Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Người dân tộc thiểu số ở Miến Điện bị bức hại

Theo lời tố cáo của tổ chức Y sĩ vì Nhân quyền đưa ra hôm nay, tập đoàn quân sự cầm quyền Miến Điện đã gây ra nhiều tội ác với người dân tộc thiểu số, do đó cần phải tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về tội phạm chống nhân loại.

Một em gái Miến Điện bế em tại xưởng đóng gạch, thuộc một làng nằm phía bắc Rangoon
Một em gái Miến Điện bế em tại xưởng đóng gạch, thuộc một làng nằm phía bắc Rangoon REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Bản báo cáo mang tên « Cuộc sống dưới chế độ cai trị của tập đoàn quân sự » được đưa ra vào thời điểm Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ họp ở Genève trong tuần tới để xem xét lại hồ sơ Miến Điện. Giải Nobel hòa bình Desmond Tutu, và cựu biện lý Tòa án Hình sự Quốc tế Richard Goldstone đã lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi của tổ chức Y sĩ vì Nhân quyền.

Tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ này đã tiến hành một cuộc điều tra từ tháng 10/2009 đến tháng 11/2010. Những người tình nguyện đã phỏng vấn 621 gia đình ở bang Chin, giáp giới với Ấn Độ. Nhiều người cho biết người thân của mình đã bị giết hại, hãm hiếp, tra tấn hay cưỡng bức lao động.

Có đến 90% gia đình kể rằng có ít nhất một người trong nhà bị buộc phải làm việc không công cho quân đội hay chính phủ. Nhiều gia đình cho biết có người thân bị lính tráng giết chết, bị mất tích, tra tấn, bị các quân nhân hãm hiếp. Gần một phần ba số nạn nhân bị cưỡng hiếp và 20% bị tra tấn đều dưới 15 tuổi, bên cạnh đó cũng có nhiều thiếu niên bị buộc phải đi lính, trong đó có những em chỉ mới 11 tuổi.

Cũng theo bản báo cáo, những người phải làm lao dịch thường dưới sự kiểm soát của quân đội, và có thể bị bắn bỏ. Các lao công này thường được dùng làm bia đỡ đạn để tiết kiệm thương vong cho quân lính khi di chuyển trên những địa điểm nghi ngờ có mìn bẫy.

Báo cáo cho biết thêm, do chính quyền Miến Điện muốn chuyển đổi bang Chin thành nơi sản xuất trà và dầu mè, nhiều gia đình người thiểu số tại đây đã phải ngưng canh tác cây thực phẩm cho nhu cầu của chính họ hoặc phải di cư. Có khoảng 75.000 người Chin đã phải bỏ sang Ấn Độ và 50.000 người sang Malaysia. Những người Chin còn ở lại có thể gặp nguy cơ đói kém nếu xảy ra thiên tai.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.