Vào nội dung chính
THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI

Trung Quốc : Tiêu thụ nội điạ làm đảo lộn thương mại thế giới

Dòng tựa lớn đập mắt trên trang nhất tờ Le Monde, ghi nhận là thị trường nội địa Trung Quốc phát triển mạnh lên, mức tiêu thụ mặt hàng vải sợi không ngừng tăng cao. Châu Âu và Hoa Kỳ phải tìm nguồn cung cấp tại các nước khác.

Hàng dệt may Trung Quốc ngày càng nhằm phục vụ thị trường nội địa.
Hàng dệt may Trung Quốc ngày càng nhằm phục vụ thị trường nội địa. Reuters
Quảng cáo

Xưởng sản xuất của thế giới giờ đây đang chuyển thành... xưởng sản xuất cho chính mình. Bài báo trên Le Monde mở đầu với nhận xét hóm hỉnh như trên, ghi nhận là sau khi cung cấp cho các thị trường thế giới về hàng may mặc giá rẻ, giờ đây, Trung Quốc không còn làm thuê, mà phục vụ cho chính mình với sức tiêu thụ trong nước đang bùng lên : từ tháng giêng đến tháng 8/2010, hàng may mặc, giầy dép bán ra đã tăng 23,7%. Nhìn chung hàng bán lẻ trong năm 2010 tăng 18,4%, trong lúc năm 2009 chỉ tăng 1,5%.

Đà tăng lên của mức tiêu thụ này sẽ tiếp tục mạnh lên trong tương lai khi mà tầng lớp trung lưu Trung Quốc phát triển thêm. Theo một bản nghiên cứu của nhóm Boston Consulting Group, thì trong 10 năm tới đây, số người tiêu thụ tầng lớp trung lưu của Trung Quốc từ 150 triệu sẽ lên 400 triệu người.

Trước mức tiêu thụ nội điạ tăng mạnh lên, giới sản xuất Trung Quốc tập trung hơn vào thị trường của chính mình. Mặt khác theo bài báo, nhân tuần lễ thời trang Hồng Kông, tuần qua, đặc phái viên của Le Monde đã ghi nhận là các doanh nhân Âu Mỹ đã phải trầy trật như thế nào để tìm được nhà cung cấp hàng may mặc Trung Quốc ở một cái giá phải chăng.

Tất cả đều phải công nhận giá sản xuất tại Trung Quốc hiện nay đắt lên, hơn rất nhiều, tăng từ 30% đến 40% từ năm 2008, do lương công nhân tăng lên và quyền lợi xã hội của họ. Giá nguyên liệu cũng gia tăng mạnh : từ vải bông cho đến tơ tằm. Một doanh nhân Đức đã phải thốt lên : Mọi người đều tiếc rẻ Trung Quốc thời kỳ trước khủng hoảng.

Cho nên các cửa hiệu lớn tại Âu Châu và Hoa Kỳ đã phải nhìn sang những quốc gia khác : Pakistan, Cam Bốt, Việt Nam, Bangladesh hay Ấn Độ mà nhân công rẻ hơn nhiều. Riêng Pháp, theo le Monde quay sang trở lại những nước Bắc Phi, mà giá sản xuất hiện ngang bằng với Trung Quốc, nhưng lại có lợi thế là ở gần, và chất lượng hàng được đánh giá là tốt hơn.

Tuy nhiên theo Le Monde, trích dẫn nhận định của một số doanh nhân, không phải ngày một ngày hai mà tìm được ngay cơ sở để thay thế Trung Quốc, họ cần phải làm việc một thời gian dài nữa với các cơ xưởng tại đây.
Riêng các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang đứng trước một sự chọn lựa : hoặc là tập trung vào thị trường nội điạ dễ dãi hơn, với số lượng hàng to lớn nhưng lợi nhuận thì không cao, hoặc tiếp tục xuất khẩu, lợi nhuận cao hơn nhưng phải đảm bảo chất lượng nghiêm túc với tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn.

