Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - PHƯƠNG TÂY - NHÂN QUYỀN

Phương Tây phản đối Trung Quốc bắt giam nhà ly khai Ngải Vị Vị

Hai ngày sau khi họa sĩ Ngải Vị Vị (Ai Weiwei) mất tích tại phi trường Bắc Kinh, các cường quốc Tây phương và tổ chức nhân quyền tỏ thái độ phẫn nộ. Họ kêu gọi Bắc Kinh phải trả tự do cho người đi tiên phong trong nghệ thuật hiện đại và cũng là một nhà dân chủ kiên cường. Thuộc thành phần « con giòng cháu giống của chế độ », cha là nhà thơ nổi tiếng Ngải Thanh, bộ trưởng văn hóa trong chính quyền Mao Trạch Đông, danh họa 53 tuổi này đã nhiều lần lên án chế độ chính trị « phi nhân » tại Trung Quốc, nhất là từ khi hàng ngàn học sinh bị thiệt mạng trong cuộc động đất tại Tứ Xuyên.

Nghệ sĩ Ngải Vị Vị (Ai Weiwei)
Nghệ sĩ Ngải Vị Vị (Ai Weiwei) Reuters
Quảng cáo

Ngải Vị Vị đang bị giam ở đâu ?

Họa sĩ phản kháng đã mất tích từ hôm chủ nhật 3/4/2011 tại phi trường Bắc Kinh, khi ông cùng các trợ lý sắp lên đường đi Hồng Kông.

Trong 24 giờ qua, chính phủ Mỹ, Anh, Pháp, Đức yêu cầu Trung Quốc trả tự do cho nhà ly khai từng lên án chế độ « phi nhân » của Bắc Kinh. Đại sứ Liên Hiệp Châu Âu tại Bắc Kinh, Markus Ederer, lưu ý Trung Quốc « không được sử dụng biện pháp giam cầm trái phép, bất kể là trong tình huống nào ». Ân xá Quốc tế và nhiều tổ chức khác đã lên tiếng kêu gọi tự do cho Ngải Vị Vị.

Theo AFP, Bộ ngoại giao Trung Quốc và Công an từ chối bình luận về vụ « mất tích » này. Nhưng từ chủ nhật, an ninh đã bao vây nhà riêng và xưởng vẽ của danh họa lục soát tịch thu máy vi tính và nhiều vật dụng khác. Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc đặt cơ sở tại Hồng Kông cho biết thêm có bốn nghệ sĩ nghệ thuật hiện đại bị bắt trong đợt trấn áp chống « cách mạng Hoa Lài ».

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường thuật :

"Không một câu trả lời, khi nghe nói đến tên Ngải Vị Vị, thì điện thoại bị cúp ngay. Rõ ràng là công an khu vực đã được lệnh im lặng.

Thế nhưng nơi ở của nhà danh họa lại bị kiểm kê, khám xét hồi chiều chủ nhật. Phòng tranh của ông cũng bị lục soát. Người vợ của ông thuật lại là công an « đã lục lạo khắp nơi, lấy đi máy vi tính và nhiều vật dụng ». Vài giờ trước đó, Ngải Vị Vị đến phi trường Bắc Kinh lấy máy bay đi Hồng Kông. Trợ lý của ông qua hải quan trước. Các nhân viên nói liền « ông không nên chờ Ngải Vị Vị, ông ta có chuyện phải giải quyết ». Từ giờ phút đó đến hôm nay nhà ly khai bặt vô âm tín.

Trước khi bị bắt máy hôm, ông thổ lộ là bị xách nhiễu thường xuyên nên có ý sang Đức sáng tác. Là một nghệ sĩ có nhiều tác phẩm triển lãm ở nước ngoài và được mến mộ, Ngải Vị Vị còn là một nhà dân chủ kiên quyết. Ông không ngần ngại ủng hộ giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba và đã bị chận không cho lên máy bay khi ông tìm cách sang Thụy Điển tham dự lễ trao giải thưởng. Tuy phòng tranh của ông ở Thượng Hải bị phá hoại và bị truy bức thường xuyên nhưng cho đến giờ con trai của cựu bộ trưởng văn hóa thời Mao chưa bao giờ bị kết án.

Hàng chục nhà dân chủ Trung Quốc bị bắt hoặc bị quản thúc trong những tuần lễ qua. Bắc Kinh e ngại phong trào nổi dậy trong thế giới Ả Rập lan đến Hoa Lục."

Trước năm 2008, tài năng của Ngải Vị Vị rất được chế độ chiều chuộng. Ông tham gia vào công trình xây dựng Vận động trường « tổ chim » đón tiếp Thế vận hội mùa hè.

Nhưng ông bắt đầu gặp vấn đề với chính quyền từ sau vụ động đất tại Tứ Xuyên. Ngải Vị Vị đi tiên phong điều tra, để làm sáng tỏ vấn đề, tại sao trường học sụp đổ giết hại hàng ngàn học sinh, mà cơ quan đảng và nhà nước thì vẫn đứng vững. Khi phiên tòa diễn ra tại Tứ Xuyên, xử một người dân kiện cáo chính quyền tham ô, Ngải Vị Vị bị công an câu lưu, đánh đập không cho ông ra tòa làm nhân chứng.

Từ vụ việc này, ông lên án chế độ Trung Quốc « không có tình người ». Cũng trong thời gian này, Ngải Vị Vị ủng hộ Hiến chương 08 do Lưu Hiểu Ba và 300 nhà tranh đấu, trí thức, nghệ sĩ tiên phong ký tên. Tháng 11 năm ngoái, ông đưa ra lời kêu gọi « phong trào công dân », điều tra các vụ án mờ ám điển hình là vụ cháy ở Thượng Hải, thiêu sống 58 người.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.