Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - KINH TẾ - QUỐC TẾ

Lần đầu tiên từ 10 năm qua, các nước G7 giúp Nhật Bản hạ giá đồng Yên

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2000, các nước công nghiệp phát triển thuộc nhóm G7 đã quyết định cùng phối hợp can thiệp nhằm làm giảm giá đồng tiền của Nhật, đang bị tăng giá đột biến, kể từ sau vụ động đất lớn và gây lo ngại cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Việc đồng Yen tăng giá làm các thị trường lo ngại
Việc đồng Yen tăng giá làm các thị trường lo ngại Reuters/Jo Yong-Hak
Quảng cáo

Hôm nay, sau cuộc họp qua điện thoại với các bộ trưởng tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương của 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới, bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde cho AFP biết các nước thành viên của G7 gồm Đức, Canada, Hoa Kỳ, Pháp, Ý , Anh và Nhật Bản, đã quyết định phối hợp chặt chẽ với nhau để can thiệp vào thị trường để làm giảm giá đồng Yên.

Từ sau xảy ra động đất hôm 12/3, đồng yên Nhật Bản đã tăng giá mạnh, đặc biệt hôm qua tỷ giá đồng Yên đã tăng kỷ lục (76,36 yên/1 đô la Mỹ). Việc tăng giá này khiến cho các công ty Nhật Bản gặp thêm nhiều khó khăn trong khi họ đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của các tai họa liên tiếp.

Ngân hàng trung ương Nhật, từ đầu tuần này, cũng đã bắt đầu có các biện pháp can thiệp, bằng việc đã bơm thêm 36 nghìn tỷ yên, tương đương 324 tỷ euros vào thị trường tài chính. Trong khi đó, vẫn theo bộ trưởng Tài chính Pháp, người có sáng kiến mở cuộc họp qua điện thoại nói trên, thì hiện tại G7 chưa thể dự trù sẽ dùng bao nhiêu tiền để can thiệp vào thị trường, vả lại, con số này cũng sẽ không được công bố.

Tuy nhiên, quyết định phối hợp hành động của các nước G7 được đánh giá như là một cú hích. Bằng chứng là thị trường chứng khoán Tokyo đã tăng 2,72% trong phiên sáng nay, sau khi đã mất 16%, kể từ khi nước Nhật rơi vào tai họa liên tiếp động đất và đe dọa hạt nhân.

Các thị trường tài chính khác ở châu Á từ Hongkong, Thượng Hải, Seoul đến Sidney cũng có dấu hiệu tăng trở lại, dù ở mức độ còn khá khiêm tốn trên dưới 1%.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.