Vào nội dung chính
AI CẬP

Mubarak sẽ còn trụ được bao lâu?

Ai Cập là chủ đề thời sự tiếp tục nổi cộm, chiếm trang nhất hầu hết các báo hôm nay cũng như các bài xã luận. Hình ảnh toàn là cảnh người biểu tình ở Cairo trong các ngày qua, với cảnh người leo lên cả chiến xa của quân đội, trong lúc lính đứng yên nhìn đám đông xuống đường. Câu hỏi chung là tổng thống Ai Cập còn cầm cự được đến bao giờ ?

Binh lính Ai Cập trước một kim tự tháp ở Cairo. Quân đội vẫn là chỗ dựa chủ yếu của tổng thống Mubarak.
Binh lính Ai Cập trước một kim tự tháp ở Cairo. Quân đội vẫn là chỗ dựa chủ yếu của tổng thống Mubarak. Reuters
Quảng cáo

Nếu La Croix chạy một tựa khách quan nói đến ‘Cuộc đối mặt’, giữa chính quyền và đường phố, vì nhượng bộ của tổng thống Mubarak không giảm được cơn tức giận của người Ai Cập, Libération cũng như l’Humanité nhắc lại nguyện vọng của dân chúng chạy tựa ‘ Moubarak hãy cút đi’. Le Figaro nhận thấy ‘Washington gia tăng sức ép trên Moubarak’, les Echos như tóm lược tình hình : Ai Cập, Nhà Nước dưới sức ép của đường phố và phương Tây. Le Monde ghi nhận : ‘Quyền lực của Mubarak đang chao đảo’. Câu hỏi chung là tổng thống Ai Cập còn cầm cự được đến bao giờ ?

Libération nhận thấy là ngày tàn sắp đến, l’Humanité trong một tranh biếm hoạ, vẽ một con chim cháy trụi lông, trên lá cờ Ai Cập thay vào con chim ó thường thấy, với dòng tựa ‘mùi cháy khét đối với ông Mubarak’. Le Figaro đánh giá trong một hàng tựa trang quốc tế là ông Hosni Mubarak đang đánh lá bài cuối cùng của mình.

Trước tiên tác giả bài viết Tangi Salaun ở Cairo, trích dẫn nhận định của người dân, đánh giá ông Mubarak đã hết thời. Cho dù ông còn có thể nắm quyền trong một thời gian nữa, nhưng ông không còn uy quyền gì nữa, mất hết uy tín, không còn được ai lắng nghe và tin tưởng.

Điều mà người dân không hiểu là ông Mubarak đã 83 tuổi, có tin cho là sức khoẻ rất yếu kém, nhưng vẫn cố bám vào quyền hành như thế. Đối với nhiều người thì ông đã để lỡ cơ hội ra đi trong vinh dự : chỉ cần ông thông báo trong bài diễn văn trước buổi cầu nguyện lớn ngày thứ sáu là ông sẽ rút lui sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 9 tới.

Thế nhưng không, diễn văn của ông hoàn toàn thất bại. Bây giờ dù ông có tuyên bố gì đi nữa thì đã quá trễ hoặc là quá ít đối với dân chúng. Tác giả bài báo ghi nhận là ông Mubarak trong mấy ngày qua đã vừa hứa hẹn cải tổ xoa diụ quần chúng, vừa răn đe, nhưng không hề nói đến điều quan trọng nhất đối người dân Ai câp : việc ông ra đi sau 30 cầm cương đất nước.

Bây giờ thì đúng là ông không còn nhiều lá bài trong tay. Trước phong trào phản đối, tổng thống Mubarak cố gắng siết chặt đội ngũ. Thứ bẩy vừa qua, ông đã chỉ định hai người thân tín, Omar Suleiman, lãnh đạo cơ quan tình báo vào chiếc ghế phó tổng thống mới thành lập và tướng không quân Ahmed Chafiq làm thủ tướng. Đây là 2 người có uy tín trong nước cũng như ngoài nước.

