Vào nội dung chính
BANG GIAO TRUNG-MỸ

Quan hệ Trung Quốc -Hoa Kỳ sẽ tới khúc gập ghềnh?

Sau rất nhiều trắc trở năm ngoái, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ chính thức thăm Hoa Kỳ, từ ngày 19 đến21 tháng giêng. Không kể những dịp gặp gỡ song phương của nguyên thủ đôi bên thì từ năm 2006 đến nay, đây là chuyến thăm viếng đầu tiên của ông Hồ Cẩm Đào với tư cách quốc khách của nước Mỹ, khi quan hệ hai nước đang có nhiều hồ sơ nhạy cảm, từ kinh tế đến ngoại giao, và an ninh.

Tàu chở hàng xuất khẩu Trung Quốc cập cảng Okland, California
Tàu chở hàng xuất khẩu Trung Quốc cập cảng Okland, California REUTERS/Beck Diefenbach
Quảng cáo

Trong khi ấy, Tổng thống Barack Obama lại phải xoay trở ở nhà với đảng Cộng Hoà nay đã kiểm soát Hạ viện và có thế mạnh hơn ở Thượng viện. Đôi bên sẽ nói chuyện những gì và quan hệ giữa hai quốc gia sẽ xoay chuyển ra sao? Thanh Hà có cuộc trao đổi sau đây với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ, người theo dõi tình hình kinh tế Trung Quốc rất sát từ cả chục năm nay.

RFI: Xin kính chào anh Nghĩa. Thưa anh, việc Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chính thức thăm Hoa Kỳ đã gặp trở ngại và bị hủy bỏ năm ngoái. Lần trước mà ông Hồ Cẩm Đào là thượng khách của Mỹ là vào năm 2006 - thời Tổng thống George W. Bush. Lần đó, lãnh đạo Trung Quốc bị phật ý khi dinh Tống thống lầm lỡ cử lên quốc thiều của Đài Loan và để một người dân đứng dưới hô to khẩu hiệu chống Bắc Kinh! Lần này, Tổng thống Obama sẽ long trọng khoản đãi Chủ tịch một quốc gia đang là chủ nợ của Hoa Kỳ, với hơn 900 tỷ đô la Công khố Mỹ trong tay. RFI đề nghị anh phân tích cho bối cảnh và nếu có thể thì dự đoán về kết quả của chuyến thăm viếng này.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nói về bối cảnh thì Hồ Cẩm Đào đang ở vào giai đoạn cuối của 10 năm lãnh đạo, vì sẽ chuyển quyền cho thế hệ thứ năm sau Đại hội 18 vào tháng 10 năm 2012. Ông sẽ để lại di sản ra sao cho người sau khi Trung Quốc là thế lực kinh tế với bên ngoài nhưng có khá nhiều vấn đề trầm trọng bên trong? Then chốt nhất là mâu thuẫn nội bộ khi hệ thống sản xuất sẽ chuyển từ công nghiệp chế biến qua dịch vụ và tài chánh mà vẫn có năm bảy trăm triệu nông dân cùng khổ và bất mãn... Đã vậy, năm 2011 này, vật giá sẽ tăng mà đà tăng trưởng lại sụt dưới mức 9%, mà xuất cảng như một giải pháp cứu nguy thì chỉ hy vọng tăng 10% thay vì 30% như năm ngoái. Cho nên bằng mọi giá, và mọi thủ thuật, Trung Quốc phải bán hàng mạnh hơn.

Ngược lại, Tổng thống Barack Obama cũng nhìn vào tấm lịch tranh cử năm 2012 và gặp sức ép bên đảng Cộng Hoà về nhiều hồ sơ kinh tế xã hội, với bội chi và thất nghiệp cao, khi cần tháo gỡ các hồ sơ gai góc là chiến trường Iraq, sự hung hăng của Iran và bất ổn tại Đông Á. Ông cần tới sự hợp tác của Trung Quốc để giảm thiểu mối nguy với Iran và ổn định bán đảo Triều Tiên. Vì vậy hai người đều ở vào hoàn cảnh phải nêu ra điểm bất đồng - désagréments - mà tránh thái độ bất lịch sự - désagréable - như ông Hồ Cẩm Đào có thể đã gặp với ông Bush!

