáo

Làn sóng tư nhân hóa đã bắt đầu từ vài tuần nay. Kế hoạch này liên quan trực tiếp với các cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên vừa được tiến hành vào tháng 11. Làm như vậy, giới tướng lãnh muốn tiếp tục kiểm soát các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Miến Điện.

Thông tín viên Arnaud Dubus tường trình từ Bangkok

"Cuối tháng một, Quốc hội Miến Điện sẽ nhóm họp và thành lập một chính phủ dân sự. Cho dù nhiều nghị sĩ tại Quốc hội và thành viên chính phủ nguyên là các cựu quân nhân, các tướng lãnh cầm quyền vẫn thấy rằng họ cần phải tiến hành các biện pháp riêng để tiếp tục chi phối nền kinh tế. Như vậy, tuyệt đại đa số các doanh nghiệp Nhà nước sẽ được bán cho các doanh nghiệp tư nhân.

Chính sách này hiện tại đã bắt đầu được thực hiện với các bến cảng, các trạm xăng dầu, các kho hàng và các rạp chiếu bóng. Làn sóng tư nhân hóa này không gây ngạc nhiên nhiều lắm, bởi vì những người tiếp nhận các tài sản này chính là những doanh nhân có quan hệ chặt chẽ với tập đoàn quân sự, ví dụ như đại gia Tay Za, một người thân cận với tướng Than Shwe, thủ lĩnh tập đoàn quân sự.

Hiến pháp Miến Điện dành cho các chính quyền địa phương quyền quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên lãnh thổ của mình. Chiến dịch tư nhân hóa ồ ạt của tập đoàn quân sự nhằm mục đích tiếp tục bảo đảm sự kiểm soát của các tướng lãnh đối với dầu mỏ và khoáng sản quý, thông qua trung gian của các doanh nhân. Chiến dịch tư nhân hóa này cũng liên quan đến các dự án hạ tầng cơ sở lớn, như dự án cảng nước sâu tại Tavoy, gần Thái Lan. Như vậy, chính phủ dân sự rất có thể sẽ bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên này với bàn tay trắng. »

Kế hoạch chuyển giao phần lớn các tài sản công cho những ngưòi thân cận với giới lãnh đạo quân sự được đưa ra năm ngoái 2010 và đã bị phản đối quyết liệt. Thông tin về tư nhân hóa 90% doanh nghiệp Nhà nước hiện chưa được chính quyền công nhận. Trả lời AFP, nhà kinh tế học Khin Maung Nyo tỏ ý ngờ vực về con số này, mặc dù ông cũng công nhận là phần lớn các doanh nghiệp sẽ bị tư nhân hóa.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.