Theo nhận định của Le Figaro, không xoa diụ được đường phố, tổng thống Mubarak tìm cách thuyết phục quân đội và quốc tế là ông vẫn có khả năng ‘cầm lái’.

Bài báo nhắc lại trong bài diễn văn trên đài truyền hình tối thứ sáu, ông Mubarak cũng cho là ông là người đảm bảo cho sự ổn định ở Ai Cập và để cho phuơng Tây đừng bỏ rơi ông, ông Mubarak đã nêu lên bóng ma của một chế độ hồi giáo, tố cáo tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đứng sau các vụ biểu tình. Nhưng con ngáo ộp này, theo Le Figaro, đã không mấy hữu hiệu nữa vì sức ép quốc tế, như mong muốn của Mỹ về một ‘chính phủ phù hợp với mong muốn của người dân’ không ngừng gia tăng.

Trong bài xã luận, Le Figaro phân tích là cộng đồng quốc tế mong muốn chế độ Ai Cập chuyển sang một chế độ dân chủ, nhưng trong trật tự, duy trì đuợc sự ổn định cho Ai Cập và cả vùng. điều này có nghiã là quân đội đóng vai trò trọng tâm, đúng với vai trò lịch sử của họ từ trước đến nay, nhưng đồng thời, việc duy trì ông Mubarak, đồng minh chiến lược của phương Tây, ở cương vị tổng thống không thể là một ưu tiên nữa.

Tuy nhiên tờ báo tỏ ra rất lo ngại trưóc một Ai Cập đang ‘trôi dạt’ vì không thấy lối ra ổn thoả như thế nào, trong tình hình rối loạn hiện tại. Nếu chỉ đưa ra một số cải tổ và ngay cả đẩy ông Mubarak ra đi chưa chắc vãn hồi được trật tự.

Trước mắt, Le Figaro chỉ thấy có quân đội là thành trì ngăn chặn hỗn loạn, trong lúc mà chính quyền cũng như phe đối lập không ai cho thấy có khả năng điều khiển con thuyền. Tờ báo còn nhìn thấy hiểm nguy chồng chất trong khu vực nếu Ai Cập tiếp tục lênh đênh.

Trong bài xã luận, Le Monde, nhận thấy nổi sợ hãi đang ám ảnh các láng giềng Ai Cập. Tờ báo cho là một bức tường đã sụp đổ bên kia bờ Địa Trung Hải, đó bức tường vô hình của sự sợ hãi. Nó đã sụp đổ ở Tunisia và thứ sáu vừa qua nó đã đổ ở Cairo. Chỉ 4 ngày biểu tình do một nhúm người phe đối lập tổ chức vội vã sau sự cố chấn động ở Tunisia, đã đủ để mở ra khủng hoảng chưa từng thấy nơi chàng khổng lồ Ả Rập, vốn đã trở nên, qua những nhiệm kỳ tổng thống chồng chất của ông Hosni Mubarak, một con bệnh của vùng Cận Đông.

Với vi trí của Ai Cập nói như trên, cuộc điạ chấn lung lay bên bờ sông Nil sẽ càng tác động mạnh ngoài biên giới hơn cuộc cách mạng ở Tunis. Tờ báo nhận thấy là giờ đây, nỗi sợ hãi không còn tồn tại trong dân chúng mà đã di chuyển sang các giới lãnh đạo các quốc gia, vốn bấy lâu nay vẫn chà đạp, và gạt gẫm dân chúng của họ, để bám quyền.

Trung Quốc : Thời tiết khắc nghiệt hoành hành

Về thời sự Châu Á, Le Monde chú ý đến thời tiết khắc nghiệt hoành hành ở Trung Quốc, vừa bị hạn hán, vừa bị giá rét. Đặc biệt miền Đông Bắc, các tỉnh Sơn Đông, Hà Bắc, Liêu Ninh bị rét cóng, mùa màng bị đe doạ.

