Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Năng lượng quyết định tương lai Nhật Bản thời hậu thiên tai

Đăng ngày:

Ngày 11/03/2011, động đất với cường độ cực mạnh 9 độ Richter, kèm theo sóng thần với thác nước cao cả chục thước đã làm Nhật Bản chấn động. Hơn 10 ngày sau, thiệt hại vẫn chưa thể ước tính hết vì mức tàn phá quá lớn, hàng loạt trung tâm điện hạt nhân bị ngưng hoạt động và phóng xạ đe dọa nhiều vùng. Theo giới quan sát, ảnh hưởng về mặt kinh tế sẽ rất lớn cho cả nước Nhật lẫn thế giới.

Trung tâm hạt nhân Fukushima chụp từ ngoài khơi ngày 17/03/2011. (Từ trái qua phải là các lò phản ứng số 4, 3, 2, và 1).
Trung tâm hạt nhân Fukushima chụp từ ngoài khơi ngày 17/03/2011. (Từ trái qua phải là các lò phản ứng số 4, 3, 2, và 1). Reuters/Kyodo
Quảng cáo

Bên cạnh số người thiệt mạng và mất tích ước tính lên đến hàng chục ngàn người, và hơn nửa triệu người phải di tản, còn phải kể đến thiệt hại vật chất : nhiều ngôi làng kể như là biến mất hoàn toàn, nhiều thành phố chỉ còn là đống gạch vụn.

Tuy nhiên, nghiêm trọng nhất là việc cung cấp năng lượng cho cả nước, khi mà hàng loạt trung tâm điện lực hạt nhân đã bị hư hại nặng và nguy cơ phóng xạ vẫn đe doạ nhiều vùng rộng lớn.

Tác động của thảm họa sẽ vô cùng to lớn, không chỉ đối với Nhật, nơi hoạt động kinh tế đang tạm thời bị tê liệt, mà còn ảnh hưởng dây chuyền đến cả thế giới.

Trước mắt, do hoạt động kinh tế Nhật bị đình trệ, thị trường nguyên liệu thế giới đã bị biến động trong mấy ngày qua, và sẽ còn tiếp tục trồi sụt. Lý do cũng dễ hiểu : Nhật Bản là nước nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu để phục vụ cho ngành công nghiệp của mình.

Nghiêm trọng hơn nữa là lãnh vực thiết bị, linh kiện điện tử. Nguồn cung cấp từ Nhật giảm thiểu, do sản xuất bị ngưng trệ, đang tác hại đến giới công nghiệp trên thế giới, hầu như trong mọi ngành. Ví dụ trong ngành chế tạo xe hơi, từ tập đoàn Renault của Pháp cho đến General Motors của Mỹ và các chi nhánh của họ..., tất cả đều đã thông báo giảm lượng xe hơi sản xuất, hay tạm thời đóng cửa nhà máy.

Không chỉ có lãnh vực công nghiệp xe hơi, điện tử, ngành chuyên chở hàng không cũng bị tác động mạnh. Theo Hiệp hội Hàng không Quốc tế IATA, hoạt động hàng không sẽ giảm sút nghiêm trọng, ít ra là cho đến sau hè. Thị trường chuyên chở hàng không Nhật Bản lúc bình thường chiếm 6,5% thị trường thế giới.

Trong lãnh vực này, bị tác hại mạnh nhất hiện nay là những nước láng giềng Châu Á của Nhật, đứng đầu là Trung Quốc. Những chuyến bay đi và đến từ Nhật Bản chiếm 23% doanh số ngành hàng không Trung Quốc. Thị trường Hoa Kỳ cũng bị tác động nặng, với 12%, và ở Châu Âu, là Pháp.

