Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Đường sắt cao tốc Trung Quốc : Đầu tư lớn, tham nhũng nhiều

Trung Quốc có tham vọng lớn trở thành nước có mạng đường sắt cao tốc rộng lớn nhất thế giới. Chỉ trong vòng có vài năm nước này đã xây dựng được một mạng lưới đường tàu cao tốc có chiều dài lên tới 8.358 km. Các dự án tàu cao tốc ở Trung Quốc đồng thời còn là mảnh đất màu mỡ cho các vụ tham nhũng khổng lồ.

Khách lên tàu hỏa tại một nhà ga thuộc tỉnh An Huy (Trung Quốc) để trở về Quảng Đông, ngày 11/02/2011, sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán (REUTERS/Stringer)
Khách lên tàu hỏa tại một nhà ga thuộc tỉnh An Huy (Trung Quốc) để trở về Quảng Đông, ngày 11/02/2011, sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán (REUTERS/Stringer)
Quảng cáo

Trên trang kinh tế, thông tín viên của báo Libération tại Bắc Kinh, hôm nay có bài viết về vụ tham nhũng lớn, đang phủ một bóng đen trên các dự án đường sắt cao tốc đầy tham vọng của Trung Quốc.

Tác giả bài báo cho biết, vụ tham nhũng lớn vừa bị phát giác khiến cho hai quan chức, được coi những công trình sư của hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc, bị mất ghế. Đó là ông Lưu Chí Quân, bộ trưởng bộ Đường sắt Trung Quốc và ông Trương Thự Quang, kỹ sư trưởng dự án tàu cao tốc. Hai nhân vật này bị cách chức, vì đã « vi phạm nghiêm trọng quy định » quản lý kinh tế, mà theo tác giả, đó chỉ là cách nói hoa mỹ để chỉ việc tham nhũng hối lộ trong các quan chức lãnh đạo mà thôi.

Làm bộ trưởng và là bí thư đảng bộ ngành đường sắt từ năm 2003, tuần qua, theo báo chí chính thức của Trung Quốc, ông Lưu đang bị điều tra, vì nghi vấn đã biển thủ một khoản tiền lên tới 88 triệu euros. Báo chí còn cho biết ông này có tới mười người tình. Còn ông Trương Thự Quang, đầu tuần trước cũng đã bị triệu tập điều tra. Theo tờ Minh Báo tại Hồng Kông, ông Trương sở hữu ba biệt thự hạng sang tại Los Angeles và tiền gửi trong các tài khoản tại Thụy Sĩ và Mỹ lên tới 250 triệu euros.

Theo tác giả bài báo, trong vòng 5 năm, chính phủ Trung Quốc đã bỏ ra 200 tỷ euros để hiện đại hóa hệ thống đường sắt. Ông bộ trưởng Lưu và vây cánh có lẽ đã rút ruột 3% khoản đầu tư này. 80% các hợp đồng tàu cao tốc được giao cho hai tập đoàn của nhà nước là China Railway Group và China Construction Corp, sau đó, được phân chia cho các nhà thầu phụ và để có được các hợp đồng đó, các nhà thầu phải chịu chi một khoản tiền hối lộ không nhỏ.

Theo tác giả thì những vụ ăn chia như vậy không thiếu ở Trung Quốc, nơi tham nhũng đã trở thành một quốc nạn. Theo con số của chính quyền Bắc Kinh, mỗi ngày ở Trung Quốc có không dưới 400 quan chức. Phần lớn các khoản tiền hối lộ cho các quan chức cao cấp đều bắt nguồn từ những nhà thầu phụ, mà hiện nay trình độ kỹ thuật của họ đang bị nghi ngờ. Ngoài ra, tốc độ xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc ở Trung Quốc nhanh đến mức kỷ lục. Một tờ báo ở Trung Quốc viết « trong lúc các công nhân đặt đường ray, thì các kỹ sư còn chưa hoàn tất các chuẩn kỹ thuật cho nó ». Vì thế mà chất lượng của các tuyến đường tất yếu sẽ rất tồi.

