Vào nội dung chính
Giao thông Hàng Hải

Eo biển Malacca sắp không còn chỗ cho tàu thuyền qua lại

Tăng trưởng kinh tế phục hồi trở lại đi liền với việc giao thông hàng hải trên biển ngày càng tấp nập hơn. Biển rộng mênh mông là nơi 80% hàng hóa trên thế giới được lưu chuyển. Thế nhưng, con đường màu xanh, tưởng như vô tận này, lại đang có nguy cơ bị bão hòa, mà nguyên nhân chủ yếu là nhiều « hành lang giao thông hàng hải chiến lược » của thế giới sắp không còn đủ sức tiếp nhận lượng tàu thuyền đang ngày một tăng lên.

Eo biển Mallaca
Eo biển Mallaca Nguồn : chính phủ Hoa Kỳ
Quảng cáo

« Cuộc thảm sát tại sân bay Matxcơva », « Matxcơva. Cuộc thảm sát » là các bài viết trên trang nhất của Le Figaro và Libération, nói về thảm họa vừa xảy ra tại nước Nga hôm qua, tại sân bay quốc tế lớn nhất của thủ đô Matxcơva, khiến ít nhất 35 người thiệt mạng.

Figaro chú ý đến thông điệp của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tại Hội nghị G20 chống lại nạn đầu cơ nông sản. « Nicolas Sarkozy đặt ra các mục tiêu rất lớn cho G20 » là tựa đề của nhật báo Les Echos. Le Monde thì chạy hàng tựa « G20 : Cuộc tấn công của Nicolas Sarkozy chống lại nạn đầu cơ ». Đây cũng là tiêu điểm chú ý của nhật báo Công giáo La Croix, Libération và L’Humanité.

Về thời sự nước Pháp, với hàng tựa trên trang nhất « Các thẩm phán dưới sự kiểm soát của các công dân », La Croix tập trung vào chủ đề cuộc cải cách quan trọng vừa diễn ra trong lĩnh vực tư pháp.

Eo biển Malacca sắp không còn chỗ cho tàu thuyền qua lại

« Eo biển Malacca đã gần như không còn chỗ cho tàu thuyền qua lại » là đề tài chính trong chuyên đề về lưu thông hàng hải trên phụ trương « Doanh nghiệp và thị trường » của Les Echos.

Tăng trưởng kinh tế phục hồi trở lại đi liền với việc giao thông hàng hải trên biển ngày càng tấp nập hơn. Biển rộng mênh mông là nơi 80% hàng hóa trên thế giới được lưu chuyển. Thế nhưng, con đường màu xanh, tưởng như vô tận này, lại đang có nguy cơ bị bão hòa, mà nguyên nhân chủ yếu là nhiều « hành lang giao thông hàng hải chiến lược » của thế giới sắp không còn đủ sức tiếp nhận lượng tàu thuyền đang ngày một tăng lên.

Malacca (nằm sát Singapore), eo biển đứng thứ nhì thế giới, với 75 000 tàu thuyền qua lại một năm, đã sắp sửa phải từ chối khách hàng, nếu như lượng tàu qua một năm vượt quá con số 100 000. Đây là đánh giá của giám đốc Viện nghiên cứu cao cấp về kinh tế biển (Isemar), Paul Tourret. Malacca là con đường huyết mạch nối liền châu Phi, vùng Cận đông, với châu Úc và khu vực Đông Á. Hành lang giao thông này là hải lộ chiến lược cung cấp các nguyên liệu cho các nền kinh tế lớn của Đông Bắc Á : Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.

Những hạn chế của eo biển Malaca là do độ hẹp của nó, với bề ngang những nơi hẹp nhất là 2-3km và độ nông của biển, với khoảng 23 mét chiều sâu. Nhiều giải pháp đang được tìm kiếm để thay thế một phần cho Malacca. Đó là con đường qua eo biển Sonde, giữa hai đảo lớn của Indonesia là Sumatra và Java. Tuy nhiên, eo biển này cũng rất nông, vì thế còn phải tính đến các giải pháp khác, như : đào kênh để vượt qua eo đất Kra nằm ở phía nam Thái Lan, hay dùng ống để dẫn dầu qua vùng đất này, như tại kênh đào Suez.