World Bank lạc quan về triển vọng Nhật Bản hồi phục nhanh chóng

Ngân Hàng Thế Giới là định chế kinh tế có tầm cỡ đầu tiên đưa ra thẩm định sơ khởi về thiệt hại của đợt thiên tai đối với nền kinh tế Nhật Bản, cũng như ảnh hưởng đối với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là trên vùng Châu Á, cực phát triển năng động nhất hành tinh hiện nay…

Trong bản báo cáo công bố ngày 21/3, Ngân Hàng Thế Giới ước lượng là thiên tai động đất và sóng thần có thể làm cho nền kinh tế Nhật Bản mất đi 235 tỷ đô la, tương đương với khoảng 4% GDP của nền kinh tế thứ ba thế giới này. Do sự gắn bó chặt chẽ của kinh tế Nhật Bản với khu vực, cũng như với toàn thế giới, khó khăn từ Nhật có thể ảnh hưởng đến các nước Châu Á - Thái Bình Dương chung quanh và đến kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, Ngân Hàng Thế Giới vẫn tỏ vẻ lạc quan, cho rằng khó khăn kể trên chỉ là nhất thời, và công trường tái thiết khổng lồ mà Nhật Bản bị buộc phải mở ra sau đó sẽ trở thành động lực kéo nền kinh tế nước này vươn lên trở lại, thậm chí ngay từ giữa năm nay.

Báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới nhận định : "Căn cứ vào kinh nghiệm đã qua, tăng trưởng thực thụ của GDP Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực cho đến giữa năm 2011". Tuy nhiên, trong những quý sau đó, GDP Nhật Bản sẽ tăng trở lại "khi các nỗ lực tái thiết, có thể kéo dài 5 năm, bắt đầu tăng tốc".

Vấn đề năng lượng sẽ chi phối khả năng hồi phục của kinh tế Nhật

Không phải ai cũng chia sẻ quan điểm lạc quan nói trên. Trong bài phỏng vấn dành cho RFI, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại California (Hoa Kỳ) đã dự đoán nhiều khó khăn hơn cho nền kinh tế Nhật Bản, đặc biệt trong bối cảnh mà nguồn năng lượng hạt nhân, cung ứng cho một phần ba nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của họ, lại đang gặp vấn đề, trong lúc mà nguồn dầu thô nhập khẩu, cung cấp cho 60% còn lại, cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng do tình hình bấp bênh tại Trung Đông. 

09:55

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại California (Hoa Kỳ)

Đức Tâm

RFI: Xin kính chào anh Nghĩa. Thưa anh, một tuần đã qua sau khi thiên tai vùi dập Nhật Bản với một cơn địa chấn nhồi theo một đợt sóng thần vào khu vực Đông Bắc của xứ này. Bây giờ, liệu chúng ta đã có thể làm một kiểm điểm dù sơ khởi về hậu quả của thiên tai cho kinh tế Nhật hay chưa?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa khu vực Đông Bắc mà người Nhật gọi là Tohoku có ba tỉnh bị nạn, từ Bắc xuống Nam là Miyagi, Fukushima và Irabaki. Gần tâm chấn nhất là tỉnh Miyagi với thủ phủ là thành phố Sendai, và bị sóng thần tàn phá nhất là tỉnh Fukushima có thủ phủ mang cùng tên, và nơi bị nhẹ nhất là ở tỉnh Ibaraki cũng lại có mức tập trung công nghiệp cao nhất. Đó là về sơ kết ban đầu.

- Nhật Bản có thói quen thận trọng và kỹ lưỡng khi kiểm tra tổn thất nhân mạng, thí dụ như 10 năm sau trận động đất Kobe năm 1995, họ mới cho biết số tử vong. Cho nên ta chưa thể biết số người thiệt mạng, nhưng cũng phải là mấy vạn người.

- Thiệt hại về kinh tế thì tất nhiên là nặng vì cả một khu vực Đông Bắc rộng lớn với tám triệu dân sinh sống đã bị tàn phá, nhiều nhà máy bị tê liệt và trục lộ giao thông ở miền duyên hải bị sóng thần bóc sạch. Tuy nhiên, khu vực này không là một trung tâm công nghiệp lớn, với sản lượng kỹ nghệ chỉ bằng 7% toàn quốc mà cũng ít quan hệ đến cả chu trình sản xuất của các khu vực khác trên cả nước, cho nên ảnh hưởng dây chuyền cũng có giới hạn.

- Đáng chú ý là tỉnh Miyagi đóng góp 20% vào sản lượng gạo toàn quốc và một năm chỉ canh tác được một mùa Hè Thu nên khi ruộng đồng bị ngập mặn vì sóng thần thì tình hình lúa gạo năm tới sẽ khó khăn hơn. Cho đến nay, nếu có dự đoán tổn thất kinh tế ở khoảg 100 hay 200 tỷ đô là thì cũng chỉ là dự đoán thiếu cơ sở. Nhưng có ảnh hưởng trầm trọng, lâu dài và lan rộng chính là các trung tâm điện năng chạy bằng hạt nhân trong khu vực Tohoku.