Libération nhận thấy vụ tham nhũng ở bộ Đường sắt đã làm đội giá thành lên rất cao. Chi phí xây dựng tuyến đường Bắc Kinh- Thượng Hải đã tăng gấp đôi so với dự tính ban đầu. Ngoài ra, từ vụ việc bị phát giác này, người ta bắt đầu đặt nghi ngờ vào tính an toàn của đường sắt cao tốc Trung Quốc.

Có thể nói quy mô hoành tráng của hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc tỷ lệ thuận với mức độ tham nhũng, nhưng lại tỷ lệ nghịch với chất lượng công trình.

Ngoại trưởng Seiji Maehara phải từ chức vì một món quà nhỏ

Chủ nhật vừa qua, Ngoại trưởng Nhật Bản, ông Seiji Maehara, buộc phải tuyên bố từ chức vì bị cáo buộc đã vi phạm pháp luật khi nhận một khoản tiền tài trợ bất hợp pháp từ một nữ chủ tiệm ăn người Hàn Quốc, định cư ở đây, nhưng không có quốc tịch Nhật, với số tiền là 200.000 yên (tương đương với 1.736 euros). Đây là điều mà luật pháp nước này nghiêm cấm.

Việc ông Seiji Maehara ra đi để lại cho ông Naoto Kan nhiều khó khăn trong việc xử lý những vấn đề quan trọng sắp tới, trong đó có việc tổ chức hồ sơ cho cuộc gặp thượng đỉnh G8 được tổ chức tại Paris hai ngày 14 và 15/03 và cuộc gặp gỡ hai đồng nhiệm Hàn Quốc và Trung Quốc ngày 19/03 này.

Có thể nói ông Kan mong đợi nhiều vào sự hỗ trợ của ông Seiji Maehara, một nhân vật có nhiều ảnh hưởng trong nội bộ đảng Dân chủ Nhật (PDJ). Nổi tiếng là người thân Mỹ, ông Maehara đang tìm cách hàn gắn lại mối quan hệ với Hoa Kỳ, đã bị suy yếu đi dưới thời thủ tướng Yukio Hatoyama, nhiệm kỳ 2009-2010.

Ngoài ra, ông còn theo đuổi lập trường cứng rắn với Trung Quốc và Nga, hai quốc gia mà Nhật Bản duy trì các mối quan hệ tế nhị. Đối với Bắc Triều Tiên, ông cũng có một lập trường tương tự, mặc dù có những tin đồn về việc ông đang nối lại đàm phán với Bình Nhưỡng.

Ông từng đứng ra bảo vệ dự án « Tự do hóa trao đổi thương mại » do thủ tướng Naoto Kan đề xuất. Còn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, ông được xem như là một luật sư của họ trong các vụ tranh thầu ở nước ngoài.

Theo Le Monde, ông Seiji Maehara ra đi để lại một khoảng trống khó lấp cho thủ tướng Naoto Kan. Không những thế, ông Kan đang đứng trước hiểm họa phải giải tán chính phủ nếu như các đảng đối lập vẫn tiếp tục ngăn chặn các dự thảo luật về Ngân sách. Như vậy, Nhật Bản lại có nguy cơ rơi vào khủng hoảng chính trị triền miên, điều không ai mong muốn.

Nỗi lo lớn của Nhật trước sự lấn tới của kinh tế Trung Quốc

Liên quan đến vấn đề kinh tế đối ngoại giữa Nhật Bản và Trung Quốc, tờ Les Echos dành hẳn một trang cho bài điều tra « Tại Tokyo, nỗi lo sợ to lớn về sự xâm nhập của Trung Quốc ». Theo Les Echos, các nhà đầu tư Trung Quốc đang gia tăng sở hữu các thương hiệu và công nghệ của Nhật Bản. Và bản thân các tập đoàn lớn cũng không thể thoát khỏi tình trạng này.

