Vào nội dung chính
ĐÔNG NAM Á

Uy quyền của tướng Than Shwe vẫn đè nặng trên chính trường Miến Điện

Miến Điện đã có Tổng thống mới là ông Thein Sein. Về mặt hình thức, giới tướng lãnh có thể tuyên bố rằng Miến Điện đã gần như hoàn tất quá trình cải cách Hiến pháp, tổng tuyển cử, một tổng thống dân sự đã được chỉ định.Thế nhưng giới phân tích vẫn cho rằng tướng Than Shwe, lãnh đạo tập đoàn quân sự, năm nay 77 tuổi, vẫn là người thâu tóm mọi quyền lực.

Tướng Than Shwe nhân Ngày Quân lực Miến Điện hôm 27/03/ 2009 tại Naypyidaw.
Tướng Than Shwe nhân Ngày Quân lực Miến Điện hôm 27/03/ 2009 tại Naypyidaw. AFP / Hla Hla Htay
Quảng cáo

Hôm nay, 07/02/2011, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã khuyến nghị nên duy trì lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào giới tuớng lãnh cầm quyền tại Miến Điện. Ông Tin Oo, phó chủ tịch Liên đoàn nói với Reuters là các biện pháp trừng phạt nói trên chỉ tác động đến các thành viên lãnh đạo chính quyền và những doanh nghiệp có quan hệ với chế độ.

Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh giới phân tích cho rằng tướng Than Shwe, năm nay 77 tuổi, vẫn là người thâu tóm mọi quyền lực. Về mặt hình thức, giới tướng lãnh có thể tuyên bố rằng Miến Điện đã gần như hoàn tất quá trình cải cách Hiến pháp, tổng tuyển cử đã được tiến hành, tân Quốc hội đã nhóm họp và một tổng thống đã được chỉ định. Thế nhưng bóng dáng của tướng Than Shwe vẫn đè nặng chính trường Miến Điện.

Quả là ngây thơ nếu cho rằng việc Miến Điện có ban lãnh đạo mới chứng tỏ là ông Than Shwe đã bị mất đi các ủng hộ. Nhật báo chính thức của chế độ, tờ The New Light of Myanmar, ngày 05/02 vừa qua đăng trên trang nhất ảnh tướng Than Shwe trong bộ quân phục, đeo kính đen, huy chương che kín ngực, đi kèm với chức danh của ông : « Chủ tịch Hội đồng Nhà nước vì Hòa bình và Phát triển » và « tổng tư lệnh các lực lượng quốc phòng ».

Chuyên gia Miến Điện Aung Naing Oo, làm việc tại Thái Lan, nói với AFP là khi cho đăng tin như vậy, giới tướng lãnh muốn khẳng định lại rằng tướng Than Shwe vẫn là thủ lĩnh của họ.

Còn đối với ông Maung Zarni, thuộc đại học Kinh tế Luân Đôn, thì « câu hỏi chủ yếu là liệu tướng Than Shwe sẽ chuyển giao quyền lực cho một nhân vật nào đó kiểm soát các lực luợng quân đội và bộ máy an ninh hay không. Câu trả lời của tôi là hoàn toàn không ».

Theo giới quan sát, tướng Than Shwe, một nhân vật thô bạo, mắc bệnh hoang tưởng và rất tin vào chiêm tinh học, đã thẳng tay thanh lọc, loại trừ những đối thủ trong chính quyền. Ví dụ như vào tháng 10 năm 2004, ông ta đã cách chức và ra lệnh bắt giữ thủ tướng Khin Nyunt.

Để tránh bị rơi vào hoàn cảnh tương tự về sau này, tướng Than Shwe đã cẩn thận lựa chọn những nhân vật thân tín đưa vào chính phủ mới. Ngày 04/02, ông Thein Sein, thủ tướng, đã được chỉ định là tổng thống. Nhân vật này vừa mới trút bỏ quân phục để tham gia cuộc bầu cử ngày 07/11/2011 trong tư cách chủ tịch đảng Đoàn kết và Phát triển – USDP- do giới tướng lãnh lập ra ngay trước khi có cuộc bỏ phiếu. Theo giới chuyên gia, dường như nhân vật số ba trong chính quyền, tướng Thura Shwe Mann, được giao nhiệm vụ kiểm soát Quốc hội. Cả hai nhân vật này đều là tay chân của tướng Than Shwe.

Tại Quốc hội mới, theo Hiến pháp do giới tướng lãnh soạn thảo và đưa ra thì quân đội chiếm một phần tư số ghế. Còn trong cuộc bầu cử ngày 07/11năm ngoái, lực lượng đối lập chính là Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ lại tẩy chay. Do vậy, đảng USDP chiếm đa số. Khi nắm được Quốc hội, giới tướng lãnh có thể kiểm soát được giai đoạn cuối cùng trong cái gọi là « lộ trình » hướng tới một « nền dân chủ có kỷ luật ».

Cũng có ý kiến cho rằng mặc dù giới tướng lãnh vẫn còn ngự trị trong hệ thống chính trị mới tại Miến Điện nhưng điều này cũng làm lóe lên tia hy vọng. Ông Trevor Wilson, nguyên đại sứ Úc tại Miến Điện đánh giá rằng Miến Điện đã hoàn tất « giai đoạn một trong quá trình chuyển giao quyền lực ». Tướng Than Shwe đang chuẩn bị cho sự ra đi của ông ta, việc này không thể diễn ra nhanh chóng hay bất ngờ.

Đây cũng là nhận định của giới chuyên gia Miến Điện. Tướng Than Shwe sẽ rút ra khỏi quân đội khi ông ta có thể hoàn toàn chỉ đạo, giật dây được từ hậu trường, trong vị thế lãnh đạo đảng cầm quyền USDP. Giải pháp này còn giúp bảo vệ ông ta trong tương lai. Tướng Than Shwe không muốn bị rơi vào tình cảnh như nhà độc tài Chilê Pinochet lúc cuối đời.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.