Vào nội dung chính
THÁI LAN - KHỦNG HOẢNG CHÍNH TRỊ

Phe « Áo Vàng » Thái Lan lại xuống đường gây áp lực trên chính quyền

Sau hơn hai năm tương đối im hơi lặng tiếng, phong trào bảo hoàng Thái Lan, được mệnh danh là những người « Áo Vàng » đã lại xuất hiện trên đường phố Bangkok. Sau một cuộc biểu dương lực lượng hùng hậu, tập hợp hàng ngàn người ngày 25/01/2011 để phản đối chính quyền, phong trào chính trị được xem là hùng mạnh nhất Thái Lan trong thời gian gần đây đã duy trì sức ép bằng cách cắm trại trước trụ sở chính phủ ở Bangkok.

Phe Áo Vàng biểu tình gần trụ sở chính phủ Thái Lan ở Bangkok, ngày 30/01/2011
Phe Áo Vàng biểu tình gần trụ sở chính phủ Thái Lan ở Bangkok, ngày 30/01/2011 Reuters
Quảng cáo

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, khu trại của phe Áo Vàng thường xuyên tập hợp hàng trăm người, tạm trú trong những chiếc lều vải được dựng lên một cách ngay hàng thẳng lối, với những bữa cơm chay cung cấp miễn phí, với các chính khách thường xuyên đến đọc diễn văn chính trị.

Trong cuộc biểu tình lớn đầu tiên của họ vào hôm thứ ba, phe Áo Vàng đã tố cáo thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva là đã bán rẻ một phần lãnh thổ cho nước láng giềng Cam Bốt. Tuy nhiên, theo ông Pavin Chachavalpongpun, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, vụ tranh chấp lãnh thổ với Phnom Penh chỉ là một cái cớ để phong trào Áo Vàng "trở lại dưới ánh đèn sân khấu chính trị", với mục tiêu là khôi phục lại uy tín đang bị suy giảm trong công luận.

Đối với người Thái Lan vốn có tinh thần dân tộc rất cao, việc kích động tinh thần yêu nước là một biện pháp rất ăn khách, và các lãnh đạo Áo Vàng không ngần ngại tố cáo chính quyền đương nhiệm ‘’thiếu tinh thần yêu nước’’. Chutikarn Rattanasupa, một người biểu tình 42 tuổi, chủ một cửa hiệu tạp hóa ở Nakhon Si Thammarat (miền nam Thái Lan) đã lặn lội lên tận Bangkok tham gia biểu tình. Đối với ông, người Thái Lan cần « phải chiến đấu để bảo vệ đất nước của mình ».

Vấn đề là vì mưu đồ chính trị, phe Áo Vàng đã thổi phồng một tranh chấp, bình thường ra có thể dễ dàng giải quyết một cách ổn thỏa. Đó là một diện tích rộng vài cây số vuông (4,6 km2) ở vùng biên giới với Cam Bốt, xung quanh ngôi đền cổ Preah Vihear, đã được Tòa án Thế giới phán quyết năm 1962 là thuộc về Cam Bốt, nhưng lối vào chính lại nằm bên Thái Lan.

Phải nói là phong trào Áo Vàng, tên chính thức là Liên minh Nhân dân vì Dân chủ PAD, là một lực lượng đáng gờm trong nền chính trị Thái Lan gần đây. Vào năm 2006, những cuộc biểu tình của họ đã làm chao đảo chính quyền của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, mở đường cho cuộc đảo chánh quân sự lật đổ ông.

Hai năm sau, một đợt biểu tình dai dẳng, kết thúc bằng vụ chiếm đóng các phi trường tại Bangkok đã khiến chính quyền thân Thaksin sụp đổ, đưa thủ tướng Abhisit lên cầm quyền.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, quan hệ giữa chính quyền Abhisit và phe Áo Vàng đã nhạt đi, trong lúc thái độ ủng hộ của công chúng đối với họ cũng suy giảm. Trong tình hình các cuộc bầu cử sẽ diễn ra, chậm nhất là vào tháng 2 năm tới, phong trào này cảm thấy là cần phải nhanh chóng khôi phục uy tín chính trị, và theo chuyên gia Pavlin, điều duy nhất mà họ làm được là « chỉ trích chính quyền, bất kể là thủ tướng thuộc phe nào ».

Với phe Áo Vàng xuống đường trở lại, hơn nửa năm sau đối thủ của họ trong phong trào Áo Đỏ, vẫn chưa chịu thúc thủ dù đã bị đàn áp, giới quan sát cho rằng sân khấu chính trị Thái Lan chưa thể ổn định ngay. Từ nay đến ngày cuộc bầu cử được tổ chức, chắc chắn là đường phố Bangkok lại nở rộ các ‘’sắc màu’’ chính trị.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.