Vào nội dung chính
HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Mỹ chỉ trích TQ vì đàn áp tu viện Tây Tạng Kirti

Ngày hôm qua 14/4, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên tiếng phê phán Bắc Kinh về việc dùng lực lượng an ninh đàn áp người theo Phật giáo Tây Tạng tại khu vực tu viện Kirti, thuộc tỉnh Tứ Xuyên (miền tây nam Trung Quốc), là nơi có một nhà sư tự thiêu cách đây một tháng.

Tu viện Kirti ở Tây Tạng.
Tu viện Kirti ở Tây Tạng. Nguồn: wikipedia
Quảng cáo

Công an Trung Quốc đã ngăn cản không cho dân chúng cung cấp thực phẩm cho tu viện, nơi có khoảng 2.000 sư sãi.

Ngày thứ Tư 13/4, theo thông báo của Hiệp hội Quốc tế ủng hộ Tây Tạng ( International Campaign for Tibet - ICT), đụng độ đã nổ ra giữa các cư dân sống cạnh tu viện Kirti với các lực lượng an ninh. Công an Trung Quốc đã thả chó và đánh đập các cư dân sống xung quanh tu viện. Toàn bộ khu vực xung quanh đã được rào thêm dây thép gai.

Hãng thông tấn AFP cho biết, đường liên lạc điện thoại với tu viện đã bị cắt đứt cũng trong ngày thứ Tư, và các lực lượng an ninh đã không trả lời các cuộc điện thoại của AFP. Tình hình tại tu viện Kirti trở nên căng thẳng từ một tháng nay, sau khi một nhà sư tự thiêu đúng vào ngày 16/3, nhân dịp kỷ niệm ngày nổ ra phong trào phản kháng đầu năm 2008, tại Lhassa.

Xin nhắc lại là các cuộc biểu tình tại thủ phủ Tây Tạng năm 2008 đã bị chính quyền đàn áp khốc liệt. Hiện tại chưa có kết luận cuối cùng về con số thương vong. Theo tuyên bố của chính phủ Tây Tạng lưu vong vào tháng 4/2008, có khoảng 200 người đã bị thiệt mạng, 1.000 người bị thương và khoảng 5.000 người bị bắt giam. Đây là đợt đàn áp đẫm máu nhất tại Tây Tạng trong vòng 20 năm nay.

Nhà sư tự thiêu tại tu viện Kirti tháng 3 vừa qua là vị sư thứ hai của tu viện này đã dùng đến cách phản kháng hết sức quyết liệt trên, kể từ 2008. Đầu năm 2009, công an Trung Quốc đã bắn chết một nhà sư, khi ông vừa mới châm lửa tự thiêu, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Đức Đạt Lai Lạt Ma rời Tây Tạng đi lưu vong.

Khẳng định là đã giải phóng Tây Tạng một cách hòa bình vào năm 1951, Bắc Kinh hiện kiểm soát rất chặt khu tự trị Tây Tạng, cũng như các tỉnh lân cận, nơi có nhiều cư dân Tây Tạng sinh sống.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.