Hiện nay, ngày càng có nhiều du khách giàu có từ Trung Hoa lục địa đến Nhật. Ngoài việc đi du lịch, họ đến đây chỉ để tìm mua một món hàng « Made in Japan », mà theo họ chất lượng hơn hẳn sản phẩm cùng loại được sản xuất trong nước. Họ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn chỉ để mua một món đồ tầm thường như nồi cơm điện hiệu Panasonic, một thương hiệu nổi tiếng chẳng hạn với giá 40.000 yên (tương đương với 350 euros). Chỉ riêng năm vừa qua, có đến hơn 1,4 triệu du khách Trung Quốc đến thăm quần đảo Mặt trời mọc.

Nắm bắt được nhu cầu này, các nhà đầu tư Trung Quốc đã không ngần ngại đổ tiền đầu tư vào đây. Ban đầu, các nhà đầu tư Trung Quốc chỉ mua lại một vài khách sạn, một số ngành chuyên về chế biến thực phẩm, thì nay các doanh nghiệp Trung Quốc tự mở rộng ra trên các thương hiệu lớn của địa phương. Con số thống kê của viện Recof Data cho biết, riêng năm vừa qua, các doanh nghiệp Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát 37 công ty Nhật Bản. Nhiều hơn con số đầu tư của Mỹ trên quần đảo này.

Nếu như việc các nhà đầu tư Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào Nhật Bản cho phép các doanh nghiệp này vượt qua khủng hoảng, thì nó để lại trong lòng người dân nơi đây một cảm giác lẫn lộn. Nhiều tờ báo lớn đã không do dự khi cảnh báo đất nước chống lại sự xâm nhập bằng tiền của Trung Quốc. Cách đây vài ngày, các chuyên gia Nhật Bản phát hiện sự tăng vốn đầu tư của một nhà đầu tư bí ẩn, theo họ có lẽ là Trung Quốc, vào các tập đoàn lớn càng làm tăng thêm mối nghi ngờ của người dân Nhật.

Người dân Nhật còn tin rằng, Trung Quốc đang âm thầm mua lại toàn bộ đất đai ở đây, để bù lại cho sự khan hiếm đất trồng trọt và môi trường bị xuống cấp trầm trọng tại Trung Quốc. Hai bản báo cáo của ông Hideki Hirano, một nhà nghiên cứu của Tokyo Foudation cho biết, có vẻ như các nhà đầu tư châu Á, thường là Trung Quốc, đang kiểm soát toàn bộ khu rừng thuộc đảo Hokkaido, phía bắc Nhật Bản.

Báo chí trong nước tố cáo các vụ mua bán khổng lồ các tòa nhà và căn hộ cho những người giàu Trung Quốc mới, tại nhiều thành phố lớn và tại các khu du lịch nổi tiếng. Les Echos trích dẫn lời giải thích của một chuyên gia địa ốc, « Chắc chắn là các nhà đầu tư Trung Quốc mong muốn đầu tư vào thị trường địa ốc Nhật Bản, do họ e ngại hiện tượng bong bóng đầu cơ địa ốc tại nước họ. Do đó, họ tìm cách đầu tư một phần vốn của họ vào thị trường địa ốc tại Nhật Bản, vốn có tiếng là ổn định và chắc chắn ».

Tuy nhiên, các nhà đầu tư của Trung Quốc đang gặp phải nhiều khó khăn do các quy định của Bắc Kinh về việc đưa vốn ra nước ngoài cho các vụ đầu tư lớn.

Mặc dù vậy, một số nhà kinh tế Nhật Bản nghĩ rằng với thời gian, người dân Nhật sẽ quen dần với hiện tượng này. « Số tiền đầu tư từ Trung Quốc rất cần thiết cho nền kinh tế Nhật Bản, vốn đang trong giai đoạn trì trệ và giảm phát. Hiện nay, có khoảng 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Nhật Bản. Họ cũng rất bảo thủ, nhưng họ cũng nhanh chóng hiểu ra rằng việc Trung Quốc trỗi dậy như một cường quốc là điều không thể tránh khỏi ». Vì vậy, dòng vốn từ Trung Quốc sẽ còn tiếp tục chảy vào Nhật Bản.