RFI: Chúng ta đều biết rằng Nhật Bản gặp khó khăn kinh tế từ hai chục năm nay và năm qua còn bị Trung Quốc vượt mặt. Bây giờ, thưa anh sau địa chấn, sóng thần, Nhật Bản lại gặp hậu quả lâu dài và trầm trọng về năng lượng như anh vừa nói thì tình hình kinh tế sẽ ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Sau nạn bể bóng đầu tư 20 năm trước, Nhật Bản đã bị sáu trận suy trầm và nay mai có thể bị thêm trận thứ bảy. Đó là trên đại thể vì dù có lạc quan tin tưởng rằng nhờ tái thiết, kinh tế Nhật Bản sau này sẽ khá hơn trước, như họ đã tái thiết sau Thế chiến II để trở thành nền kinh tế thứ nhì của thế giới thì đó chỉ là sự lạc quan tếu! Thực tế thì mọi thiên tai đều gây tổn thất và đáng lẽ tiền bạc dùng cho việc tái thiết thì đã có thề dùng cho việc phát triển.

Một thí dụ là thiệt hại cho các doanh nghiệp bảo hiểm, vốn dĩ cũng là các tập đoàn đầu tư rất lớn. Họ sẽ mất tiền và phải tái phối trí lại việc đầu tư. Vì vậy, trên bình diện toàn quốc, nhu cầu cứu trợ và tái thiết sẽ dẫn tới tăng chi, tăng thuế và tăng lãi suất sau này. Nhưng hậu quả nghiêm trọng nhất về cả kinh tế lẫn chính trị là năng lượng nguyên tử hay hạt nhân...

RFI: Thưa anh vì sao anh lại nói đến hậu quả chính trị của hồ sơ năng lượng này ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Về câu hỏi này, tôi xin trình bày chuyện kinh tế trước, chuyện chính trị sau.

- Vì địa dư hình thể là quần đảo bị nhiều rặng núi chia cắt, Nhật Bản có chiến lược phân tán nguồn cung cấp điện năng để khu vực nào cũng có thể tự túc. Do 20 năm suy trầm liên tục yêu cầu về điện năng trên toàn quốc lại có giảm dần và nhiều khu vực chưa hoạt động hết công xuất nên vẫn còn dự trữ về cả điện lẫn nhiên liệu chạy mà máy điện là dầu khí. Vì vậy, ngay sau thiên tai thì khu vực nào cũng còn một chút khả năng cung cấp điện, nhất là khi số cầu lại tiết giảm vì nhiều cơ sở sản xuất bị tê liệt. Do đó mà có cầu về dầu thô có giảm và giá dầu chưa tăng trên thế giới. Chưa thôi, nhưng rồi sẽ tăng và tôi e rằng tăng mạnh khi mà cung cầu của thế giới đang ở vào tình trạng ngang ngửa vì kinh tế toàn cầu đang hồi phục mà nguồn cung cấp chính yếu là Trung Đông lại đang có vấn đề.

- Thứ nữa, cũng vì địa dư hình thể, Nhật Bản phải nhập khẩu hầu hết mọi loại nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất và nhập cảng dầu thô cho hơn 60% nhu cầu điện năng của mình. Để khỏi hoàn toàn lệ thuộc vào thế giới bên ngoài mà họ không thể kiểm soát nổi, Nhật phát triển kỹ nghệ điện năng bằng nguyên tử hay hạt nhân. Loại năng lượng tạm gọi là tự túc ấy cung cấp cho một phần ba của yêu cầu về năng lượng qua 55 lò phản ứng hạt nhân. Đó là dàn phòng thủ sau cùng mà cũng rất đặc biệt của một quốc gia đã từng bị bom nguyên tử.

