Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - NGUYÊN TỬ

Fukushima :Hệ thống điện đã được tái lập

Tại Nhật Bản, vào trưa nay 19/3, công ty điện lực Tepco thông báo đã hoàn thành trong việc nối lại dây cáp điện tại là phản ứng số 2 khu nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Đây là một bước tiến quan trọng và là một tín hiệu đáng mừng trong cuộc chạy đua với thời gian, đẩy lùi nguy cơ xảy ra một thảm họa nguyên tử.

Nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi nhìn từ trên không. Ảnh do trực thăng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chụp ngày 16/3/11.
Nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi nhìn từ trên không. Ảnh do trực thăng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chụp ngày 16/3/11. Reuters
Quảng cáo

Chính quyền Nhật hy vọng nội ngày mai 20/3, hệ thống bơm nước làm hạ nhiệt các lò phản ứng tại khu nhà máy sẽ được hoạt động trở lại và nhất là để làm nguội bồn nước có chưa các thanh nhiên liệu.

Từ Tokyo thông tín viên thường trực của đài RFI, Frédéric Charles cho biết thêm về tình hình tại chỗ.

Từ tám ngày qua, thế giới bên ngoài đều ví Nhật Bản như một Tchernobyl. Cũng trong tám ngày đó, các kỹ sư làm việc tại Fukushima luôn chứng minh điều ngược lại. Ngày hôm nay, họ đã thành công trong việc nối lại một dây cáp điện với nhà máy.

Hiện tại, họ phải thực hiện việc nối lại dây cáp điện với lò phản ứng số hai, lò ít bị hư hại nhất trong một lọat các lò bị hỏng bằng cách nối một đoạn cáp dài khoảng 1.5 km giữa lò phản ứng với hệ thống điện. Đây là một thao tác khó, do thỉnh thoảng các kỹ sư phải ngưng lại do mức độ phóng xạ có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của họ. Tại lò phản ứng số 5, một bơm nước đã có thể được khởi động lại do các kỹ sư sử dụng một máy phát điện chạy bằng diesel.

Phục hồi lại hệ thống điện là một việc, nhưng việc đảm bảo là hệ thống làm lạnh có hoạt động được hay không là một việc khác. Có lẽ hệ thống dẫn đã bị hư hỏng do động đất hoặc vụ nổ khí ga hydro tại lò phản ứng. Vì vậy, hiện nay chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ tưới nước lên nhà máy điện 24/24. Nghe thì có vẻ dễ, tuy nhiên đôi khi người ta khó có thể tiếp cận được nhà máy do mức độ phóng xạ xung quanh nhà máy điện rất cao.

Một dấu hiệu đáng mừng khác là tại lò phản ứng số 3, tình hình đã không bị xấu đi thêm. Suốt đêm qua, đội ngũ cứu hỏa Nhật Bản đã liên tục dội nước để làm nguội lò. Riêng tại hai lò số 5 và 6, các chuyên gia đã sửa xong máy bơm nước chạy bằng dầu diesel.

Tuy nhiên theo giới phân tích, còn quá sớm để cho rằng thảm họa nguyên tử đã thuộc về quá khứ. Đến 9 giờ sáng mai 20/3 giờ địa phương, Tepco cho hệ thống là hạ nhiệt các lò phản ứng chạy thử. Trong trường hợp thất bại có nhiều khả năng Nhật Bản sẽ tính đến giải pháp cuối cùng : dùng cát và bê-tông để chôn vùi luôn các lò phản ứng tương tự như kịch bản đã xảy ra cách nay 25 năm tại Tchernobyl.

Rau và sữa tại Fukushima bị nhiễm phóng xạ

Hôm nay phát ngôn viên chính phủ cho biết tin trên, đồng thời tìm cách trấn an dư luận và cho rằng trước mắt độ nhiễm không nguy hại đối với sức khỏe con người. Bộ Khoa học Nhật Bản cho biết nước máy tại Tokyo và một số các địa điểm khác cũng bị nhiễm phóng xạ, 77 becquerel /kg đối với chất muối iode và 1,6 becquerel/lg đối với chất cesium. Nhưng mức nhiễm nói trên còn rất thấp so với ngưỡng tối đa do Cơ quan An toàn Nguyên tử Nhật Bản quy định (theo thứ tự là 300 và 200 becquerel/kg).

Cách nay hai hôm Tokyo yêu cầu chính quyền địa phương tiến hành các cuộc thử nghiệm về mức độ phóng xạ, cung cấp đầy đủ thông tin về xuất xứ các địa điểm trồng rau, các nông trại chăn nuôi, sản xuất sữa bò. Chính quyền tỉnh Ibaraki ở phía bắc Fukushima ra lệnh cho nông dân tạm ngưng hái và bán rau đi các nơi khác. Nhà máy sữa tại Izumi cung cấp 7.300 tấn sữa một năm, cách nhà máy điện hạt nhân khoảng 60 cây số cũng đã hoàn toàn ngưng hoạt động.

Từ đầu tuần, Singapore, Ấn Độ, Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đã tuyên bố kiếm soát chặt chẽ độ an toàn lương thực, thực phẩm nhập từ Nhật Bản.

Ngoài ra kể từ đầu tai nạn hạt nhân Fukushima tới nay, hôm nay chính phủ Nhật kêu gọi dân chúng sống trong phạm vi 20 cây số quanh nhà máy điện nguyên tử nên uống thuốc iode đề phòng nhiễm xạ. Trong một thông cáo công bố vào hôm nay, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA cho biết mức phóng xạ tại khu nhà máy điện Fukushima đã được ổn định, tuy còn rất cao hơn so với bình thường. Riêng tại Tokyo, mức phóng xạ còn cao nhưng không còn nguy hiểm đối với sức khỏe con người.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.