Vào nội dung chính
ĐÔNG NAM Á

Xung đột Thái Lan – Cam Bốt đe dọa uy tín ASEAN

Ngày 06/05/2011, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN mở ra tại Indonesia. Chiến sự đẫm máu tại biên giới Thái Lan - Cam Bốt trong những ngày qua chắc hẳn sẽ nổi cộm trong các cuộc thảo luận. Lý do là vấn đề này có nguy cơ làm sứt mẻ thêm uy tín của Hiệp hội ASEAN.

Quảng cáo

Giới quan sát được hãng tin Pháp AFP trích dẫn đều đã nhấn mạnh đến thách thức đối với toàn khối ASEAN bắt nguồn từ cuộc chiến bùng lên trở lại giữa hai đồng minh Đông Nam Á từ ngày 22/04/11. Xung đột đã khiến gần 20 người chết.

Theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia thuộc Đại học Úc New South Wales : « Tranh chấp biên giới Thái Lan – Cam Bốt đặt ra một thách thức rõ rệt cho uy tín của ASEAN và cho mục tiêu tạo ra một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 ». Nếu Hiệp hội Đông Nam Á thất bại trong việc tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc tranh chấp, thì điều đó sẽ tác động rất tiêu cực đến uy tín của ASEAN trong tư cách là một tổ chức khu vực có thực chất.

Phải nói là trên lý thuyết, ASEAN có đầy đủ các yếu tố của một tổ chức khu vực hiệu quả. Khối này đã đề ra chỉ tiêu là phải làm sao để từ nay đến năm 2015, thành lập được một cộng đồng hội nhập với nhau, trong tất cả các lãnh vực từ kinh tế, văn hóa, cho đến chính trị và an ninh.

Mặt khác, bản Hiến chương ASEAN, mà toàn khối đã rầm rộ phô trương vào năm 2008 khi bắt đầu có hiệu lực, đã có những quy định nhằm giải quyết các tranh chấp nội bộ. Ngoài ra, các thành viên ASEAN lại gắn bó với nhau bằng một hiệp định gọi là ‘’bất tương xâm’’, nghiêm cấm việc sử dụng hay đe dọa dùng võ lực để giải quyết tranh chấp giữa các thành viên tham gia hiệp định. Cho dù vậy, xung đột võ trang Thái Lan - Cam Bốt vẫn nổ ra.

ASEAN bị nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ trói tay

Đối với Giáo sư Thayer, ASEAN phải nỗ lực để tìm ra giải pháp ổn thỏa, vì lẽ « những gì mà họ làm vào lúc này sẽ tác động đến vai trò của khối trong việc giải quyết tranh chấp giữa các thành viên trong tương lai ».

Một trong những vấn đề nhức nhối đối với ASEAN là nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, đã trói tay, trói chân Hiệp hội Đông Nam Á từ khi thành lập đến nay, cho dù đã từng xẩy ra những sư vụ làm sứt mẻ nghiêm trọng uy tín và danh dự của khối.

Theo nguyên tắc này, thì Hiệp hội ASEAN chỉ có thể nhòm ngó vào công việc của một thành viên nếu được chính nước này cho phép. Chính vì không được bật đèn xanh mà Khối Đông Nam Á đã phải bất lực nhìn Tập đoàn quân sự Miến Điện thản nhiên vi phạm nhân quyền, trong lúc phải nghe mọi lời chỉ trích từ quốc tế.

Các vụ tàn sát ở Đông Timor thời còn lệ thuộc Indonesia cũng là một vết nhơ trong lịch sử ASEAN, do việc chế độ Suharto không cho phép các đồng minh cân thiệp. Thậm chí, khi cần phải có lực lượng duy trì hòa bình tại vùng Đông Timor đã giành lại được độc lập, thì chỉ huy chiến dịch cũng không phải là một nước Đông Nam Á mà lại là Úc.

Riêng trong vụ tranh chấp Thái Lan Cam Bốt hiện nay, ASEAN đã nỗ lực rất nhiều, từ khi vụ việc xấu đi từ năm ngoái, thế nhưng cho đến nay, các cố gằng của hai đời chủ tịch luân phiên là Việt Nam và Indonesia vẫn chưa thấy kết quả.

Đối với giáo sư Thayer, chính vì nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau đó mà đến nay, khối ASEAN vẫn phải « hành động rón rén », cho dù dư biết rằng uy tín của mình bị đe dọa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.