Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - AI CẬP

Trung Quốc khẳng định không chặn thông tin về tình hình Ai Cập

Theo AFP, trong một cuộc họp báo hôm nay 1/2/11, khi được hỏi có phải Bắc Kinh ngăn chặn thông tin về tình hình Ai Cập, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ đưa ra câu trả lời “internet vẫn mở” ở Trung Quốc, nhưng trên thực tế những tin tức mới liên quan đến phong trào phản kháng chế độ Moubarak tại Ai Cập vẫn bị kiểm duyệt.

Khách du lịch Trung Quốc bị kẹt tại Ai Cập  trong những ngày qua vừa về đến sân bay quốc tế Bắc Kinh ngày 1/2/11.
Khách du lịch Trung Quốc bị kẹt tại Ai Cập trong những ngày qua vừa về đến sân bay quốc tế Bắc Kinh ngày 1/2/11. Reuters
Quảng cáo

Trong khi cộng đồng quốc tế đang rất chú ý theo dõi diễn biến tình hình tại Ai Cập từng ngày, thì chính quyền Bắc Kinh lại lo ngại hiệu ứng lây lan có thể xảy ra từ những thông tin đến từ cuộc nổi dậy của người dân Ai Cập. Việc kiểm duyệt đưa tin về Ai Cập được chỉ đạo chặt chẽ trong toàn bộ hệ thống truyền thông của Trung Quốc. Những tin tức, hình ảnh người dân Ai Cập xuống đường biểu tình hay đụng độ với lực lượng giữ gìn trật tự đều bị kiểm duyệt hoặc không được xuất hiện trong thông tin báo chí Trung Quốc trong lúc này. Ngày hôm nay nếu đánh từ tìm kiếm “Ai Cập” bằng tiếng Hoa trên mạng Twitter tại Trung Quốc thì trên màn hình vẫn tiếp tục hiện dòng chữ “ Theo luật hiện hành, kết quả tìm kiếm của bạn không thể có thông tin” .

Thông tín viên Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh tường trình :

Trên trang nhất các nhật báo tại Bắc Kinh hôm nay đều đăng những hình ảnh các du khách trên tay cầm lá cờ Trung Quốc, ngồi vạ vật trên hành lý của mình tại sân bay Cairo. Nhiều bài phóng sự đã đề cập đến tình trạng chờ đợi của các kiều dân Trung Quốc bị mắc kẹt tại Ai Cập trong 48 giờ qua. Trái lại, những hình ảnh biểu tình thì đã bị dẹp hết. Trọng tâm được báo chí nhấn mạnh lúc này là “ kêu gọi kiềm chế” và “ tái thiết nền kinh tế” . Đối với dịch vụ tìm kiếm trên mạng Bách Độ của Trung Quốc thì đây là một “thách thức”. Mạng thông tin này đặc biệt nhấn mạnh vào việc như là tình hình thị trường chứng khoán bị sụt giảm trên toàn thế giới và “ thách thức chiến lược” đối với dầu mỏ và thương mại tại khu vực kênh đào Suez. Ngày hôm qua tờ Hoàn cầu Nhật báo đã nhận định rằng : “Các nước phưong Tây đang có ý đồ chuyển hướng đi của Ai Cập”.

Trước đó một hôm, cũng tờ báo này đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ hỗn loạn gây ra từ những cuộc “cách mạng màu sắc” kiểu như thế này. Tờ báo muốn ám chỉ trực tiếp đến các cuộc cách mạng đã làm rung chuyển Đông Âu cách đây vài năm.

Kêu gọi đối thoại, trở lại trật tự đó là chủ đích thông tin của báo chí. Tờ Global Times xuất bản bằng Anh ngữ tại Trung Quốc đã đăng hình một cậu bé giao bánh mì bằng xe đạp đang chặn chiếc xe tăng của quân đội Ai Cập với hàng tựa “ Phe đối lập quá yếu để có thể giành chính quyền”.

Trên internet và các trang blog cũng có sự kiểm duyệt tương tự. Trên trang mạng thông tin sina.com sáng nay các tựa chính vẫn là : “Hai máy bay cất cánh tới Ai Cập” hay “ Phó tổng thống Ai Cập muốn đối thoại với đối lập”. Nhưng trong khi đó trên mạng Twitter, một luật sư đã đáp lại bằng việc đặt hàng tựa “ Thiên An Môn của Ai Cập” bên dưới bức ảnh một người biểu tình chắn trước chiếc chiến xa. Nên nhớ là tại Trung Quốc, Twitter cũng bị kiểm duyệt.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.