Vào nội dung chính
Y TẾ

Đông Nam Á có nguy cơ biến thành ổ dịch bệnh đe dọa thế giới

Theo một công trình nghiên cứu được tạp chí y học The Lancet công bố ngày 25/01/2011, Đông Nam Á đang phải đối mặt với sự xuất hiện của các chứng bệnh mới, trong đó có một số bệnh có khả năng đột biến thành đại dịch, tỏa ra khắp thế giới. Căn nguyên đến từ tác động đồng thời của hai nhân tố : khí hậu bị nóng lên và hệ thống giám sát y tế yếu kém. 

Đề phòng cúm gia cầm ở Hồng Kông. Trong tuần qua đã có 149 trường hợp cúm được phát hiện. Ảnh chụp ngày 21/01/2011
Đề phòng cúm gia cầm ở Hồng Kông. Trong tuần qua đã có 149 trường hợp cúm được phát hiện. Ảnh chụp ngày 21/01/2011 Reuters
Quảng cáo

Theo The Lancet, trong thời gian qua đã có hai thí dụ về nguy cơ này. Đó là dịch viêm phổi cấp tính SARS vào năm 2003, xuất phát từ châu Á rồi lan truyền khấp nơi, giết chết gần 800 người trên thế giới, tiếp theo đó là dịch cúm gia cầm. Hai trường hợp này đã làm ‘dấy lên mối lo ngại về khả năng các dịch bệnh mới khu vực tỏa rộng ra’.

Theo các tác giả trên tờ The Lancet, với 600 triệu dân, Đông Nam Á, hiện "là một điểm nóng cho các bệnh truyền nhiễm mới nổi lên", đặc biệt là các loại bệnh đến từ súc vật như cúm gia cầm, bắt nguồn từ việc người và động vật sống quá gần nhau. Và khu vực "có thể vẫn là một điểm nóng, kể cả về phương diện dịch bệnh, với khả năng bùng lên thành đại dịch".

Có nhiều yếu tố làm cho dịch bệnh dễ bùng lên tại Đông Nam Á : dân số gia tăng, lượng người di chuyển rất nhiều, đô thị hóa nhanh chóng, môi trường thay đổi, hoạt động chăn nuôi và nông nghiệp tăng cường, nạn phá rừng ngày càng nghiêm trọng.

Theo The Lancet, hiện tượng trái đất bị hâm nóng có khả năng "thúc đẩy sự lây lan của các chứng bệnh truyền nhiễm mới nổi trong khu vực," đặc biệt với những loại bệnh do côn trùng truyền đi như sốt xuất huyết. Nhiệt độ cao và mưa nhiều là điều kiện giúp các loài côn trùng này sinh sôi nẩy nở.

Các nhà nghiên cứu trên tờ The Lancet nhấn mạnh : "Vũ khí quan trọng nhất để đối phó với nguy cơ này là hệ thống giám sát y tế công cộng". Theo họ, mức độ chuẩn bị của mười quốc gia ASEAN trong đó có Việt Nam "cần phải được cải thiện". Lý do là vì trong trường hợp dịch bệnh, tình trạng yếu kém toàn diện trong việc chuyển thông tin từ dưới lên trên sẽ không cho phép ngăn ngừa và phản ứng thích hợp.

Các chuyên gia cũng kêu gọi khu vực đề ra những biện pháp khẩn cấp để đấu tranh chống các bệnh không truyền nhiễm như ung thư, là căn nguyên của 60% ca tử vong trong vùng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.