Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - LIBYA

Di tản kiều dân khỏi Libya: Cơ hội tuyên truyền cho Trung Quốc

Trong những ngày qua, các phương tiện truyền thông chính thức Trung Quốc không ngớt lời ca ngợi chính quyền Bắc Kinh đã thành công trong việc điều động các phương tiện đường thủy, đường bộ và hàng không để sơ tán hàng chục ngàn kiều dân của mình. Hiện có gần 32 ngàn người Trung Quốc đã rời khỏi Libya.

Nhóm người lao động Trung Quốc hồi hương từ Libya (AFP)
Nhóm người lao động Trung Quốc hồi hương từ Libya (AFP)
Quảng cáo

Trung Quốc đã điều động tàu hộ tống Từ Châu, có trang bị giàn phóng tên lửa cùng nhiều máy bay vận tại quân sự đến khu vực. Đây là lần đầu tiên, Bắc Kinh sử dụng các phương tiện quân sự để cứu giúp kiều dân của mình ở một vùng xa xôi như vậy.

Ngày hôm qua (01/03/2011), bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết là 32 ngàn kiều dân đã được sơ tán ra khỏi Libya. Trong số này, chủ yếu là các kỹ sư, công nhân làm việc trong các dự án xây dựng đường sắt, dầu lửa, viễn thông.

Đối với Hoàn Cầu Thời báo, một tờ báo nổi tiếng có tinh thần dân tộc chủ nghĩa, thì chiến dịch di tản minh chứng cho sức mạnh ngày càng gia tăng của nền kinh tế đứng hàng thứ hai trên thế giới, « thu hút sự chú ý của toàn thế giới », làm tăng thêm sự kính nể đối với Trung Quốc, « kể cả từ phía các nước phát triển ».

Giáo sư khoa học chính trị Hồ Vĩnh Tinh, đại học Hồng Kông, được AFP trích dẫn, thừa nhận là kế hoạch di tản của Trung Quốc rất hiệu quả. « Trong vòng ba bốn ngày, họ đã đưa được đa số người lao động ra khỏi Libya ». Theo ông, « chính phủ muốn chứng minh là họ thực sự quan tâm. Điều này rất quan trọng, đối với công luận trong nước và quốc tế, để chứng tỏ là họ chăm sóc người dân" và "đó cũng là cách để nâng cao tính chính đáng của một chính phủ ».

Theo số liệu chính thức, tính cho đến cuối 2010, có khoảng 847 ngàn người Trung Quốc làm việc ở nước ngoài, tức là cao hơn năm 2009 khoảng 69 ngàn. 30% làm việc trong lĩnh vực xây dựng, hạ tầng cơ sở.

Trong khoảng 10 năm lại đây, sự hiện diện của lao động Trung Quốc ngày càng đông đảo tại châu Phi, đặc biệt là Angola, Nam Phi, Sudan, Nigeria. Cũng tại châu lục này, Bắc Kinh đầu tư nhiều vào lĩnh vực dầu lửa, quặng mỏ, nông nghiệp và chế biến sản phẩm. Năm 2009, Trung Quốc là đối tác thương mại chủ yếu của châu Phi.

Theo giới phân tích, do vậy, chính quyền Bắc Kinh cần phải chứng minh rằng họ sẽ hành động bảo vệ công dân của mình, nhất là trong những trường hợp nghiêm trọng như tình hình tại Libya.

Ông Jonathan Holslag, thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc đương đại ở Bruxelles giải thích thêm là lao động Trung Quốc thường xuyên bị tấn công, tư tưởng bài Hoa có xu hướng tăng lên tại một số quốc gia.

Hoàn Cầu Thời báo bình luận, việc sơ tán lao động Trung Quốc ra khỏi Libya đã được khởi động ngay lập tức, điều này minh chứng cho khả năng hành động nhanh chóng của chính phủ trước tình hình khẩn cấp.

Vào lúc Bắc Kinh đang hỉ hả với thành công này thì tại Liên Hiệp Quốc, đại diện nhiều nước châu Á, láng giềng thân thiết, đối tác quan trọng của Trung Quốc đang khẩn thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ di tản kiều dân của mình ra khỏi Libya.

Theo nguồn tin ngoại giao, ước chừng hơn 100 ngàn lao động châu Á đang bị kẹt do tình hình chiến sự ở Libya, trong số này có 26 ngàn người Philippines, 25 ngàn người Thái Lan, hơn 50 ngàn người Bangladesh, 18 ngàn người Ấn Độ, hàng chục ngàn lao động Trung Quốc, Việt Nam, Nepal…

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.