Trung Quốc : Phải kềm hãm giá cả

Cũng nhìn về Trung Quốc, báo La Croix chú ý đến tăng trưởng hơn 10% và Bắc Kinh đang tìm cách kềm hãm giá cả. Bài toán đau đầu của chính phủ Trung Quốc hiện nay là làm thế nào duy trì tăng trưởng tốt, mà vẫn khống chế được giá cả.

Trích dẫn một số chuyên gia kinh tế, La Croix cho rằng năm 2010 vừa qua sẽ nằm trong lịch sử như năm mà Trung Quốc trên bình diện kinh tế đã vượt qua mặt Nhật Bản để trở nền cường quốc kinh tế thứ nhì của thế giới. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm qua, 10,3%, là mức cao nhất từ năm 2007. Nhưng kinh tế khoẻ mạnh này lại đi kèm với mức lạm phát cao.

Đây là mối quan ngại bậc nhất của chính phủ hiện nay, vì giá cả không ngừng tăng lên dễ dẫn đến bất ổn định xã hội. Biện pháp hữu hiệu nhất để kềm hãm lạm phát hiện nay hiện nay theo giới kinh tế là Trung Quốc tăng giá đồng yuan, điều mà Hoa Kỳ và Châu Âu vốn đòi hỏi vì những mục tiêu khác.

Tunisia : Ngay cả cảnh sát cũng biểu tình

Về thời sự quốc tế, tình hình Tunisia vẫn thu hút chú ý của báo giới Pháp. Trước các cuộc biểu tình không ngơi nghỉ sau khi tổng thống Ben Ali đã bỏ trốn, không chỉ dân thường hay giới trẻ, mà ngay cả cảnh sát cũng xuống đường vào thử bảy vừa qua. La Croix nhìn thấy trong hàng tựa trang nhất là ‘người dân Tunisia quả là mong muốn một sự thay đổi sâu sắc.’

Điểm mà các báo nhắc đi nhắc lại là người Tunisia đã ý thức được là phải bảo vệ tự do họ đang có trong tay. La Croix giải thích là trong sự hồ hởi tự do ngôn luận, họ không muốn bị tước mất đi bước chuyển tiếp trên con đường đi đến dân chủ. Báo l’Humanité ở trang đặc biệt về Tunisia nhấn mạnh đến ‘lời nói được giải phóng, còn Le Monde cũng trên trang nhất, nhận thấy là những nơi bị cấm đoán trước đây, như đến thờ hồi giáo ở khu đại học Tunis đã mở cửa lại. Đền thờ này theo tờ báo đã bị đóng từ 10 năm qua.

Libération dành hai trang mục thế giới cho Tunisia, nhưng nêu bật điểm đen đáng ngại là đối với các tù nhân chính trị. Mặc dù quyết định ân xá đã được thông qua từ thứ năm, nhưng chưa có ai được trả tự do, ngược lại họ sống trong những sà lim ngày càng nguy hiểm hơn từ sau cuộc biểu tình nổi dậy. Trong mấy ngày qua, theo tờ báo đã có những vụ ám sát tù nhân. Theo hiệp hội AISPP, chuyên hỗ trợ tù nhân chính trị, có từ 100 đến 150 tù nhân bị thiệt mạng, một số bị bắn chết, một số bị chết ngạt, nhiều người bị bỏ đói.

Trong hồ sơ Tunisia, Libération còn nhìn sang tận Hoa Kỳ, ghi nhận là Washington đang ra sức cải chính các tin đồn về vai trò của Mỹ trong việc truất phế tổng thống Ben Ali. Tin đồn dai dẳng đã khiến đại sứ quán Mỹ tại Tunis đã phải khẳng định trên Facebook là Hoa Kỷ không có một vai trò gì trong việc Ben Ali ra đi.

Tuy nhiên mặc dù thế, cũng trên trang Facebook của đại sứ quán, một người đã cho rằng tướng Amar, tổng tư lệnh quân đội Tunisia, sẽ không buộc ông Ben Ali rời khỏi Tunisia, nếu ‘trước đó không có hỏi ý kiến của Washington’.

