Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - KINH TẾ

Trung Quốc căng thẳng chống lạm phát

Theo số liệu do cơ quan thống kê Trung Quốc công bố hôm nay, 11/05/2011, lạm phát trong tháng Tư là 5,3%, giảm một chút so với tháng Ba, 5,4%, chủ yếu là do giá thực phẩm đi xuống nhờ nguồn cung ứng rau quả dồi dào hơn và thời tiết thuận lợi.

Trung Quốc đau đầu vì lạm phát
Trung Quốc đau đầu vì lạm phát Reuters
Quảng cáo

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, chưa có gì chắc chắn là Bắc Kinh thực hiện được mục tiêu đề ra cho năm 2011: Đó là kìm giữ lạm phát ở mức 4%. Bởi vì chỉ số giá cả tiêu dùng trong bốn tháng đầu năm nay đã tăng 5,1% so với cùng thời kỳ này năm ngoái.

Bên lề cuộc đối thoại chiến lược Washington-Bắc Kinh vừa qua, phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn thừa nhận, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay mà nước này phải đối mặt, đó là lạm phát. Đằng sau lời tuyên bố này, mối lo ngại chính của Bắc Kinh là vật giá leo thang gây bất ổn xã hội.

Để tránh lạm phát tăng vọt, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã nhiều lần điều chỉnh tăng lãi suất và nâng mức dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại nhằm hạn chế khối lượng tín dụng cho vay, qua đó, giảm khối lượng tiền tệ lưu thông. Trong tháng Tư, tổng số tín dụng lên tới 739,6 tỷ nhân dân tệ (79 tỷ €), cao hơn mức của tháng Ba là 679,4 tỷ, nhưng lại thấp hơn gần 21 tỷ so với tháng Tư năm ngoái.

Cách nay một tháng, thủ tướng Ôn Gia Bảo cam kết mở rộng biên độ dao động tỷ giá của nhân dân tệ.

Nguy cơ bất ổn định xã hội do lạm phát đã thể hiện rõ vào tháng Tư, qua cuộc đình công của giới lái xe tải ở cảng container Thượng Hải, phản đối giá nhiên liệu tăng làm cho thu nhập của họ bị tụt giảm.

Doanh nghiệp nước ngoài : Vật tế thần trong cuộc đấu tranh chống lạm phát

Nhằm thể hiện quyết tâm chống lạm phát, đầu tháng Tư, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu các nhà sản xuất và phân phối không tăng giá các mặt hàng thiết yếu và đe dọa sẽ nghiêm khắc trừng phạt nặng nếu vi phạm. Trong bầu không khí căng thẳng này, các doanh nghiệp nước ngoài đã trở thành vật tế thần của Bắc Kinh.

Trường hợp Unilever, tập đoàn chế biến nông lương và mỹ phẩm của Anh-Hà Lan là một ví dụ điển hình. Vào tháng Ba, tập đoàn ra thông báo dự tính tăng giá xà phòng, bột giặt … Mặc dù sau đó, Unilever đã phải tạm hoãn kế hoạch nói trên, nhưng Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc, vào tuần trước, đã ra quyết định phạt tập đoàn này 2 triệu nhân dân tệ (214 000 €) vì đã thông báo trái phép việc tăng giá.

Giới chuyên gia cho rằng đây là một biện pháp không bình thường, nhằm làm cho các công ty nước ngoài phải sợ hãi, nhìn trước ngó sau cẩn thận khi muốn tăng giá. Theo ông Arthur Kroeber, giám đốc văn phòng nghiên cứu Dragonomics, ở Bắc Kinh, thì quyết định của chính phủ Trung Quốc thể hiện đặc trưng của một nền kinh trong đó Nhà nước luôn luôn muốn can thiệp ồ ạt vào các hoạt động bình thường của thị trường. Điều này cũng làm dấy lên nhiều lo ngại nghiêm trọng về môi trường làm ăn không rõ ràng, không chắc chắn đối với các tập đoàn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực phân phối tiêu dùng tại Trung Quốc.

Việc lựa chọn Unilever để trừng phạt có thể không phải là ngẫu nhiên hoặc do tầm vóc kinh tế của tập đoàn này. Các nhà quan sát lưu ý đến hiện tượng nghệ sĩ Trung Quốc nổi tiếng Ngải Vị Vị bị bắt ngày 03/04 trong khi ông được chính Unilever tài trợ cho một cuộc triển lãm tại Luân Đôn.

Phát ngôn viên cơ quan thống kê Trung Quốc cho rằng chỉ số giá cả tiêu dùng giảm trong tháng Tư là kết quả của các biện pháp chống lạm phát mà chính phủ đã đưa ra.

Trong khi đó, kinh tế gia Alistair Thornton, thuộc Văn phòng phân tích, dự báo kinh tế IHS Global Insight cảnh báo, cuộc đấu tranh chống lạm phát còn kéo dài, bởi vì dự trữ hối đoán của Trung Quốc và luồng đầu tư ngoại quốc đổ vào nước này vẫn tiếp tục tăng, gây áp lực lạm phát trong suốt cả năm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.