Trang nhất các nhật báo Pháp : chiến sự tại Libya

Trên trang nhất tờ Le Monde, với tựa đề « Libya : từ nổi dậy đến nội chiến », tờ báo tường thuật lại tình hình chiến sự tại Libya. Tại Benghazi, quân nổi dậy đã cho thành lập một chính phủ lâm thời để điều khiển đất nước trong khi chờ đợi chế độ Kadhafi sụp đổ hoàn toàn. « Hội đồng Quốc gia lâm thời », vừa được thành lập, bao gồm 30 thành viên đến từ nhiều tầng lớp khác nhau.

Báo Libération, với hàng tít « Libya : Phương Tây tìm cách ủng hộ quân nổi dậy » cho biết, Anh, Pháp và Hoa Kỳ làm việc với nhau nhằm tìm kiếm các biện pháp hỗ trợ khác nhau để giúp đỡ quân nổi dậy, trong đó việc thiết lập vùng cấm bay.

Cũng theo Le Monde, ngay khi tin Hội đồng Quốc gia lâm thời được thành lập, Pháp là nước đầu tiên lên tiếng ủng hộ chính phủ lâm thời của quân nổi dậy.

Tin tặc tấn công vào các cơ quan đầu não của Pháp

Điều chưa từng xảy ra đối với nước Pháp, tin tặc tấn công vào hệ thống tin học của bộ Tài chính và phủ tổng thống Pháp với mục đích đánh cắp các tài liệu liên quan đến việc chuẩn bị Hội nghị thượng đỉnh G20. Sự việc xảy ra từ hồi cuối năm 2010 kéo dài đến đầu năm 2011. Báo chí Pháp ra hôm nay tỏ ra bất ngờ với thông tin được chính phủ thông báo ngày hôm qua. Bất ngờ nữa là, tin tặc chỉ nhắm vào các tài liệu liên quan đến hội nghị thượng đỉnh G20, hồ sơ mang tầm vĩ mô.

Ngày hôm qua, chính phủ Pháp đã thừa nhận toàn bộ hệ thống tin học quản lý nhà nước bao gồm : Phủ tổng thống, bộ Ngoại giao, bộ Tài chính, đã là mục tiêu tấn công của tin tặc. Libération đưa lên trang nhất vụ gián điệp tin học này với hàng tựa : «Kẻ cướp tại Elysée (phủ tổng thống Pháp) ». Tờ báo cho hay, chưa bao giờ hệ thống quản lý của Pháp lại là nạn nhân của một chiến dịch ăn trộm thông tin như lần này.

Theo nguồn tin của bộ Nội vụ, vụ tấn công của tin tặc kéo dài trong nhiều tuần nay đã lấy đi từ các địa chỉ nói trên những tài liệu chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G20 mà Pháp làm chủ tịch. Cụ thể là, các tài liệu liên quan đến chính sách tài chính đối ngoại của Pháp. Có điều khó hiểu, theo các chuyên gia, các tài liệu đó không đến mức được coi là bí mật quốc gia quan trọng. Theo một chuyên gia, chủ đề duy nhất có thể hấp dẫn các hacker trong vụ này xoay quanh cuộc chiến tiền tệ. Đây là một chủ đề nhạy cảm, vì « cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế » là một trong ba ưu tiên của hội nghị G20. Libération nhắc lại là, Trung Quốc vẫn bị tố cáo là cố tình ghìm giá đồng tiền của mình, để có lợi cho xuất khẩu của họ.

Vấn đề đặt ra là ai là thủ phạm chỉ đạo các cuộc tấn công này ?

