Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - KHỦNG HOẢNG NÔNG THÔN

Trung Quốc : các đô thị đang nuốt dần nông thôn

Courrier International tuần này dành sự chú ý cho hồ sơ đất đai nông thôn tại Trung Quốc, bị chính quyền cưỡng đoạt trong các dự án đô thị hóa mang tính áp đặt. Dưới tựa đề « Nông thôn bị đô thị hóa xâm thực », là một phóng sự điều tra đáng chú ý trong hồ sơ, được Courrier International dẫn lại theo một tờ báo Bắc Kinh. Bài viết phơi bày một thực trạng bi thảm, ẩn đằng sau chính sách tái định cư, được thí điểm thực hiện tại khoảng 20 tỉnh Trung Quốc, kể từ năm 2008.  

REUTERS/Baz Ratner
Quảng cáo

Bộ lãnh thổ và tài nguyên Trung Quốc hy vọng sẽ lấy được từ nông thôn 1,8 triệu hecta đất. Mục tiêu lý tưởng của chính sách tái định cư này là trả lại cho nông nghiệp những đất đai đã bị sử dụng để làm nơi ở của nông dân, đổi lại, nông dân được đưa vào các khu đô thị mới, được xây dựng lên trên chính những khu đất mà nhà nước vừa lấy lại của họ.

Chính sách này là một biện pháp mà chính quyền Trung Quốc đưa ra để tìm cách giải quyết vấn đề thiếu đất nông nghiệp đang ngày càng trở nên trầm trọng tại Trung Quốc, với việc chất lượng đất nông nghiệp bị suy thoái nghiêm trọng và diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp nhanh chóng, bởi quá trình đô thị hóa.

Tuy nhiên, mục đích có lợi trước mắt đối với chính quyền các địa phương là có thêm được đất, để bù vào phần thiếu hụt trong các kế hoạch đô thị hóa, mà chính quyền trung ương thường không cấp đủ theo yêu cầu. Giám đốc của Phòng lãnh thổ và tài nguyên thuộc thành phố Zhucheng (Chư Thành) (tỉnh Sơn Đông), cho biết : nhu cầu đất của thành phố là từ 200 đến 270 hecta, tuy nhiên chỉ tiêu thành phố được cấp chỉ khoảng chừng 30 hecta. Như vậy, nếu không tham gia vào chương trình thí điểm tái định cư nói trên, thì thành phố sẽ không có đủ đất. Viên giám đốc thừa nhận : nếu không có đất, bản thân ông ta cũng không thể ở lại được chức vụ này.

Trong quá trình tái định cư thí điểm áp dụng từ năm 2008, nhiều làng xã đã biến mất. Thành phố Zhucheng kể trên đã có quyết định xóa bỏ gần 1250 làng để tập hợp lại thành 208 khu phố nông thôn, và 700 nghìn nông dân nay trở thành dân của « các đô thị mới ». Trong số các làng biến mất, có thể kể đến ngôi làng Dongjiawu (Đổng Gia Vụ) (thuộc tỉnh Hồ Bắc), năm 2006, được phong danh hiệu « làng sinh thái và văn minh » tiêu biểu của Trung Quốc. Những ngôi nhà mới xây và con đường lớn vừa được trải nhựa đã bị phá đi không thương tiếc.

Đất đai của nông dân trong quá trình thí điểm tái định cư được áp dụng rộng rãi kể trên đã biến thành một nguồn tài nguyên hết sức béo bở. Nhờ chênh lệch giá (giữa đất đô thị và đất nông nghiệp) mà chính quyền thành phố Zhucheng kể trên đã có thể kiếm được mỗi năm khoảng từ 22 đến 33 triệu euro tiền lời, với hơn 5000 hecta mà họ có ý định lấy của nông dân để mở rộng đô thị.

Mặc dù, đúng theo quy định, để lấy đất phục vụ cho chương trình tái định cư thí điểm, chính quyền địa phương phải thỏa thuận với nông dân về giá cả sao cho hợp lý, nhưng trên thực tế, nhiều vụ lạm dụng và đàn áp đã xảy ra. Những người nông dân, buộc phải rời bỏ mảnh đất bao đời, đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc có được nơi ở mới, cũng như các nghề mới và lối sống mới nơi đô thị.