Hiện tại, eo biển Manche qua Pas de Calais (Pháp), nơi có nhiều tàu thuyền qua lại nhất thế giới chưa quá tải, vì vùng biển này hết sức rộng. Tuy nhiên, kênh đào Panama, nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, cũng gặp phải vấn đề tương tự như tại eo biển Malacca. Kênh đào chiến lược này đang quá tải. Hai con đường thay thế, một đi qua phía bắc Canada thì gặp trở ngại vì băng, con đường thứ hai đi xuống phía cực nam của châu Mỹ Latinh qua vịnh Cap Horn gây rất nhiều điều kiện bất trắc cho hải trình. Giải pháp dùng đường sắt xuyên qua nước Mỹ cũng không đủ sức để giải tỏa cho kênh đào Panama. Một giải pháp quan trọng khác đang được tính đến là cải thiện chất lượng tuyến đường sắt xuyên qua nước này.

G20 : Pháp chủ trương điều chỉnh giá cả lương thực để tránh bùng nổ bạo động vì đói trên thế giới

Ngày hôm qua (24/1), tại điện Elysée, tổng thống Nicolas Sarkozy đã có cuộc họp báo để mở đầu cho vị trí chủ tịch G8 và G20 mà Pháp sẽ đảm nhiệm. Theo Le Monde, trên thực tế, Pháp đã bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch từ ngày 12 tháng 11 năm ngoái 2010, tuy nhiên ngày 24/1 vừa qua là ngày được chọn để Pháp nước chủ tịch long trọng thông báo các mục tiêu của mình trước cử tọa là 160 đại sứ và 300 nhà báo, trong bối cảnh, theo một điều tra dư luận (do BVA-Absoluce tiến hành xuất bản trên Les Echos và France Info) 70% người Pháp nghi ngờ về khả năng của tổng thống Nicolas Sarkozy trong việc điều hành thành công nhiệm kỳ G20.

Còn theo Le Figaro, các mục tiêu mà tổng thống Pháp đề ra trong nhiệm kỳ chủ tịch lần này đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều nguyên thủ, ví dụ như tổng thống Nga Dmitri Medvedev ủng hộ mục tiêu kiểm soát giá lương thực, thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Mêhicô Felip Calderon về vấn đề cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế, hay thủ tướng Anh David Cameron về cải cách các định chế quốc tế.

Điều chỉnh giá cả lương thực là vấn đề được tổng thống Pháp đặc biệt chú ý. Trong cuộc họp báo hôm qua, tổng thống Pháp đã chỉ trích kết quả cuộc điều tra về giá cả lương thực, hiện chưa được công bố, do Ủy ban Châu Âu tiến hàn. Theo đó, các thị trường buôn bán nông sản không chịu trách nhiệm gì về việc giá cả lương thực tăng lên đến mức hết sức cao trong thời gian vừa qua. Tổng thống Pháp đã phê phán kết luận này với giọng điệu hài hước : « nghiên cứu kể trên chỉ đáng được xuất bản vào ngày Cá tháng tư (ngày nói dối mùng 1 tháng 4) ».

Trên thực tế, Hoa Kỳ đã đi tiên phong trong lĩnh vực điều chỉnh giá các nông sản và các nguyên liệu với việc thành lập CFTC, tổ chức cảnh sát quốc gia đối với các thị trường buôn bán khoảng sản và nông sản (Commodity Futures Trading Commission).

Theo Le Monde, Tổng thống Pháp, với tư cách chủ tịch G20, đã ủy nhiệm cho Tổng thống Nga Dmitri Medvedev phụ trách nhóm làm việc về việc điều chỉnh giá cả nông sản. Về chủ đề này có 4 sáng kiến được đưa ra để chống nạn đầu cơ lương thực.

Sáng kiến thứ nhất là cản trở việc mua bán trực tiếp, hay phải có các khoản dự trữ lương thực bắt buộc để bảo đảm.

Sáng kiến thứ hai là, dưới sự điều hành của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), tổ chức việc công bố các thông tin về mùa màng, tiêu thụ, thậm chí về các khoản dự trữ. Hiện tại vấn đề này gặp phải khó khăn vì sự bất hợp tác của Ấn Độ, Trung Quốc, liên quan đến các thông tin chiến lược và của Hoa Kỳ, liên quan đến việc chuyển đất trồng lương thực sang đất trồng cây phục vụ sản xuất các nguyên liệu cho « năng lượng xanh » thay dầu mỏ.

Sáng kiến thứ ba là tổ chức các đối thoại giữa những nhà sản xuất và những người tiêu thụ. Mục tiêu của đối thoại này là khuyến cáo các quốc gia xuất khẩu lương thực thông báo trước việc ngưng xuất khẩu cho các đối tác. Cũng trong sáng kiến này, có dự kiến cấm ngưng xuất khẩu lương thực đối với các nước nghèo nhất. Để bảo vệ những nước này, Pháp đưa ra sáng kiến xây dựng một quỹ bảo hiểm toàn cầu. Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) cũng sẽ có quyền xây dựng quỹ dự trữ an ninh lương thực, hoặc có khả năng tài chính để tránh phải mua với giá quá cao trong thời gian khủng hoảng.

