Vào nội dung chính
CAM BỐT

Các nạn nhân tên đồ tể Khmer Đỏ Duch đòi phải được bồi thường

Gia đình các nạn nhân của tên đồ tể Khmer Đỏ Duch, nguyên trưởng trại tra tấn Tuong Sleng, và một số nạn nhân còn sống sót hiếm hoi, vào ngày cuối của phiên tòa phúc thẩm hôm thứ Tư 31/3 đã đòi hỏi phải có những biện pháp bồi thường thỏa đáng hơn cho họ.

Kaing Guek Eav, biệt danh Duch, nguyên trưởng trại tù Tung Sleng nổi tiếng dưới chế độ Khmer Đỏ, trước Tòa án đặc biệt tại Cam Bốt ngày 29/3/11.
Kaing Guek Eav, biệt danh Duch, nguyên trưởng trại tù Tung Sleng nổi tiếng dưới chế độ Khmer Đỏ, trước Tòa án đặc biệt tại Cam Bốt ngày 29/3/11. Reuters
Quảng cáo

Bị kết án 30 năm tù vào tháng 7/2010, hôm khai mạc phiên phúc thẩm Tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ vào đầu tuần, Duch lại đòi phải được trả tự do, cho rằng mình chỉ là người thừa hành lệnh cấp trên.

Theo một luật sư đại diện cho nhiều nạn nhân, đây là cơ hội cuối cùng để các nguyên đơn đòi cho được công lý, trước khi tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng vào tháng Sáu tới. Cho dù yêu cầu bồi thường về tài chính bị bác bỏ, họ mong muốn có những hình thức bồi thường khác như xây đài tưởng niệm, hỗ trợ tâm lý miễn phí.

Thông tín viên Phạm Phan từ Phnom Penh cho biết thêm một số thông tin về vấn đề này.

Trong 3 ngày từ thứ Hai đến thứ Tư tuần này, Tòa án xử Tội ác Khmer Đỏ mở phiên xem xét đơn kháng án của bị cáo Duch.Trong phần ý kiến vào ngày cuối, Duch vẫn lì lợm nói đương sự vô tội. Duch cho rằng, chính những kẻ cầm đầu chế độ Khmer Đỏ là những người chịu trách nhiệm về tội thảm sát dân lành, còn bị cáo chỉ là kẻ thừa hành sai đâu đánh đó, giống như thiên lôi, và nếu Duch không tuân lịnh cũng bị cấp trên giết chết.

Duch nhấn mạnh đương sự tồn tại cho đến ngày nay chỉ vì biết tôn trọng và chấp hành lịnh kẻ cầm đầu bộ máy đảng.

Quá khứ tội ác của Duch

Trong hồ sơ của Trung tâm Tài liệu Cam Bốt ghi lại rằng, các tù nhân bị mang đến Tuol Sleng đều bị phỏng đoán là có tội. Ngay cả nếu bị bắt lầm, họ cũng bị giết chết để giữ bí mật nhà tù. Nhiều công việc trong nhà tù can hệ đến hoạt động thanh trừng nội bộ làm suy yếu chế độ cộng sản. Nhiều người bị bắt giữ, không được thông báo cho biết đã có tội trạng gì nhưng họ bị ép cung để tự thú đã phạm tội ác, trong bản cung cưỡng ép rất dài, thường là hàng trăm trang. Nhiều cuộc bắt giữ diễn ra dựa trên căn bản tên tuổi mà tù nhân khai ra khi họ bị đánh đập, và sau đó còn có nhiều vụ bắt giam thân nhân trong gia đình và người liên hệ của các tù nhân mới, trong mạng lưới mở rộng với cố gắng nhổ sạch những người bị cho là “kẻ thù của nhân dân”, “kẻ thù của cách mạng” hay “âm mưu lật đổ chế độ”. Đây là tội danh được sử dụng từ khi Lênin cướp được chính quyền ở Nga năm 1917, và sau đó các nước cộng sản đàn em đã bắt chước một cách máy móc để kết tội bất cứ ai có ý kiến khác với Đảng cộng sản.