Hơn một năm sau khi tiến hành chính sách thí điểm tái định cư nông dân vào các đô thị mới, chính quyền trung ương Trung Quốc buộc phải thừa nhận những lạm dụng tràn lan tại các địa phương, và phải yêu cầu chính quyền nhiều địa phương, được thí điểm, tạm trả lại đất cho nông dân canh tác trong vòng ba năm. Hay nói một cách khác, phần nào công nhận sự thất bại của kế hoạch tái định cư.

Làm thế nào để giải quyết được cùng một lúc nhu cầu phát triển của đô thị và nhu cầu đất trong nông nghiệp, đồng thời bảo đảm được các lợi ích của những người nông dân ?

Bài báo kết luận : bài toán này thật vô cùng nan giải đối với giới cầm quyền Trung Quốc trong nhiệm kỳ năm năm tới (2011-2015).

Cũng về chủ đề trưng dụng đất đai tại Trung Quốc, sự kiện gây chấn động trong những ngày gần đây là việc ông Tiền Vân Hồi (Qian Yunhui), một trưởng thôn thuộc tỉnh Triết Giang bị xe tải cán chết vào đúng ngày Noel 25/12 vừa qua, sau khi ông đã tham gia rất tích cực vào việc bảo vệ các cư dân địa phương chống lại các cuộc cưỡng chế trưng dụng đất. Nhiều người không tin rằng vị trưởng thôn đứng về phía dân chúng đã chẳng may gặp nạn, mà cho rằng ắt hẳn có những mưu đồ khuất tất đằng sau cái chết thảm thương này.

Bài điểm báo tuần trước « Cái chết của một trưởng thôn khiến cư dân mất lòng tin vào giới cầm quyền » của RFI đã thuật lại sự kiện này. Trong bài viết « Một cái chết đặt ra nhiều câu hỏi », trích từ một tờ báo của Hongkong, được đăng tải trên Courrier International, tác giả nhận xét : quá trình tịch thu đất để làm các công trình, đối lập những người đi trưng thu với những người bị trưng thu, chắc chắn sẽ dẫn đến các xung đột khốc liệt. Tác giả khẳng định : « Cách làm này sẽ không thể tiếp tục tồn tại, vì cái giá của nó đối với xã hội ngày càng cao ».

Khỏa thân đi ra đường : mốt mới tại Singapore

Courrier International tuần này chú ý đến một nước Châu Á khác : Singapore, với trào lưu khỏa thân tại nơi công cộng.

Dưới tựa đề « A nu et à dia » (tạm dịch là mọi thứ đảo lộn), bài viết trên tờ The Star của Malaysia nhận định : Các hiện tượng khỏa thân trước công chúng, ngày càng nhiều tại Singapore, cho thấy đang diễn ra xu thế phá vỡ các tập quán truyền thống của quốc gia-thành phố này. Theo nhận xét của một người Singapore nay cư trú tại nước ngoài, dân cư Singapore đã điên rồi, họ không còn chịu nỗi những thứ mà họ mặc trên mình.

Một người đàn ông chừng 40 tuổi trong trang phục của Adam, ngồi trên vỉa hè bị cảnh sát bắt. Một nữ sinh bán quần lót của mình trên mạng. Hay một nữ giáo viên thực tập khỏa thân cùng với các học sinh nữ 12-15 tuổi. Một người đàn ông không một mảnh vải đến gọi cà fê tại quán. Và gần đây, một phụ nữ trút bỏ hết xiêm y trước khi lên xe buýt khiến tài xế phải dừng xe để gọi cảnh sát.

Tất cả những vụ khỏa thân trước công chúng kể trên hoàn toàn không hiếm tại Singapore trong thời gian từ khoảng giữa tháng 12 đến nay. Hiện tại, người ta thống kê được cứ hai ngày lại xảy ra một vụ tương tự, bất chấp hành động như vậy có thể bị phạt tiền tới 1200 euro và phạt tù 3 tháng.

