Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - NGUYÊN TỬ

Tai nạn hạt nhân ở Nhật sẽ tác động đến các chương trình nguyên tử châu Á

Do những tai nạn hạt nhân ở Nhật, chính phủ của các nước châu Á đang phát triển năng lượng nguyên tử chắc sẽ chịu nhiều áp lực buộc phải giảm bớt những chương trình này. Tuy nhiên, trong tương lai gần, hàng chục nhà máy điện hạt nhân sẽ vẫn được xây dựng ở châu Á.

Ảnh chụp qua vệ tinh so sánh hình ảnh nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi ở phía bắc Tokyo vào ngày 21/11/2004 (trái) và  ngày 14/03/2011 sau khi lò phản ứng số 3 bị nổ do động đất và sóng thần.
Ảnh chụp qua vệ tinh so sánh hình ảnh nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi ở phía bắc Tokyo vào ngày 21/11/2004 (trái) và ngày 14/03/2011 sau khi lò phản ứng số 3 bị nổ do động đất và sóng thần. Reuters
Quảng cáo

Trong những năm gần đây, châu Á dẫn đầu thế giới về phát triển năng lượng hạt nhân vì các nước trong khu vực này tìm cách đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện đang tăng vọt cùng với đà tăng trưởng kinh tế, nhưng đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch. Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới ( World Nuclear Association ), trong số trên 62 nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng, có đến 60 nhà máy là ở châu Á.

Chỉ riêng ở Trung Quốc, nơi mà 27 nhà máy điện nguyên tử đang được xây dựng và 50 nhà máy khác được dự trù, Thứ trưởng Bộ Bảo vệ Môi trường của nước này vừa tuyên bố sẽ vẫn đẩy mạnh chương trình hạt nhân, mặc dù ở Nhật Bản đang có nguy cơ phóng xạ.

Một nước châu Á khác cũng đang đóng vai trò hàng đầu về điện nguyên tử là Hàn Quốc, trong tuần này cũng vừa cho biết vẫn quyết tâm theo đuổi tham vọng hạt nhân và sẽ đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ của họ.

Còn ở Việt Nam, hiện có kế hoạch xây tổng cộng 8 nhà máy hạt nhân trong vòng 20 năm tới, với nhà máy đầu tiên ở Ninh Thuận sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2014. Ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, cũng vừa trả lời hãng tin Dow Jones Newswires rằng tai nạn hạt nhân ở Nhật Bản sẽ không có ảnh hưởng gì đến các kế hoạch điện nguyên tử ở Việt Nam.

Nhưng dầu sao, nguy cơ một Tcherbonyl thứ hai tại Nhật Bản cũng sẽ giảm bớt đà phát triển điện nguyên tử ở châu Á. Các tổ chức bảo vệ môi trường sẽ lấy ví dụ của Nhật Bản để chứng minh cho những hiểm họa của năng lượng hạt nhân. Lập luận rất đơn giản: Người Nhật có tiếng là kỹ lưỡng nhất châu Á. Nếu họ mà còn không bảo đảm được an toàn cho các lò phản ứng hạt nhân thì đúng là rất đáng lo ngại.

Tại Ấn Độ, hôm qua, Thủ tướng Manmohan Singh đã ra lệnh kiểm tra an toàn của hai lò phản ứng hạt nhân hiện có ở nước này. Ngay cả Trung Quốc cũng cho biết sẽ “rút ra những bài học” từ cuộc khủng hoảng ở Nhật.

Một số quốc gia đang dự tính lao vào việc phát triển năng lượng hạt nhân thì bây giờ tỏ ra do dự. Chẳng hạn như Thủ tướng Abhisit Vejjajiva hôm Chủ nhật vừa qua tuyên bố với các phóng viên rằng : “Thái Lan đang nghiên cứu vấn đề này, nhưng những gì xảy ra ở Nhật Bản chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến quyết định có nên xây các nhà máy điện nguyên tử ở Thái Lan hay không”. Ở nước Malaysia láng giềng, cũng đang dự định xây hai nhà máy hạt nhân, chính quyền đang trấn an rằng phải mất ít nhất một thập kỷ các nhà máy đó mới hoàn tất, bởi vì họ sẽ phải nghiên cứu kỹ lưỡng, và họ sẽ không làm một cách bí mật mà sẽ thông báo công khai cho người dân.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.