Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - HẠT NHÂN

Mỹ, Pháp giúp Nhật Bản xử lý sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima

Vào lúc nước biển ở ngoài khơi nhà máy điện hạt nhân Fukushima có tỷ lệ nhiễm phóng xạ cao hơn 3000 lần mức cho phép, hôm nay 30/03/2011, phát ngôn viên chính phủ Nhật thừa nhận : "Chúng tôi đang nghiên cứu các biện pháp khác nhau, nhưng vào thời điểm này, chúng tôi không thể nói được rằng là khi nào thì sẽ lại làm chủ được tình hình".

Một nhân viên dùng máy đo mức nhiễm phóng xạ cách Fukushima 40km (Reuters)
Một nhân viên dùng máy đo mức nhiễm phóng xạ cách Fukushima 40km (Reuters)
Quảng cáo

Trong bối cảnh đó, Mỹ và Pháp tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ Nhật Bản và chính quyền Tokyo đã chấp nhận sự hỗ trợ này. 

Theo thông tin mới nhất từ phía TEPCO, tập đoàn khai thác nhà máy điện Fukushima, trong số 6 lò phản ứng tại nhà máy này, các chuyên gia mới chỉ khống chế được lò số 5 và 6. Bốn lò còn lại, thì coi như bỏ đi, tình hình không ổn định. Vấn đề đáng lo ngại nhất là các thanh nhiên liệu ở lò số 1, 2 và 3 bị hư hỏng và có rò rỉ phóng xạ với mức độ rất cao.

Hôm qua, thủ tướng Nhật Bản, Naoto Kan đã điện đàm với tổng thống Mỹ Barack Obama. Lãnh đạo hai nước khẳng định lại tầm quan trọng của sự họp tác chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản để đối phó với cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay.

Bộ Năng lượng Mỹ dự tính gửi đến Nhật Bản các robot - người máy – đặc chủng, có thể làm việc trong môi trường phóng xạ rất cao, đi sâu vào khu vực gần tâm lò, để thu thập các thông tin cần thiết. Bên cạnh đó, tổng thống Mỹ còn hứa giúp đỡ các nạn nhân ngay lập tức và kể cả về lâu dài.

Trong khi đó, tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy, sẽ tới thăm Nhật Bản vào ngày mai để bày tỏ tình liên đới với nhân dân Nhật Bản. Ông sẽ là nguyên thủ quốc gia đầu tiên tới xứ hoa anh đào kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần, ngày 11/03 vừa qua.

Sau nhiều ngày tìm mọi cách tự xử lý, ngày 28/03 vừa qua, TEPCO đã buộc phải kêu gọi đến sự hỗ trợ của các chuyên gia thuộc các tập đoàn lớn của Pháp như công ty điện lực EDF, công ty năng lượng hạt nhân Aréva, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Pháp, CEA. Trước đó, ngày 18/03, EDF đã thông báo gửi tới Nhật Bản 130 tấn thiết bị chuyên dụng, trong đó có robot có thể làm việc thay thế cho người tại những nơi có tai nạn hạt nhân.

Các chuyên gia Nhật Bản đứng trước một vấn đề rất khó giải quyết : Họ phải tìm mọi cách bơm nước vào để làm nguội các lò phản ứng. Thế nhưng, vỏ bọc lò và hồ chứa nước làm nguội lại bị nổ vỡ hoặc rạn nứt, do vậy, nước bơm vào bị nhiễm phóng xạ sẽ tràn ra ngoài, thẩm thấu xuống các mạch nước ngầm. Nếu dừng bơm nước, thì nhiệt độ trong các lò lại tăng cao.

Cơ quan An toàn Hạt nhân Nhật Bản cho biết là trước tình hình chưa từng có này, cần phải nghĩ đến những giải pháp đặc biệt, khác hẳn với những phương pháp vẫn được áp dụng cho đến nay.

Theo báo chí Nhật Bản, có nhiều phương án đã được đưa ra. Tờ Asahi Shimbun cho biết là các chuyên gia có thể dùng một loại nguyên liệu đặc biệt phủ lên toàn bộ các cơ sở bị hư hại, qua đó, hạn chế được mức độ bốc hơi nước bị nhiễm phóng xạ. Một giải pháp khác là điều một tàu chở dầu cỡ lớn đến gần khu vực các lò từ số 1 đến số 4, để hút nước bị nhiễm phóng xạ cao trong các phòng máy và đường hầm gần lò số 2. Có như vậy, các chuyên gia mới vào được khu vực này để trực tiếp xử lý sự cố.

Việc phát hiện ra chất plutonium tại năm nơi gần nhà máy Fukushima và mức độ tích tụ iode bị phóng xạ và chất cesium trong nước biển đã gây ra nhiều lo ngại về nguy cơ ô nhiễm nặng nề môi trường, rau quả và hải sản.

Ngày hôm qua, thủ tướng Nhật Bản thừa nhận là không thể dự báo được tình hình tại Fukushima. Ông cũng nói là chính phủ đang làm việc trong tình trạng báo động tối đa để tránh một thảm họa môi trường.

Nếu tính theo số nhà máy và số lò phản ứng nguyên tử, thì Hoa Kỳ là cường quốc số một về điện hạt nhân (70 nhà máy, 104 lò), đứng thứ hai là Pháp (19 nhà máy, 58 lò) và thứ ba là Nhật Bản (17 nhà máy, 54 lò). Việc Nhật Bản, cường quốc về kinh tế và công nghệ, phải cầu cứu sự hỗ trợ của Mỹ và Pháp cho thấy, điện hạt nhân là một ngành công nghiệp đầy rủi ro, hiểm họa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.