Trên thực tế, xu thế khỏa thân nơi công cộng đã bắt đầu được ghi nhận từ năm 2007. Năm 2007, có 136 vụ, còn riêng 6 tháng đầu năm nay, có đến 105 vụ. Tại Singapore, nơi khỏa thân bị định kiến, nhà cầm quyền, mặc dù cổ vũ các môn nghệ thuật phát triển theo kịp Luân Đôn nay New York, nhưng cố gắng kiểm soát các tác phẩm được coi là « phóng đãng ». Các nghệ sĩ Singapore, vì vậy, thường tránh nói đến chính trị và tình dục. Trong bối cảnh đó, chính sáng kiến của những công dân rất bình thường đã làm mọi thứ thay đổi.

Ngày càng nhiều tiếng nói cất lên để yêu cầu có bãi biển khỏa thân. Ngày càng nhiều phụ nữ đưa phim ảnh khỏa thân của mình lên mạng. Sau 40 năm sống trong gò bó, thế hệ thanh niên mới của Singapore hiện nay đang giành lại thời gian đã mất. Singapore là nơi giới trẻ, nhìn chung cả nam và nữ bắt đầu đời sống tình dục sớm hơn nhiều so với phần còn lại của châu Á.

Cũng về Singapore, theo tờ The Star của Malaysia, kỷ nguyên hậu Lý Quang Diệu đã bắt đầu. Chính quyền hiện nay đang khai thác giai đoạn thuận lợi cho uy tín của mình trong kỳ bầu cử sắp tới (dự kiến trong khoảng mùa hè năm nay đến đầu năm tới 2012), với việc Singapore giành nhiều chiến thắng tại Đại hội Thể thao Khối Thịnh vượng chung và vừa phóng đi thành công một vệ tinh tự chế. Tuy nhiên, sự bất bình của người dân Singapore ngày càng dâng cao.

Thế hệ trẻ, nhìn chung tỏ ra thờ ơ với chính trị, sẽ có khả năng ủng hộ đối thủ của đảng PAP cầm quyền. Bản thân, ông Lý Quang Diệu, nhà sáng lập và thủ tướng Singapore trong ba thập kỷ, cũng có thể chuyển sang đối lập để thách thức đảng cầm quyền.

« Ecorazzi », nghề phóng viên tấn công vào thói đạo đức giả của các nhà hoạt động môi trường

Để kết thúc mục điểm báo, chúng tôi xin giới thiệu mục « Ecorazzi », phóng viên tấn công vào thói đạo đức giả của các nhà hoạt động môi trường, được Le Nouvel Observateur đăng tải. Dưới hàng tựa, « Các Ecorazzi tấn công », là nhận định, « Ca ngợi cuộc chiến chống lại việc hâm nóng khí hậu, trong khi sử dụng máy bay riêng ? Thật là hết sức quá đáng. Trên mạng xuất hiện một thế hệ nhà báo mới, đang săn lùng những người giả danh nhà hoạt động môi trường.

Một ví dụ được đưa ra nguyên phó tổng thống Mỹ Al Gore, một nhân vật hết sức nổi tiếng trong cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường, nhưng theo các thông tin của các Ecorazzi, được đưa ra năm 2007, hóa đơn tiền điện của nhà hoạt động môi trường này đã vượt gấp 20 lần so với mức bình thường, do trong nhà Al Gore có cả một bể bơi nước nóng.

Các nhà báo « Ecorazzi » sẵn sàng dựng trại trước nơi ở của nhà hoạt động môi trường Edward Norton để kiểm tra xem người này có sử dụng các pannô điện mặt trời như tuyên bố hay không.

Tên gọi Ecorazzi được sử dụng để làm tên một trang web ecorazzi.com (có sức hút lớn với khoảng 500 000 truy cập hàng tháng), do một nhà hoạt động môi trường lập ra để khuyến cáo công chúng quan tâm đến lĩnh vực này. Tổ chức Ecorazzi, có trụ sở tại New York, thuê hẳn năm nhà báo để làm công việc này.

Tuy nhiên, theo nhận định của Le Nouvel Observateur, việc tấn công vào các nhà hoạt động môi trường nổi tiếng, để tố cáo việc những người này không sống đúng như những lời tuyên bố của họ, thì dễ dàng hơn nhiều khi là phanh phui các các hoạt động gây ô nhiễm của các ông chủ lớn.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.