Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Các chính đảng sắc tộc thiểu số đòi bãi bỏ trừng phạt Miến Điện

Vài ngày trước khi Quốc hội mới tại Miến Điện nhóm họp, dự kiến vào 31/01/2011, các đảng phái chính trị đại diện cho những cộng đồng thiểu số tại Miến Điện đã ra thông cáo chung vào ngày hôm nay, 16/01/2011, kêu gọi phương Tây bãi bỏ các biện pháp trừng phạt về kinh tế. 

Dân nghèo Miến Điện có thể bị tác động  trực tiếp từ lệnh trừng phạt của các nước phương Tây?
Dân nghèo Miến Điện có thể bị tác động trực tiếp từ lệnh trừng phạt của các nước phương Tây? Ảnh:REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Các tổ chức ký thông cáo chung là đảng Dân chủ người Shan, đảng Phát triển của người Rakhine, đảng Quốc gia Chin, đảng Dân chủ vùng All Mon và đảng dân chủ Phalon-Sawaw.

Năm chính đảng này cho rằng các trừng phạt của Hoa Kỳ và các nước châu Âu là nguồn gốc của rất nhiều khó khăn trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và công nghệ hiện đại. Đây là những lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của những nơi có các sắc dân thiểu số sinh sống.

Sau cuộc bầu cử, ngày 07/11/2010, các tổ chức chính trị nói trên đều có đại diện tại Quốc hội Miến Điện, đặc biệt là đảng Dân chủ người Shan có tới 57 dân biểu.

Tuy nhiên, 80% số ghế tại Quốc hội đều rơi vào tay các dân biểu thuộc đảng Đoàn kết và Phát triển Liên Hiệp. Đảng này do giới tướng lãnh cầm quyền tại Miến Điện lập ra vào giờ phút chót để tham gia cuộc bầu cử. Các nước phương Tây đều coi cuộc bỏ phiếu này là một trò hề.

Việc kêu gọi bãi bỏ lệnh cấm vận là một trong những chủ đề gây tranh luận trong giới đối lập Miến Điện.

Từ Bangkok, thông tín viên Arnaud Dubus tường trình.

Ngày càng có thêm nhiều tiếng nói từ bên trong Miến Điện cất lên yêu cầu dỡ bỏ lệnh trừng phạt của các nước phương Tây đối với nước này. Lập luận đưa ra là lệnh trừng phạt này đã thúc đẩy chính quyền quân sự càng thắt chặt hơn mối quan hệ thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ và các nước trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời lệnh trừng phạt tác động đến tầng lớp dân nghèo Miến Điện.

Năm đảng phái đại diện cho các sắc tộc thiểu số mới đây đứng thêm vào hàng ngũ những người phản đối lệnh trừng phạt. Theo họ thì lệnh trừng phạt của phương Tây cản trở các đầu tư có thể phát triển các khu vực khác của đất nước.

Vấn đề gỡ bỏ trừng phạt cũng là chủ đề tranh cãi vì một số nhóm đối lập Miến Điện lưu vong khẳng định trừng phạt Miến Điện là một hành động mạnh cần phải duy trì bất kể hiệu quả là như thế nào.

Sau khi được trả tự do, nhà đối lập Aung San Suu Kyi đã phát biểu là bà không phản đối việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt nếu như người ta có thể chỉ cho bà thấy lệnh này thực sự gây hại cho dân chúng.

Dù sao thì việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Miến Điện sắp tới vẫn còn là điều chưa chắc chắn bởi vì ở châu Âu cũng như Hoa Kỳ, Quốc hội và dư luận vẫn không đồng tình.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.