Theo Le Monde từ ngày 25/10/2011, cho đến giờ không có một giọt mưa ở Bắc Kinh, khiến thủ đô thiếu nưóc nghiêm trọng,các biện pháp bắn mây đã không mang lại kết quả gì, và lần đầu tiên từ nửa thế kỷ nay, không thấy tuyết rơi ở Bắc Kinh, trong lúc mà năm trước, thành phố lâm vào cảnh tuyết ngập chưa từng thấy từ 50 năm nay. Không chỉ Bắc Kinh thiếu nước, tỉnh Sơn Đông cũng bị thiếu nước, đến giờ 240.000 người không đủ nước sử dụng, chinh quyền phải chở nước cung cấp, nếu hạn hán kéo dài thì đến cả triệu người không có nước dùng.

Ngoài nạn hạn hán, giá rét cũng đổ xuống Sơn Đông và cả Hà Bắc, Liêu Ninh gây ra thiệt hại kinh tế khác : hải cảng cũng như một phần ở vịnh Bột Hải, Sơn Đông, bị đóng băng, các dàn khoan dầu tại đây tạm ngưng hoạt động, cũng như việc chuyển vận hàng hoá, không kể đến ngành nuôi thủy sản.

Điều đáng lo ngại là thiệt hại mùa màng không nhỏ, giá lương thực sẽ còn lên cao. Theo Le Monde, hậu quả không chỉ ở ở Trung Quốc, vì nếu Bắc Kinh phải giới hạn xuất khẩu thì giá ngũ cốc sẽ tăng trên thị trường thế giới.

Châu Âu phải giúp thành viên giảm nạn học sinh bỏ học nửa chừng

Trên bình diện xã hội, báo La Croix chú ý đến kế hoạch của Ủy ban Châu Âu nhằm giúp các quốc gia thành viên giảm thiểu số học sinh bỏ học nửa chừng. Theo La Croix, Ủy ban Châu Âu sẽ thông qua vào hôm nay một kế hoạch hành động để giúp đỡ các nước trong Liên Hiệp chống lại tệ nạn nói trên. Kế hoạch này sẽ được các bộ trưởng giáo dục các nước thảo luận vào tháng 5 tới đây tại Bruxelles.

Mục tiêu là hạn chế tỷ lệ bỏ học dưới ngưỡng 10% trong khu vực Liên Hiệp từ đây đến năm 2020.

Trong năm 2009, theo La Croix, hơn 6 triệu thanh niên Châu Âu, tức 14,4% thanh thiếu niên trong lứa tuổi 14- 18, bỏ học chỉ với bằng cấp cao nhất là bằng Trung học. Càng đáng ngại hơn nữa, theo Ủy ban Châu Âu, là hơn 17% trong số thanh thiếu niên này thì hơn 17% chỉ học hết tiểu học.

Trước mắt thì 7 quốc gia trong Liên Hiệp đã đạt mức 10% bỏ học : Bắc Âu như Phần Lan, Lít Va, Đông Âu như Ba Lan, Cộng hoà Séc, Slovakia, Slovenia. Tuy nhiên tại Malta, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, tỷ lệ bỏ học lên đến 30%, Pháp thì ở mức 12,3 %. Nhưng tình hình này đã được cải thiện trong 10 năm qua. Nhìn chung trong thời gian này, số học sinh bỏ học đã giảm thiểu 3,2%.

Theo nghiên cứu của Ủy Ban Châu Âu, số học sinh nam bỏ học nhiều hơn nữ, và đặc biệt là các em xuất thân từ gia đình nhập cư, số bỏ học cao gấp đôi so với trung bình. Tại một số nơi là thành phần nông thôn và cư dân những khu phố nghèo.

Trong kế hoạch hành động, Ủy Ban Châu Âu cũng dựa theo một số kinh nghiệm thành công, đề xuất chưong trình hỗ trợ học tập tùy theo khó khăn của các em, nhất là các em sống khu vực bình dân, như Pháp và Tây Ban Nha đã thực hiện, hoặc là những chương trình kết hợp dậy nghề và cho đi làm thâu thập kinh nghiệm như ở Ý, Luxembourg, hay Đan Mạch. Còn có một đề nghị khác là trường học cũng phải tiếp nhận các em thuộc thành phần xã hội khác nhau.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.