Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - QUỐC PHÒNG

Trung Quốc biện minh việc tăng chi phí quốc phòng

Sau khi công bố ngân sách quốc phòng tăng gần 13% trong năm 2011, gây lo ngại tại các nước láng giềng, chính quyền Trung Quốc đang cố gắng tìm cách trấn an. Hôm nay, 06/03/2011, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cố gắng biện minh cho việc tăng chi phí quân sự.

Quảng cáo

Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, trong ấn bản dành cho nước ngoài, đã khẳng định, "việc Trung Quốc gia tăng ngân sách quốc phòng không thể là nguyên nhân gây ra những lời chỉ trích", hàm ý rằng những mối quan ngại của các nước khác không có cơ sở.

Để chứng minh cho sự cần thiết gia tăng ngân sách quân sự của nước mình, bài báo nêu lên các ví dụ như tình hình bất ổn tại nhiều quốc gia, trong đó có một số nước gần Trung Quốc, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như nạn hải tặc ngoài khơi Somalia, hay sự cần thiết phải sơ tán công dân từ Libya. Theo tờ báo, Trung Quốc cũng cần phải chi phí cho việc đào tạo lực lượng vũ trang của mình để sử dụng trong các hoạt động cứu trợ thiên tai.

Cùng giọng điệu với tờ Nhân dân Nhật báo, Tân Hoa Xã cách nay hai hôm cũng trích lời một viên tướng Trung Quốc cho rằng chi tiêu quân sự của Trung Quốc tính ra còn thấp hơn nhiều so với Hoa Kỳ, đã lên đến 725 tỷ đô la trong tài khóa 2011. Theo viên tướng này, đà tăng ngân sách quốc phòng tại Trung Quốc cũng chỉ là để theo kịp đà lạm phát mà thôi !

Một quan chức khác thì giải thích với nhật báo Anh ngữ China Daily : "Trung Quốc cần phải tăng ngân sách quốc phòng để cập nhật hóa vũ khí và thiết bị đã lạc hậu và để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi thành một quân đội hiện đại." 

Xin nhắc lại là hôm thứ sáu vừa qua, một ngày trước khi khóa họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc khai mạc, Bắc Kinh đã tiết lộ ngân sách quốc phòng năm 2011 của mình, lên đến 601,1 tỷ yuan, tương đương khoảng 92 tỷ đô la, tăng 12,7% so với năm 2010.

Ngay khi ấy, cựu Ngoại trưởng Lý Triệu Tinh, phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc đã xác định là đà gia tăng đó "không đe dọa bất kỳ nước nào", một tuyên bố đã được thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nhắc lại trong bản báo cáo chính trị đọc vào hôm qua. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận : « Công cuộc hiện đại hóa sức mạnh quân sự của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng tốc. »  

Theo các nhà phân tích, các lời biện minh của Trung Quốc chỉ mang tính chất tuyên truyền, và khó có thể trấn an được các nước láng giềng, nhất là các nước đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hay lãnh hải với Bắc Kinh như Việt Nam, Nhật bản, Ấn Độ, Philippines…

Trung Quốc luôn luôn nhấn mạnh là tiến trình hiện đại hóa quân đội của họ chỉ mang tính chất phòng thủ, và chỉ nhằm bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ. Vấn đề là đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc quá bao quát, và trong thời gian gần đây, họ đã không ngần ngại lợi dụng sức mạnh quân sự đang lên để áp đặt quan điểm của họ đối với các nước láng giềng.

Phân tích về việc Trung Quốc liên tục gia tăng chi tiêu quốc phòng, tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản vào hôm nay, đã trích dẫn một nguồn tin quân sự cho biết là lực lượng Hải quân Trung Quốc là một trong những binh chủng được ưu tiên trong việc phân bố ngân sách, để phục vụ chiến lược hai hướng của họ : Khống chế các tuyến hàng hải trong khu vực, và bảo vệ các quyền lợi lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Vào cuối năm 2009, Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc đã đề ra một chiến lược nhằm củng cố vai trò của Trung Quốc tại hai vùng biển Nam Hải và Đông Hải, xác định việc « sẵn sàng sử dụng vũ lực trong trường hợp đàm phán hòa bình không thể tiến hành được và lợi ích hàng hải của Trung Quốc bị lực lượng quân sự đối phương vi phạm ». Để thực hiện chiến lược này, Trung Quốc phải có tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân, cũng như tăng cường hệ thống tên lửa chiến lược.

Bắt đầu từ năm ngoái, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành tập trận rầm rộ ở vùng Biển Đông, huy động cả máy bay ném bom và tên lửa chống chiến hạm. Họ cũng liên tục tập đổ bộ lên đánh chiếm các đảo nằm dưới quyền kiểm soát của các nước khác. Trung Quốc còn tăng cường các chiến dịch tuần tra do các tàu ngư chính cực lớn thực hiện. Kế hoạch năm nay là sẽ đóng thêm 36 chiếc tàu tuần tra mới, cùng với 54 tàu cao tốc dùng vào việc bảo vệ các hòn đảo của Trung Quốc.

Xuất phát từ các thực tế trên đây, hiển nhiên là các lời lẽ trấn an từ phía Trung Quốc không thể làm cho các quốc gia trong vùng yên tâm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.