Sáng kiến cuối cùng, do Tổng giám đốc Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick đưa ra, là G20 phải tìm kiếm giúp cho các nước nghèo nhất phát triển được khả năng dự báo khí tượng và nông nghiệp của họ, giống như nhà nông các nước phía Bắc.

Pháp : Các thẩm phán bị đặt dưới sự kiểm soát của công dân

Trên lĩnh vực pháp luật của nước Pháp, dưới tựa đề « Các thẩm phán bị đặt dưới sự kiểm soát của công dân », La Croix ghi nhận một bước tiến quan trọng, được đánh giá như một cuộc cách mạng nhỏ, với việc kể từ chủ nhật này các bị cáo có quyền kiện lên Hội đồng trạng sư (Conseil supérieur de la magistrature) về các đối xử không đúng của các thẩm phán.

Trên thực tế, từ xưa đến nay, tại Pháp, việc phê phán những người nắm pháp luật hoàn toàn không phải là một điều dễ dàng. Nhân danh mục tiêu bảo vệ sự độc lập của tòa án, luật hình sự Pháp dự kiến các hình phạt nặng đối với những ai dám chỉ trích các thẩm phán một cách tương đối bạo liệt. Làm ảnh hưởng đến uy tín của quyết định của tòa án có thể dẫn đến án tù 6 tháng, trong trường hợp nặng hơn, người ta có thể bị phạt tù đến 1 năm. Cho đến nay, có rất ít thẩm phán bị kỷ luật vì một ứng xử không đúng đối với bị cáo.

Cuộc cải cách tư pháp, có hiệu lực từ chủ nhật này, dành cho bị cáo quyền được trực tiếp kiện thẩm phán lên Hội đồng trạng sư, thay vì phải thông qua Bộ Tư pháp hay người đứng đầu tòa án. Điểm mới thứ hai của cải cách này là Hội đồng trạng sư sẽ bao gồm nhiều thành viên thuộc xã hội dân sự hơn các thẩm phán chuyên nghiệp.

Dưới sức ép của công luận, cuộc cải cách khiếu kiện về thái độ thẩm phán đã khởi sự từ năm 2006, sau vụ án Outreau, đã được chính giới cả tả lẫn hữu ủng hộ. Tuy nhiên, về phía các thẩm phán không phải không có những bất đồng.

Một viên chức cao cấp của ngành tòa án Pháp cho biết, các thẩm phán có lý do để lo ngại về việc bị cáo sẽ trộn lẫn việc chỉ trích thái độ của các quan tòa, với việc phê phán các phán quyết của tòa về mặt nội dung. Theo La Croix, cần phải có một sự giải thích rõ ràng và cặn kẽ mang tính sư phạm để người dân bình thường có thể hiểu được rằng, thái độ có thể bị trách cứ của các thẩm phán là một chuyện, còn quyết định đúng hay sai của tòa là một chuyện khác.

Giới trẻ Ai Cập cũng muốn làm cách mạng

Để kết thúc mục điểm báo, chúng tôi xin giới thiệu một điểm sục sôi mới tại Châu Phi, nơi mà không khí cách mạng tại Tunisia đang lan đến. Dưới tựa đề, « Giới trẻ Ai Cập cũng muốn làm cách mạng », nhật báo Le Figaro mô tả sự kiện 80 000 thanh niên Ai Cập ngày hôm nay, thống nhất ý kiến chuẩn bị một cuộc biểu tình nổi dậy trên đường phố, nhân ngày Hội Cảnh sát, sau lời kêu gọi được truyền đi trên Facebook.

Cuộc biểu tình chống lại chế độ độc tài Hosni Moubarack, đã được sự ủng hộ của nhiều nhân vật thuộc hàng ngũ đối lập, như giải Nobel Hòa bình Mohammed el - Baradei hay nhà văn Alaa el – Answany. Theo Le Figaro, nếu chỉ cần một nửa số người cam kết tham gia vào hành động này, đây cũng sẽ là một sự kiện chưa từng thấy tại Ai Cập, nơi biểu tình là một hoạt động bị Luật an ninh khẩn cấp nghiêm cấm từ 30 năm nay.

Sở dĩ ngày hôm nay, 25-1 được chọn là ngày xuống đường là vì, đây là ngày kỷ niệm dịp cảnh sát Ai Cập nổi dậy chống lại quân Anh năm 1952. Cuộc nổi dậy đã báo trước cho cú đảo chính, lật đổ chế độ quân chủ.

Theo tin giờ chót, 15 000 người đã tham gia cuộc biểu tình ngày hôm nay tại thủ đô Cairo.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.