Le Figaro cũng tò mò tìm hiểu về hoàn cảnh tổng thống Ben Ali đã bất ngờ rời Tunis, và phỏng vấn ngoại trưởng Tunisia, Kamel Morjane, một người thân cận, và họ hàng với cựu tổng thống. Theo nhân vật này, ông có nói chuyện qua điện thoại với ông Ben Ali trước khi gia đình Ali bỏ trốn, và ông Ben Ali vẫn noí chuyện bình thường, không để lộ bất kỳ một dấu hiệu gì khác thường.

Tin ông bỏ đi làm mọi người chưng hửng, sửng sốt, từ những người bên trong guồng máy như ông, cho đến các nhà quan sát sành sỏi nhất. Ông Morjane cho biết là ngày 14 tháng giêng, ông vẫn đi làm ở bộ Ngoại giao và ông đã biết tin tổng thống bỏ trốn cùng lúc với mọi người ở Tunisia, tức là qua đài truyền hình. Hôm ấy ngoại trưởng Morjane, cho biết thêm là ông không dám về nhà, và ngủ lại tại văn phòng.

Bên cạnh những chủ đề thời sự nói trên, những chủ đề quan tâm trên trang nhất các báo ngày hôm nay rất tản mạn. L’Humanité dành tít lớn trang nhất cho Kosovo mà chính quyền đang lúng túng với hồ sơ buôn bán bộ phận cơ thể tù nhân. Một báo cáo của thượng nghị sĩ Thụy Sĩ, Dick Marty đã quy tội lãnh đạo Kosovo.

Hai tờ Les Echos và Libération thì chạy tít về Pháp : về tổng thống Sarkozy đang đặt nhiều hy vọng vào vai trò chủ tịch nhóm G20 của ông, tít của Les Echos, trong lúc Libération phân tích tại sao ông Sarkozy tin tưởng vào cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Chiến lược chinh phục lại dư luận của ông cũng là dựa vào vai trò chủ tịch G20, mà theo giới thân cận ờ điện Elysée, sẽ mang lại một sức bật mới cho tổng thống Pháp trong lúc uy tín ông đang xuống rất thấp, với hơn 2/3 người Pháp không hài lòng.

Tổ chức Y tế Thế giới : Nhập nhằng quyền lợi công tư ?

'Tổ chức Y tế Thế giới lại vướng vào một vụ nhập nhằng quyền lợi mới’. Dưới tựa đề trên đây, nhật báo Pháp Le Monde đã nêu bật phản ứng bất bình của dư luận sau khi giám đốc nghiên cứu của tập đoàn dược phẩm Novartis được OMS bổ nhiệm vào một ủy ban chuyên gia của định chế này.

Mở đầu bài báo, thông tín viên Le Monde tại Genève (Thụy Sĩ), nơi đặt trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới OMS đã nhắc lại câu hỏi mà giới quan sát từng đặt ra trước khóa họp của hội đồng điều hành OMS mở ra từ ngày 17 đến 21 tháng Giêng vừa qua. Đó là liệu định chế Liên Hiệp Quốc này có thể tránh được hiện tượng xung đột lợi ích và giữ được độc lập mà không bị áp lực từ các tập đoàn dược phẩm hay không ?

Tuy nhiên, ngay từ thứ hai 17/01, một cuộc tranh cãi mới đã lại bùng lên sau khi OMS công bố việc bổ nhiệm ông Paul Herrling, giám đốc nghiên cứu người Thụy Sĩ tại Viện bào chế Novartis, vào một nhóm tư vấn CEWG bao gồm 21 chuyên gia. Nhóm này chịu trách nhiệm soạn thảo các đề nghị nhằm khuyến khích nghiên cứu cách thức chữa trị các loại bệnh được gọi là ‘bị lãng quên’, chủ yếu tại các nước nghèo - như bệnh leishmaniasis và bệnh ngủ - vốn không được các công ty dược phẩm chú ý vì không đem lại nhiều lợi nhuận.