RFI: Có lẽ lần này thì Chính quyền Omama sẽ lịch sự hơn?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Có lẽ vậy vì theo chương trình, ông Hồ Cẩm Đào có hai bữa ăn tối với Tổng thống Mỹ mà bữa thứ nhì là "Quốc yến", là điều không có lần trước. Ngoài ra, ông sẽ được Ngoại trưởng Hillary Clinton mời ăn trưa, sẽ phát biểu trước doanh giới Mỹ và thăm một cơ sở có vốn đầu tư của Trung Quốc tại Chicago - đại bản doanh tái tranh cử của ông Obama.
Tháp tùng Hồ Cẩm Đào lần này sẽ có Bộ trưởng Thương mại Trần Đức Minh và Lâu Kế Vĩ, Chủ tịch Công ty Đầu tư Quốc doanh có tài sản hơn 230 tỷ đô la, và nhiều cán bộ doanh gia khác. Họ muốn tranh thủ dư luận Mỹ với nhiều hứa hẹn về hợp tác kinh tế và một số hợp đồng có thể lên tới 10 tỷ đô la.

RFI: Thế thì tương tự như chuyến thăm viếng của ông Hồ Cẩm Đào tại Pháp, của Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại Ấn và Pakistan hay của Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường tuần này tại Tây Ban Nha, Anh và Đức, lãnh đạo Trung Quốc có thể dùng khối dự trữ ngoại tệ đã lên tới 2.850 tỷ đô la để tranh thủ dư luận các nước qua nhiều hợp đồng kinh tế. Nhưng thưa anh với quốc gia nhập cảng nhiều hàng hóa Trung Quốc nhất và bị nhập siêu lớn nhất là Hoa Kỳ, việc Bắc Kinh tung tiền mua chuộc các doanh nghiệp có làm giảm bớt những mâu thuẫn kinh tế giữa hai nước không? Cụ thể là tỷ giá quá thấp của đồng Nhân dân tệ chẳng hạn là điều đã bị phía Mỹ than phiền từ lâu, kỳ này hai nước có hy vọng khắc phục hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chuyện tỷ giá đồng Nguyên của Trung Quốc chỉ là một phần nhỏ và có nhiều kịch tính, tức là giả hiệu, của chính trường Mỹ. Còn lại là rất nhiều hồ sơ về an ninh. Về đồng bạc thì năm qua, Chính quyền Obama cố trì hoãn áp lực bảo hộ mậu dịch từ đảng Dân Chủ khi bộ Tài chánh ba lần từ chối kết luận là Bắc Kinh lũng đoạn ngoại hối và trợ giá xuất khẩu. Hạ viện Mỹ thì biểu quyết một đạo luật khiếu nại trước ngày bầu cử để ra vẻ tranh đấu cho quyền lợi của dân Mỹ chứ đạo luật ấy vô giá trị khi Thượng viện chưa thông qua và Tổng thống chưa ký.

Bây giờ với Hạ viện trong tay Cộng Hoà thì chuyện đó càng vô vọng vì đảng Cộng Hoà không ủng hộ chủ trương bảo hộ mậu dịch. Hôm Thứ Tư, Tổng trưởng Tài chánh Mỹ Timothy Geithner cũng ra dáng nêu vấn đề về ngoại hối mà thực chất là chạy tội cho Bắc Kinh vì nói rằng dù đồng Nguyên chỉ tăng giá có 3% từ tháng Sáu năm qua thì vì sai biệt lạm phát giữa hai nước, đồng bạc Trung Quốc có thực tế lên giá 10% và chỉ nhẹ nhàng yêu cầu Bắc Kinh điều chỉnh tỷ giá. Lý do là ông Obama cần sự cộng tác của Bắc Kinh để can gián Bắc Hàn và Iran.

Thật ra, ngoài hồ sơ ngoại hối thì quan hệ kinh tế giữa hai nước còn nhiều vấn đề khác cho doanh nghiệp Mỹ. Khi cần xuất cảng vì lý do sinh tử cho chế độ, Bắc Kinh định giá đồng bạc quá thấp và trợ giá cho doanh nghiệp họ tranh thủ thị trường Mỹ, có sức tiêu thụ lên tới 10.000 tỷ đô la, bằng phân nửa thị trường tiêu thụ toàn cầu. Bên trong, Bắc Kinh thủ nhiều rào cản đầu tư ngoại quốc, không thi hành cam kết về việc bảo vệ quyền sở hũu trí tuệ - nôm na là vẫn để doanh nghiệp Hoa lục ăn cắp tác quyền của thiên hạ - và không chấp hành nhiều quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới nên bị nhiều doanh nghiệp Mỹ đòi kiện, đã kiện và đã thắng. Hôm 13, đến lượt Tổng trưởng Thương mại Mỹ là Gary Locke, vốn là người gốc Hoa, nguyên Thống đốc tiểu bang Washington tại miền Tây, cũng nêu vấn đề về những cản trở này.

