Vào nội dung chính
LÀO - THỦY ĐIỆN

Xayaburi: Lào xây đập, Trung Quốc hưởng lợi ?

Phải chăng chính quyền Lào đã sẵn sàng phớt lờ ý kiến phản đối kế hoạch của họ, muốn khởi công ngay việc xây đập Xayaburi ? Căn cứ vào tuyên bố hôm 22/4 của tập đoàn xây dựng Ch Karnang, được báo chí Thái Lan trích dẫn, thì Viêng Chăn đã dứt khoát cho tiến hành việc xây đập, và việc tham khảo ý kiến các nước Việt Nam, Cam Bốt và Thái Lan chỉ là hình thức mà thôi. Theo giới quan sát, nếu Lào thực sự xúc tiến việc xây đập, Trung Quốc là nước mặc nhiên được lợi.

Biểu tình trước đại sứ quán Lào tại Bangkok chống việc xây dựng đập thủy điện Xayaburi ngày 18/4/11.
Biểu tình trước đại sứ quán Lào tại Bangkok chống việc xây dựng đập thủy điện Xayaburi ngày 18/4/11. DR
Quảng cáo

Theo nhật báo Thái Lan The Nation, hôm thứ Sáu vừa qua, tại Bangkok đã diễn ra một cuộc họp của các cổ đông tập đoàn Thái Lan Ch Karnang, nhà thầu được chính quyền Lào chọn để xây đập Xayaburi. Nhân dịp này, giám đốc điều hành tập đoàn, ông Plew Trivisvavet, đã tuyên bố tin tưởng là trong vòng 30 ngày sắp tới, chính quyền Viêng Chăn sẽ chấp thuận kế hoạch xây con đập. Lý do, theo ông, đó là vì thiết kế của dập Xayaburi đã có tính tới tác động đối với môi trường.

Phát biểu với các cổ đông của tập đoàn, ông Plew Trivisvavet cho biết là tập đoàn Thái Lan sẽ ký tổng cộng ba hợp đồng cho dự án này. Trước hết là hợp đồng với chính phủ Lào về việc xây dựng nhà máy, kế đến là thỏa thuận bán điện làm ra cho Cơ quan Điện lực Egat của Thái Lan, và sau cùng là hợp đồng vay 80 tỷ baht từ 4 ngân hàng Thái Lan (Kasikornbank, Krung Thai Bank, Ngân hàng Bangkok và Ngân hàng Thương mại Siam) để có vốn tiến hành việc xây dựng đập Xayaburi.

Lãnh đạo tập đoàn Ch Karnang còn tiết lộ rằng chính phủ Lào đã cho biết một cách không chính thức rằng họ sẽ xúc tiến dự án và sẽ gửi xác nhận chính thức trong vòng hai tuần tới đây.

Xin nhắc lại : trong công ty Xayaburi, Ch Karnchang giữ 30% phần hùn, chính phủ Lào nắm 20%, 25% khác thuộc về công ty Synergy Natee, một công ty con của tập đoàn năng lượng Thái PTT, 12,5% về tay tập đoàn Nhật Bản TEPCO…

Nguồn tin do lãnh đạo tập đoàn Ch Karnang tiết lộ là thêm một dấu hiệu cho thấy chính quyền Viêng Chăn đã quyết tâm cho xây đập Xayaburi ngay từ đầu, với sự giúp đỡ của các thế lực tài chánh Thái Lan. Cơ chế tham khảo ý kiến các nước hạ nguồn sông Mêkông mà họ tuân thủ trong thời gian qua chỉ là hình thức, vì như nhật báo Thái Lan Bangkok Post tuần trước đã tiết lộ, chính quyền Lào cho tập đoàn Ch Karnang bắt tay làm công trình này từ năm tháng trước đây, cho dù quyết định chính thức chưa được ban bố.

Trung Quốc mặc nhiên hưởng lợi

Nếu quả thực là đập Xayaburi được xúc tiến, một trong những nước được cho là sẽ hưởng lợi rất nhiều chính là Trung Quốc cho dù không dính dáng gì đến công trình Xayaburi.

(1) Bắc Kinh tự nhiên dẹp tan được tất cả các lời chỉ trích từ các nước hạ nguồn sông Mêkông về tác hại của các con đập mà Trung Quốc đã và đang xây dựng trên dòng chính con sông ở vùng thượng nguồn. Các nước như Việt Nam, Cam Bốt hay Thái Lan sẽ bị "há miệng mắc quai" vì đã có đập tương tự ở vùng hạ lưu.

(2) Bản thân các nhà thầu xây dựng Trung Quốc sẽ được lợi vì Xayaburi sẽ mở đường cho hơn một chục con đập khác trên dòng chính sông Mêkông ở hạ nguồn. Trong số này, nhà thầu Trung Quốc sẽ tham gia xây dựng ít nhất là 4 đập thủy điện ở Pak Beng, Pak Lay và Xanakham tại Lào, và Sambor tại Cam Bốt.

(3) Về phương diện chính trị, Trung Quốc có lợi trong trường hợp Việt Nam với Lào bất hòa với nhau do quan điểm cực lực phản đối của Hà Nội, yêu cầu Viêng Chăn tạm hoãn việc xây đập Xayaburi trong vòng 10 năm, đúng theo đề nghị của Ủy hội Sông Mêkông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.