Thành phần nhóm tư vấn CEWG mới đã được giới quan sát nôn nóng chờ đợi sau tai tiếng xẩy ra vào năm 2010 khi hoạt động của nhóm chuyên gia đầu tiên về vấn đề này đã gây bất bình không ít. Theo các tài liệu được Wikileaks tiết lộ, Liên đoàn Quốc tế của các nhà sản xuất dược phẩm IFPMA đã được cung cấp nội dung bản dự thảo báo cáo của các chuyên gia, cho dù trên nguyên tắc văn kiện này phải được giữ bí mật. Nhờ đó, tổ chức này đã có thể đưa được quan điểm của họ vào bản báo cáo.

Ngược lại thì các nước phương Nam, đi đầu là các quốc gia Châu Mỹ La Tinh lại hoàn toàn thất bại vì báo cáo cuối cùng của các chuyên gia đã không giữ lại bất kỳ một đề xuất nào của họ nhằm cải tổ hệ thống sở hữu trí tuệ đang được các tập đoàn dược phẩm lớn bảo vệ. Các đề nghị này được coi là đầy sáng tạo, tránh được việc các chi phí nghiên cứu ảnh hưởng lên giá cả các loại thuốc.

Thế nhưng nhóm chuyên gia đã bác bỏ các đề xuất kể trên, mà lại củng cố thêm lập trường của các công ty dược phẩm, theo đó, để tài trợ cho công việc tìm kiếm các loại thuốc mới vốn rất tốn kém, thì cần phải duy trì bảo vệ các bằng sáng chế, cấm sao chép trong vòng 20 năm.

Bị mang tiếng nặng nề, Đại hội đồng của Tổ chức Y tế Thế giới lần thứ 63, mở ra vào tháng 05/2010 đã quyết định thành lập một nhóm chuyên gia tư vấn mới do các nước thành viên của OMS chỉ định. Thế nhưng, tranh cãi lại bùng lên với sự tham gia của nhân vật thuộc tập đoàn Novartis.

Hôm 17/1, sự hiện diện của ông Paul Herrling, nhân vật hàng đầu của tập đoàn Novartis, đã bị Brazil và Thái Lan tố cáo. Bà Margaret Chan, Giám đốc OMS, đã bác bỏ lời chỉ trích về khả năng xung đột lợi ích, viện lẽ rằng Liên Hiệp Quốc "thường mời những tên tuổi trong ngành công nghiệp" để có được một ý kiến tư vấn , và giáo sư Thụy Sĩ của Novartis là một chuyên gia lỗi lạc được công nhận.

Có điều là bà Chan đã quên đề cập đến sự kiện giáo sư Herrling là tác giả của một trong ba đề xuất được nhóm chuyên gia trước đó chấp thuận, một đề xuất mang dấu ấn của IFPMA. Đó là đề nghị tạo ra một Quỹ toàn cầu về nghiên cứu và phát triển về các bệnh bị lãng quên (Frind), với ngân sách từ 6 đến 10 tỷ đô la trong mười năm, lấy từ các nguồn kinh phí nhà nước và từ thiện (chẳng hạn như từ Hiệp hội Bill & Melinda Gates Foundation). Quỹ này có thể được dùng để chi cho… và các công ty dược phẩm tham gia vào việc phát triển các loại thuốc chữa trị loại bệnh này.

Nhiều tổ chức phi chính phủ cũng lên tiếng phản đối sự có mặt của giáo sư Herrling. Hôm 20 tháng Giêng, gần một chục tổ chức phi chính phủ đã gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng điều hành của OMS, để phản đối việc đề cử này, cho rằng điều đó có thể "phá hoại danh tiếng và công việc của nhóm chuyên gia tư vấn mới".

Thế nhưng mọi lời phản đối đều vô ích. Ngày 21/01, danh sách của 21 chuyên gia đã được chuẩn y. Và theo Le Monde, Hoa Kỳ và Châu Âu đã gây sức ép trên các quốc gia cứng đầu để họ chấp nhận danh sách. Theo ông James Love, thuộc Tổ chức phi chính phủ Mỹ KEI (Knowledge Ecology International), thì Mỹ và Châu Âu đã đe dọa rằng, nếu ông Paul Herrling bị loại khỏi danh sách, thì chuyên gia người Argentina, ông Carlos Correa, một trong những đồng minh chính của các nước phương Nam, cũng sẽ bị loại theo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.