Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - FUKUSHIMA

Nhật đã trám được chỗ rò rỉ nước nhiễm phóng xạ tại Fukushima

Vào hôm nay, 06/04/2011, TEPCO, tập đoàn quản lý nhà máy điện nguyên tử Fukushima đã loan báo việc họ bịt kín được lỗ hổng tại lò phản ứng số 2, nơi nước nhiễm xạ độc hại thất thoát ra biển. Trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng gia tăng trước nguy cơ nước biển bị nhiễm phóng xạ, đây là một tin tốt lành hiếm hoi.

Một công nhân đang chỉ cho thấy đường nứt bê tông gần lò phản ứng số 2 của nhà máy điện nguyên tử Fukushima, ngày 2/4/11.
Một công nhân đang chỉ cho thấy đường nứt bê tông gần lò phản ứng số 2 của nhà máy điện nguyên tử Fukushima, ngày 2/4/11. Reuters
Quảng cáo

Theo TEPCO, lỗ rò rộng chừng 20 centimet, đã được trám bằng cách bơm loại hóa chất được gọi là “thủy tinh lỏng”, để làm đông đặc khu đất gần bể chứa, nơi nước nhiễm phóng xạ chảy ra biển. Loại nước này có nồng độ phóng xạ cực cao - trên 1.000 millisievert - nên được cho là rất độc hại, vì có thể làm cho mức độ phóng xạ Iode 131 trong nước biển tăng cao hơn 4.000 lần so với mức cho phép.

Theo thông tín viên Frédéric Charles tại Tokyo, đây là thành công đầu tiên của TEPCO sau nhiều lần thử nghiệm thất bại.

“Các kỹ thuật viên của nhà máy điện nguyên tử Fukushima đã bít kín được lỗ hổng 20 centimet trong bức tường của một “hố kỹ thuật” nằm gần sát biển, và nối liền với lò phản ứng số 2. Lỗ hổng này được trám với thủy tinh lỏng và chất làm cứng. Trước đó, TEPCO đã thử bịt chỗ nứt bằng bê tông, bằng chất pôlyme hút nước, giấy báo và mùn cưa, nhưng đều thất bại.

Một khối lượng 60.000 tấn nước nhiễm phóng xạ nồng độ cao đã đọng lại trong nhà máy Fukushima, từ khi 6 lò phản ứng tại đây được tưới với nước biển để làm nguội.

Vấn đề trữ nước nhiễm phóng xạ đang là mối đau đầu của TEPCO. Tập đoàn này đã yêu cầu Nga cho mượn một nhà máy nổi đang được dùng để xử lý nước nhiễm phóng xạ. Nhà máy đó sẽ đến từ Vladivostok.

TEPCO cũng sẽ cho xây những bồn nước có sức chứa tương đương với 6 bể bơi có kích thước của hồ bơi thế vận. Nhiều chiếc tàu chở dầu không lồ cũng sẽ được sử dụng để trữ nước bị nhiễm xạ.

Tập đoàn Nhật Bản cũng đã bắt đầu trả tiền bồi thường tại 10 thành phố. Tại một thành phố , mỗi cư dân được nhận khoảng tiền tương đương với 9 euros. Một thành phố khác thì đã từ chối không nhận bồi thường để dễ bề chỉ trích TEPCO”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.