Theo bản buộc tội trong trại tra tấn S-21, Duch nói các cấp chỉ huy của đương sự luôn luôn ra lịnh phải bắt giữ những người liên hệ. Các nhân chứng cho biết Duch chỉ cho họ các phương pháp tra khảo gồm đánh đập, cho điện giựt, trùm bao nhựa vào đầu tù nhân cho ngộp thở và rút móng tay, móng chân.

Trong bản khai báo, Duch cho biết đã giới thiệu 3 phương pháp tra tấn trong nhà tù, đó là “nóng”, “lạnh”, và “nhai”. Phương pháp “lạnh” sử dụng tuyên truyền, không tra tấn hay sỉ nhục. Phương pháp “nóng” gồm hành động đánh đập, hạ nhục và các kiểu tra tấn khác được cho phép theo quy định. Phương pháp “nhai” là hành động giải thích nhẹ nhàng đối với người bị thẩm vấn, tiếp tục mời gọi họ viết bản tự thú.

Các nhân chứng nói với các nhà điều tra rằng các kiểu tra tấn khác được mang ra áp dụng nếu phương pháp “nhai” không thành công trong thời gian hai hay ba ngày.

Theo lời khai của một nhân chứng, Duch có tham dự vào cuộc lấy khẩu cung một phụ nữ, bà ta bị lột hết quần áo lót và bị đánh suốt đêm. Theo nhân chứng này, Duch đánh phụ nữ đó cho đến lúc mỏi tay chân, sau đó ra lịnh cho một cán bộ đảng tiếp tục đánh nạn nhân.

Các cuộc hỏi cung theo bảng thời gian như sau: 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa, 2 giờ trưa đến 5 giờ chiều, 7 giờ tối đến 11 giờ khuya. Nhưng thời gian thẩm vấn cũng có thể kéo dài đến nửa đêm, đôi khi trong vài ngày, cho tới khi nào nạn nhân đồng ý tự thú vì không chịu nổi cảnh tra khảo.

Công tố viên đòi kết án chung thân

Trong khi bị cáo Duch đòi xin được tha tội, thì công tố viên ngược lại không đồng ý bản án 35 năm mà tòa phán quyết cho Duch hồi năm ngoái. Đồng Công tố viên Andrew Cayley tố cáo Duch không thành thật hối hận, và yêu cầu tòa phải tăng án lên mức chung thân, nhưng có thể giảm xuống còn 45 năm bởi vì Duch đã bị tạm giam 10 năm trước đó. Công tố viên Andrew Cayley nói các ý kiến của Duch hôm thứ Tư là không có ý nghĩa.

Duch hồi năm ngoái đã bị tòa kết tội chống lại nhân loại và vi phạm trầm trọng Công ước Geneva.

Nạn nhân đòi đền bù

Trong phiên tòa kéo dài ba ngày đầu tuần này, các nạn nhân cũng đã lên tiếng về việc kháng án của Duch, cũng như bày tỏ sự không hài lòng về phán quyết của tòa vào phiên xử cuối dành cho Duch hồi năm rồi, trong phần nói về phía dân sự bao gồm các nạn nhân may mắn còn sống sót, và thân nhân họ.

Luật sư Kim Mengkhy đại diện cho phía dân sự nói, đề nghị thu thập các phát biểu của Duch tại tòa và cho công bố trong xã hội không được đầy đủ, cạnh đó tên tuổi các nạn nhân được in trên các phương tiện truyền thông còn thiếu sót. Luật sư Mengkhy cho rằng những lời xin lỗi của Duch không thành thật.