- Bây giờ, vì cơn địa chấn và sóng thần, ngần ấy nhà máy hạt nhân đều phải tạm ngưng để rà soát mức an toàn và cải thiện khả năng chống thiên tai, trong khi ấy sáu lò hạch tâm của Fukushima Daiichi thì vẫn ở trong tình trạng khẩn cấp đầy nguy hiểm. Vì vậy, về kinh tế, Nhật sẽ lệ thuộc nhiều hơn vào nguồn dầu khí đắt đỏ và bấp bênh tại Trung Đông. Về chính trị, Nhật phải tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc đó, nghĩa là có những chọn lựa về ngoại giao và an ninh có thể làm thay đổi bộ mặt của thế giới trong một chục năm tới.

RFI: Câu hỏi cuối thưa anh, ảnh hưởng của những vấn đề này với kinh tế thế giới sẽ ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta chưa thể biết hết được vì biến cố vẫn còn quá mới, nhưng có thể suy đoán ra một số chuyển động ngầm sau đây:

- Thứ nhất, khi khủng hoảng bùng nổ, giới đầu tư Nhật lập tức hồi hương tư bản để lo chuyện cấp cứu và tái thiết ở nhà nên đồng Yen Nhật lên giá kỷ lục. Nhưng, Chính phủ sẽ phải tăng chi, Ngân hàng Trung nương phải bơm tiền và càng cần can thiệp vào thị trường ngoại hối vì đồng Yen lên giá gây bất lợi cho hệ thống sản xuất và xuất khẩu bề nào cũng co cụm. Hậu quả là đồng Yen có khi sụt giá trong những biến động bất ngờ và gây thêm bất ổn cho kinh tế thế giới vốn đang lo về hai chuyện là lạm phát và thương phẩm lên giá. Yêu cầu phối hợp giữa Hoa Kỳ, Âu Châu, Nhật Bản và Trung Quốc rất dễ dẫn tới bất đồng vì hoàn cảnh và mục tiêu khác biệt.

- Thứ hai dầu thô sẽ lên giá và ở mức cao trong một giai đoạn khá lâu và chỉ sụt mạnh khi kinh tế toàn cầu lại bị suy trầm lần nữa - là kịch bản mà ai cũng sợ.

- Thứ ba, một số quốc gia tân hưng, trước hết là Nam Hàn, Đài Loan và có thể cả Trung Quốc sẽ hy vọng trám vào khoảng trống do Nhật Bản để lại, nhưng phải là loại hàng cao cấp, là trường hợp Trung Quốc chưa có. Trái lại, chấn động về giá cả lương thực, dầu thô và quặng sắt có thể dội ngược về Trung Quốc và gây vấn đề nguy ngập cho chế độ.

- Thứ tư, tranh luận về năng lượng hạt nhân sẽ bùng nổ khi thế giới tưởng rằng hạt nhân đẩy lui nguy cơ nhiệt hóa địa cầu và hiệu ứng lồng kiếng. Tranh luận sẽ mạnh nhất là tại Âu Châu với Pháp và Đức ở hai vị trí trái ngược vì dân Đức vốn rất sợ hiểm họa nguyên tử. Trong hoàn cảnh cực kỳ nhạy cảm tại Âu Châu hiện nay, với mối lo về lạm phát, về đồng Euro, thì biến động ngoại hối và tranh luận về năng lượng sẽ chỉ gây thêm khó khăn cho Âu Châu.

- Sau cùng, dân Nhật sẽ khó chịu vì bị cả thế giới kết án về đủ tội, nào là giết hại cá voi, hủy hoại môi sinh với lò hạch tâm, nay lại còn gây nguy cơ phóng xạ. Họ thấy như bị bao vây, thậm chí bỏ rơi và không làm chủ được cuộc sống của mình trên quần đảo, Họ sẽ suy nghĩ khác về tương lai của nước Nhật.

- Có thể với nỗ lực vượt bậc về công nghệ để tái phục hưng một quốc gia có dân số bị lão hóa và vừa mất một thế hệ bị suy trầm kinh tế. Họ cũng có thể nghĩ đến một vị trí khác của nước Nhật để không xứ nào khả dĩ gây sức ép như trước. Hậu quả ra sao thì chưa ai biết, nhưng nhớ lại kinh nghiệm của thế kỷ 20 với nước Nhật thì ta nên thận trọng !

RFI: Đài Phát thanh Pháp quốc xin cảm ơn anh Nguyễn Xuân Nghĩa

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.