Báo Paris Match hôm qua đã nhắc tới hướng nghi ngờ nhằm vào Trung Quốc. Mối ngờ này càng được củng cố, khi mà các cuộc tấn công tin học tương tự với Pháp cũng đã xảy ra với Canada cách đây không lâu, mà xuất phát điểm cũng là từ các máy tính đặt tại Trung Quốc. Theo một nguồn tin từ các nhà điều tra, « hướng nghi ngờ nhằm vào Trung Quốc không hẳn đã là sai », nhưng chuyện còn phức tạp hơn nhiều. Theo nguồn tin của Libération, cảnh sát điều tra tin chắc, đây là một vụ « gián điệp và đánh cắp ở cấp độ nhà nước ». Như vậy, khả năng tin tặc hoạt động đơn lẻ muốn chứng tỏ trình độ tin học của mình bị loại trừ và đằng sau các tin tặc, chắc hẳn có một hoặc nhiều quốc gia châu Á. Cuộc điều tra sẽ còn phải tốn nhiều thời gian và rất khó tìm ra được các bằng chứng cụ thể, vì các tin tặc sử dụng những kỹ thuật cực kỳ tinh vi, ẩn trong nhiều máy chủ đặt ở các nước khác nhau nhằm che dấu tung tích.

Phụ nữ và cuộc đấu tranh vì tự do trong thế giới Ả Rập

Hôm nay là ngày quốc tế phụ nữ mùng 8/3, vì thế mà các báo đều có những bài viết nói về vai trò của người phụ nữ trong xã hội ngày nay, đặc biệt là đối với phụ nữ ở các nước Ả Rập. Báo La Tribune giới thiệu với độc giả hồ sơ về những « phụ nữ đang hành động để giải phóng Ả Rập ». Nhật báo kinh tế này nhắc lại, cuộc nổi dậy đang làm rung chuyển thế giới Ả Rập được khởi sự từ hành động tuyệt vọng của một người đàn ông, chàng thanh niên Tunisia Mohammed Bouazizi, nhưng người ta đã chứng kiến được một điều : « tại Tunisia, Ai Cập, Bahrain hay Yemen, khắp nơi từ Bắc Phi đến Trung Đông phong trào nổi dậy có sự tham gia của cả đàn ông và đàn bà. Một sự lột xác thực sự về văn hóa lần đầu tiên cho phép cả hai giới cùng sát cánh bên nhau đấu tranh ». Báo La Croix cũng nhận thấy trong các cuộc đấu tranh ở những nước Ả Rập hiện nay « những người phụ nữ can đảm trên tuyến đầu », tựa của bài báo. La Croix đã giới thiệu với bạn đọc nhiều chân dung của các nhà đấu tranh cho tự do là phụ nữ, trong đó đặc biệt là bà Sihem Bensedrine, nhà báo và là người sáng lập viên của Hội đồng Quốc gia vì Tự do tại Tunisia.

Còn ở nước Pháp, cuộc đấu tranh vì sự công bằng giữa nam và nữ trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội đã đạt được những tiến bộ nhất định nhưng vẫn chưa đi tới đích. Báo L’Humanité khẳng định « Kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, hoàn cảnh của phụ nữ đã được cải thiện, tuy nhiên vấn đề bất bình đẳng về tiền lương giữa nam và nữ vẫn chưa được thu hẹp… Hơn bao giờ hết, lúc này phụ nữ vẫn là những người có đồng lương bấp bênh ».

Báo Les Echos đặt câu hỏi, « tại sao ở Pháp, 80% người có lương dưới mức tối thiểu lại là phụ nữ. Hay tại sao phụ nữ chiếm 60% số người có trình độ đại học nhưng lại chỉ chiếm 11% trong số các lãnh đạo ». Vẫn tồn tại sự phân biệt đối xử với phụ nữ, tại các công ty do nam giới lãnh đạo, đây là câu trả lời của tờ báo kinh tế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.