Vào nội dung chính
CHÂU Á - NHẬT BẢN - TRUNG QUỐC

Nhật Bản phản đối trực thăng Trung Quốc xâm phạm lãnh hải

Hôm nay, 08/03/2011,Tokyo cho biết đã phản đối với Bắc Kinh, về vụ trực thăng Trung Quốc bay sát các khu trục hạm của Nhật tại một địa điểm có nhiều trữ lượng khí đốt trên biển Hoa Đông, mà hai bên đang tranh chấp. Vụ một trực thăng mang huy hiệu của Văn phòng Hàng hải Trung Quốc, đã tiến sát chiến hạm Samidare khoảng 70 thước, xảy ra vào ngày hôm qua, chỉ một tuần sau khi Nhật Bản đưa máy bay chiến đấu truy đuổi hai chiếc máy bay của hải quân Trung Quốc xâm nhập vùng đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Các binh sĩ Hải quân Nhật Bản
Các binh sĩ Hải quân Nhật Bản (Ảnh : AFP)
Quảng cáo

Theo AFP, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Toshimi Kitazawa lên án động thái « cực kỳ nguy hiểm » kể trên và cho biết chính phủ Nhật đã phản đối hành động này của Trung Quốc « qua kênh ngoại giao và yêu cầu dự phòng mọi va chạm không thể dự báo trước xảy ra trong tương lai ».

Chiếc trực thăng của Trung Quốc tiến sát khu trục hạm Nhật Bản ở độ cao có 40 thước và chỉ cách tàu Nhật có 70 thước, trong khi khu trục hạm này đang tuần tiễu tại vùng biển có mỏ khí đốt, mang tên "Shirakaba" theo tiếng Nhật, còn Trung Quốc đặt tên là "Xuân Hiểu".

Năm vừa qua, Nhật Bản tố cáo Trung Quốc đơn phương tiến hành xây dựng cơ sở để khai thác đáy biển trong khu vực này bất chấp thỏa thuận hợp tác song phương đã được ký.

Cùng trong năm ngoái, Trung Quốc hai lần gởi trực thăng tiến sát vào các chiến hạm Nhật theo dõi hoạt động của Trung Quốc gần các đảo Nhật Bản.

Thứ tư tuần trước (02/03/2011), Nhật Bản đã đưa hai chiến đấu cơ ra truy đuổi hai máy bay của hải quân Trung Quốc xâm nhập vùng đảo Senkaku/Điều Ngư. Hai ngày sau, Tokyo cho biết phát hiện một tàu « ngư chính » Trung Quốc tiến gần khu vực này và chiếc tàu này đã quay lui khi bị hải quân Nhật cảnh cáo.

Trong những ngày qua, không phải chỉ có Nhật bản mà nhiều nước láng giềng khác của Trung Quốc đã dùng sức mạnh vũ trang để ngăn chận các hành động xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc. Đó là trường hợp của Hàn Quốc và Philippines.

Phía Việt Nam cũng lên tiếng phản đối hải quân Trung Quốc tập trận tại quần đảoTrường Sa.

Hôm nay, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc , bà Khương Du một lần nữa khẳng định điều mà Bắc Kinh gọi là « chủ quyền biển đảo không thể tranh cãi được của Trung Quốc » tại vùng biển « Nam Trung Hoa » và « chủ trương hòa bình, đối thoại » với các lân bang. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc kêu gọi nhưng không nêu tên « các nước khác cùng tôn trọng và ủng hộ nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng biện pháp ôn hòa, phát huy tình hữu nghị , hòa bình trong khu vực ».

 « Trung –Hàn đấu khẩu vụ tin tặc »

Cũng trong cuộc họp báo hôm nay, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc lên án Hàn Quốc « vô trách nhiệm », khi tuyên bố Trung Quốc là thủ phạm đợt tin tặc tấn công đánh cấp tài liệu mật của Hàn Quốc.

Hôm qua, dân biểu Hàn Quốc Shin Hak- Yong, thành viên của đảng Dân chủ đối lập và cũng là ủy viên Tiểu ban quốc phòng, đã gọi đích danh Trung Quốc là thủ phạm vụ tin tặc tấn công vào máy vi tính của bộ quốc phòng Hàn Quốc hồi tháng sáu năm ngoái. Tin tặc đã vào được các tài liệu mật liên quan đến chương trình mua máy bay trinh sát không người lái Global Hawk của Hoa Kỳ.

Phát ngôn viên của vị dân biểu này xác nhận lời tuyên bố của ông mà báo chí thuật lại ngày hôm trước, theo đó « một viên chức chính phủ chia sẻ thông tin này (với ông), chính phủ chưa đặt vấn đề với Trung Quốc, vì còn đang suy nghĩ cách xử lý ».

Sáng nay, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung quốc lên án « những người loan tin này là vô trách nhiệm, gây tổn thương cho hình ảnh của Trung Quốc », mà theo bà Khương Du là « một nước có luật lệ cấm tin tặc và bài trừ tội ác này ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.