Phía dân sự đưa ra đề nghị xây một tháp tưởng niệm nạn nhân tại trại S -21, và đề nghị chính quyền dành cho một ngày lễ trong toàn quốc để tưởng nhớ đến nạn nhân bị Khmer Đỏ tàn sát. Phiên tòa năm ngoái đưa ra quyết định là các đề nghị của bên dân sự nằm ngoài quyền hạn của tòa, tuy nhiên tòa nói trong các phiên xử sau này sẽ dành cho thẩm phán quyết định thêm các khoản bồi thường cho nạn nhân.

Ông Bou Meng, nhân vật nổi bật phía bên dân sự tham dự Tòa án Khmer Đỏ, một trong vài nạn nhân may mắn sống còn tại Tuol Sleng nói ông không mủi lòng khi Duch tỏ ý ăn năn, hối cải và xin tha tội, và dù Duch chỉ nhận lịnh hay là người thi hành, thì đương sự cũng phải bị trừng phạt cho đáng tội vì quá dã man.

Trích nhật ký của một nạn nhân sống sót

Dưới đây là những trích đoạn trong nhật ký họa sĩ Vann Nath, người may mắn sống sót từ ngục tù Khmer Đỏ ghê rợn, trại S-21:

Ngày 17/3/1971

Hôm nay là ngày hạnh phúc nhất đời! Vợ vừa mới sinh đứa con trai đầu lòng. Tôi cực kỳ hồi hộp trong cảm giác sau cùng mình đã trở thành người cha. Tôi đã gặp người vợ yêu mến Kith Eng và công việc kinh doanh các họa phẩm của chúng tôi trở nên phát đạt. Hiện tại tôi không còn nghĩ cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn điều đang được hưởng…

Ngày 7/1/1978

Tôi hoảng hốt và kinh sợ. Trong khi nghỉ giải lao sau giờ vẽ, tôi đi ra đồng tìm thư giản tâm trí cũng như sẵn đấy bắt tay làm việc, tuy nhiên có một toán lính Khmer Đỏ đến bắt giải tôi vào chỗ tạm giam, chùa Kandel, nơi tôi thường đi cúng bái vào ngày lễ, đây được coi như ngôi đền cũ trong làng chúng tôi.

Khi bị dẫn vào chùa, họ bảo tôi đã bị tố cáo vi phạm nguyên tắc đạo đức, là nhân viên tình báo CIA. Sau đó tôi bị thẩm vấn và được khuyên phải tự thú đã làm CIA. Tôi rất bối rối bởi vì không biết bất kỳ ai trong tổ chức CIA. Khi tôi không nói bất cứ điều gì, họ bắt đầu tra tấn và dùng dây điện chích vào người. Tôi bất tỉnh khá lâu, và vẫn không hiểu tại sao mình lại bị giam trong chùa.

Tôi lo sợ, không chỉ cho chính mình nhưng đặc biệt lo sợ cho gia đình. Hy vọng vợ con tôi không bị bắt và bị tra tấn…

Ngày 17/12/1979

Không có lời nào diễn tả hết những khuây khỏa trong tâm trí tôi khi biết tin Pol Pot đã bỏ trốn vào rừng. Sau khi Khmer Đỏ thất bại và rút khỏi Phnom Penh, tôi không muốn theo đuổi nghề họa nữa vì làm tôi hồi tưởng những đau đớn, kinh hoàng về nhà tù S-21, điều này không bao giờ quên được. Nhưng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm bản thân với công chúng, để mọi người hiểu được sự chịu đựng của các tù nhân khác, cũng như của chính tôi khi bị giam tại S-21.

Khi được biết S-21 sắp trở thành Viện bảo tàng tưởng niệm các nạn nhân chế độ diệt chủng, tôi thấy cần phải làm việc gì đó để đóng góp. Tôi quyết định vẽ các bức tranh mô tả những điều chính mình chứng kiến trong nhà tù, để thế hệ tương lai hiểu biết được những gì đã xảy ra tại đây. Tôi cực kỳ may mắn là một trong vài người còn sống sót tại S-2,1 và phải nỗ lực mang khả năng hội họa có được để làm tròn bổn phận.

08:43

Thông tín viên Phạm Phan - Phnom Penh

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.