Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trung Quốc: Ngân sách an ninh tăng mạnh hơn chi phí quốc phòng

Vốn đã qua mặt chi tiêu về quân sự ngay từ năm ngoái (2010), ngân sách Trung Quốc dự trù cho ngành an ninh nội địa sẽ còn tăng nhanh hơn trong năm 2011 này. Đây là các số liệu vừa được Bắc Kinh công bố hôm qua.

Quảng cáo

Điều này phản ánh mối lo ngại rất lớn của chế độ trước nguy cơ xã hội bất ổn định, vào lúc chính quyền không từ bỏ bất kỳ biện pháp nào để bóp nghẹt mầm mống một phong trào đòi dân chủ và dân sinh theo kiểu "Cách mạng Hoa nhài" trong thế giới Ả Rập.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính Trung Quốc trước Quốc hội, vào năm ngoái chi phí dành cho công việc duy trì pháp luật và trật tự lên đến 548,6 tỷ nhân dân tệ (hơn 83,5 tỷ đô la). Con số này như vậy đã cao hơn chi tiêu quốc phòng được ước tính là 533,5 tỷ yuan (81,2 tỷ đô la). Trong năm nay, ngân sách dành cho ngành an ninh nội địa, từ công an, cảnh sát, cho đến an ninh, dân quân võ trang, tòa án…, sẽ tăng vọt với tỷ lệ 13,8%, cao hơn hẳn mức tăng 12,7% của ngân sách quốc phòng được tiết lộ hôm thứ Sáu vừa qua.

Theo các nhà quan sát, dĩ nhiên là ngân sách quân sự chính thức được chính quyền Trung Quốc loan báo luôn luôn thấp hơn rất nhiều so với thực tế - một số nguồn tin Mỹ cho rằng chỉ bằng 1/2 chi phí thực mà thôi – vì ngân sách nêu lên không tính đến những khoản tiền khổng lồ dùng để mua vũ khí chẳng hạn.

Tương tự như vậy, ngân sách dành cho ngành an ninh Trung Quốc trong thực tế cũng sẽ cao hơn rất nhiều so với số liệu công bố, chẳng hạn như các chi phí dùng cho công tác tình báo, giám sát bí mật… Chính quyền Bắc Kinh không tiết lộ cụ thể các khoản chi của ngân sách khổng lồ này, nhưng một số nhà quan sát đã căn cứ vào phát biểu của Thủ tướng Ôn Gia Bảo ngày hôm qua để cho rằng một phần sẽ được dùng vào việc kiểm soát Internet.

Trong bản báo cáo chính trị, ông Ôn Gia Bảo xác định : "Chúng ta sẽ củng cố và cải thiện hệ thống an ninh công cộng. Chúng ta sẽ cải thiện hệ thống phản ứng khẩn cấp, và nâng cao năng lực của xã hội trong việc xử lý khủng hoảng và hạn chế rủi ro. Chúng ta sẽ tăng cường an toàn và bảo mật thông tin, và cải thiện việc quản lý của các mạng thông tin."

Đối với giới phân tích, đà gia tăng ngân sách an ninh nội địa cho thấy là các nhà lãnh đạo Trung Quốc hết sức lo ngại về nguy cơ xã hội trở thành bất ổn như những gì đang diễn ra tại Trung Đông và Bắc Phi, nhất là khi những yếu tố gây bất bình trong dân chúng có phần giống nhau : Thể chế độc đoán, tham nhũng lộng hành, bất công đầy rẫy, quyền tự do bị hạn chế...

Cũng dễ hiểu là guồng máy an ninh của Trung Quốc hiện đang đàn áp dữ dội giới ly khai sau những lời kêu gọi trên mạng, yêu cầu mọi người thầm lặng "đi dạo" tại hơn một chục thành phố ở Trung Quốc mỗi trưa chủ nhật. Lời kêu gọi này ít được hưởng ứng vì lẽ chính quyền đã xiết chặt kiểm duyệt thông tin trên mạng Internet.

Cho dù vậy, chế độ cũng vẫn phản ứng mạnh mẽ, rầm rộ triển khai lực lượng an ninh ra các nơi hẹn của những người kêu gọi biểu tình, bắt giữ hoặc quản thúc tại gia hàng chục nhà ly khai, thắt chặt kiểm soát Internet, đặc biệt là trang Twitter hay các micro-blog. Nhà báo nước ngoài cũng bị đe dọa, sách nhiễu để khỏi đưa tin về các vụ tập hợp, thậm chí cấm họ không được phép đến những nơi nhậy cảm.

Tất cả những biện pháp nói trên đương nhiên rất tốn kém, nhưng là nền tảng giúp chế độ hiện tại được duy trì. Việc ngân sách an ninh nội địa tăng mạnh xuất phát từ logic đó. Có điều, như ghi nhận của phóng viên nhật báo Mỹ Wall Street Journal tại Bắc Kinh, việc chính quyền đổ tiền vào guồng máy an ninh cũng sẽ bị phê phán.

Một số học giả Trung Quốc từng cho rằng guồng máy an ninh nội bộ khổng lồ của Trung Quốc đã tiêu tốn một nguồn tiền đáng kể, lẽ ra có thể được sử dụng một cách hữu ích hơn vào việc nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện các dịch vụ công cộng.

Điều này có khả năng giải quyết tận gốc rễ căn nguyên của tình trạng bất ổn xã hội đang làm cho chính quyền lo ngại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.