Vào nội dung chính
CHÂU Á - KINH TẾ

Đầu cơ nước ngoài về tiền tệ đe dọa kinh tế châu Á

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF báo động lượng tiền đầu tư « nóng » tràn vào Á châu đe dọa kinh tế các nước đang phát triển. Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang phải đối phó với lạm phát và vật giá leo thang, làn sóng đầu cơ trở thành mối lo hàng đầu, nhất là tại Trung Quốc.

Quảng cáo

Từng đám mây đen xuất hiện trên bầu trời châu Á. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, cho đến năm 2012, châu lục năng động này vẫn còn là đầu tàu của kinh tế thế giới. Tỷ lệ tăng trưởng trong vùng sẽ là 7%, còn của Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước lớn nhất, vẫn xoay quanh con số 9% và hơn 8% trong năm nay và năm tới.

Tuy nhiên cả hai định chế tài chính quốc tế này đều thẩm định rằng có nhiều hiểm nguy đang đe dọa Á châu.

Trước hết, IMF lo ngại trước làn sóng vốn nước ngoài « cực kỳ lớn » đang đổ vào châu Á, nhất là vào ba nước Trung Quốc, Philippines và Indonesia.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế báo động vì lượng tiền đầu tư này được đổ vào châu Á với mục tiêu « trục lợi nhanh chóng » và với mức lãi cao hơn ở châu Âu và Hoa Kỳ.

Việt Nam dường như là một ngoại lệ, vì trong ba tháng đầu năm nay, đầu tư quốc tế giảm gần 50%.

Ý thức hậu quả tai hại của các vốn « nóng » này, Ấn Độ, Hàn Quốc và Indonesia đã ban hành các biện pháp đối phó với nguồn tiền "trên trời rơi xuống" dồi dào một cách bất bình thường này: Họ tìm cách hạn chế việc tăng giá đồng tiền, trong trường hợp áp dụng tỷ giá thả nổi hoặc khống chế lạm phát, giảm bớt phát hành tiền tệ trong trường hợp áp dụng tỷ giá cố định.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo là nạn lạm phát sẽ làm tăng thêm rủi ro kinh tế trong bối cảnh giá lương thực và nhiên liệu đã leo thang từ nhiều tháng nay.

Điển hình là Trung Quốc đang bị lạm phát ở mức cao nhất từ 2 năm rưỡi nay với tỷ lệ 5,4% vào tháng ba. Theo dự báo của IMF, lạm phát tại Trung Quốc chưa lên đến đỉnh điểm và ít ra là phải đến trước cuối năm thì mới rơi xuống 4% hoặc 4,5%.

Lạm phát sẽ đưa tới những hậu quả gì cho Trung Quốc ?

Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh đến rủi ro xảy ra khủng hoảng địa ốc tại Trung Quốc. Đối với định chế tài chính này thì một khi lãnh vực điạ ốc của Trung Quốc, đang nở rộ như nấm, bị khủng hoảng thì ngành xây dựng sẽ khựng lại với hệ quả dây chuyền tác động đến sinh hoạt kinh tế và hoạt động ngân hàng.

Nhưng cũng theo Ngân hàng Thế giới, do cơ chế chính trị đặc thù của Trung Quốc, hậu quả sẽ không dừng lại ở này. Khủng hoảng lĩnh vực bất động sản sẽ gây thiệt hại cho nguồn chi thu của các chính quyền địa phương, trực tiếp hay gián tiếp đứng sau các chương trình đầu tư xây dựng và là khách hàng chính vay mượn ngân hàng.

Ngoài hai mối lo trên, Trung Quốc còn bị một nhược điểm nữa là lệ thuộc vào nguồn dầu khí của Trung Đông và Bắc Phi, nơi đang sôi động cách mạng chính trị và xã hội.

Đối với thường dân Á châu thì quan tâm trước mắt của họ là giá thực phẩm leo thang và nguy cơ khan hiếm nhu yếu phẩm. Tỷ lệ lạm phát trên 10% từ đầu năm nay làm cho giá cả từ lúa mì, dầu ăn đến sữa, thịt tăng vọt. Những yếu tố này, căn nguyên nguồn cội gây ra bạo loạn xã hội tại nhiều nước nghèo trong hai năm 2007 và 2008, vẫn tồn tại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.