Thực tế thì trong 10 năm qua, sau khi gia nhập Tổ chức WTO, Trung Quốc hưởng lợi rất nhiều và thành cường quốc kinh tế vượt qua Nhật Bản nhưng vẫn áp dụng tiểu xảo của nước nghèo để móc túi thiên hạ, rồi với dự trữ ngoại tệ đã lên tới 2.850 tỷ thì bắt đầu thách đố quyền lợi của Mỹ. Trong khi ấy, Hoa Kỳ đã thay đổi, mắc nợ nhiều hơn và khó tiêu xài như xưa mà thất nghiệp thì không giảm. Vì vậy, năm ngoái, ông Obama tung ra "quốc sách xuất cảng" với chỉ tiêu là nâng xuất cảng gấp đôi để tạo thêm hai triệu việc làm trong năm năm tới. Nhu cầu ấy khiến tranh chấp quyền lợi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là điều tất yếu, dù ông Obama có muốn tránh né.

RFI: Nhưng với đảng Cộng Hoà nay có thế mạnh, lại không đồng ý với áp lực bảo hộ mậu dịch của đảng Dân Chủ như anh vừa nói, thì ông Obama có dễ xoay trở hơn không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là ngược lại! Đảng Cộng Hoà nghi ngờ Trung Quốc còn mạnh hơn mà chẳng cứ vì đồng Nguyên. Họ tố cáo Bắc Kinh cạnh tranh bất chính, cản trở đầu tư của Mỹ vào Hoa lục, vi phạm nhân quyền, không hành xử như một quốc gia biết điều và có trách nhiệm về chuyện thế giới, xâm nhập và đe dọa an ninh Hoa Kỳ, đỡ đòn cho Iran và gây rủi ro cho Đông Á khi không can gián chế độ Cộng sản Bắc Hàn, lại còn muốn khống chế cả Đông hải.

Thuần về kinh tế, họ cho là khi xuất cảng và thu về ngoại tệ, Bắc Kinh chẳng những trục lợi vì đồng bạc quá rẻ mà còn đông lạnh một phần của số thu nhập đó để ngừa áp lực tiền tệ nên có cản trở sự vận hành của quy luật cung cầu. Nhưng nếu chấp hành việc đó cho tự do, thì dân Trung Quốc có khi được hưởng kết quả lao động mà Bắc Kinh sẽ bị loạn to vì nạn lạm phát! Ngoài ra, bên Cộng Hoà cũng ủng hộ việc Ngân hàng Xuất nhập cảng Exim-Bank của Mỹ phải yểm trợ cho doanh nghiệp Mỹ tranh thủ các hợp đồng đầu tư tại Hoa lục và đòi Bắc Kinh tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới. Vì vậy, có lẽ họ đòi một sức ép đa diện hơn.

RFI: Mà như anh trình bày thì đảng Cộng Hoà còn chú ý vào nhiều vấn đề khác ngoài ngoại thương và kinh tế nữa, có phải không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Với chủ trương bảo thủ về an ninh và triệt để bảo vệ quyền lợi Hoa Kỳ, có lẽ phe Cộng Hoà sẽ gây sức ép mạnh hơn về nhiều lãnh vực ngoài kinh tế. Như Bắc Kinh phải tôn trọng nhân quyền, Mỹ phải yểm trợ Đài Loan, phải trang bị về quốcphòng và cứng rắn hơn với Trung Quốc về an ninh trên bán đảo Triều Tiên và ngoài Đông hải. Họ cũng cho là Bắc Kinh trục lợi nhờ Mỹ, lại không hợp tác với các tổ chức quốc tế để cùng giải quyết nhiều hồ sơ chung của thế giới mà còn tìm cách bành trướng ảnh hưởng và xâm phạm quyền lợi Hoa Kỳ ở nhiều nơi khác trên thế giới, từ Á châu qua Âu châu tới Trung Nam Mỹ.

07:51

Chuyên gia KT Nguyễn Xuân Nghĩa-Hoa Kỳ

Tổng kết lại thì sau 10 năm hòa dịu qua hai nhiệm kỳ của ông Bush và hai năm đầu của ông Obama, quan hệ giữa hai nước đang đi vào khúc quanh gay gắt hơn. Nếu trong hai năm tới mà Mỹ đỡ bận tâm về chiến tranh chống khủng bố thì cách ứng xử với Bắc Kinh sẽ dữ dội hơn, nhất là khi Trung Quốc đang chứng minh là phe Cộng Hoà có lý khi biểu dương thế lực quân sự như muốn dằn mặt Hoa Kỳ. Ông Obama cũng biết sự ôn hoà mà vô hiệu của mình sẽ là một nguy cơ thất cử. Vì vậy, dù đôi bên có trải chiếu cạp điều để vái nhau trong chuyến thăm viếng này, quan hệ Mỹ-Hoa vẫn căng thẳng hơn trước, kể từ năm 2011 trở đi.

RFI: Xin cám ơn anh Nguyễn Xuân Nghĩa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.