Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Bắc Kinh muốn « thanh toán » các tu viện Tây Tạng không vâng lời

Tờ Le Monde có bài "Bắc Kinh muốn ‘‘xử lý nghiêm khắc’’ các tu viện Tây Tạng", với nhận định, kể từ cuộc nổi dậy tại các vùng đất Tây Tạng năm 2008, chính quyền Trung Quốc có chính sách đưa tất cả các nhà sư bị kết tội phản loạn về giam giữ tại các trại cải tạo trá hình mang tên gọi « giáo dục pháp luật ».

Các nhà sư Tây Tạng trong tầm ngắm của Bắc Kinh
Các nhà sư Tây Tạng trong tầm ngắm của Bắc Kinh Reuters
Quảng cáo

« Giáo dục pháp luật » là tên gọi mới được dùng để thay thế cho tên gọi cũ « giáo dục tinh thần yêu nước » của các trại cải tạo được tổ chức từ năm 1996, với mục tiêu phục vụ cho các chiến dịch tuyên truyền đường lối của đảng Cộng sản Trung Quốc và bôi nhọ Đạt Lai Lạt Ma tại các tu viện Tây Tạng, do các nhân viên của ban Tôn giáo và bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng sản tiến hành.

Năm 2008, đã có một sự thay đổi trong chính sách của Bắc Kinh đối với cộng đồng các nhà tu hành Tây Tạng. Trong báo cáo thường niên năm 2010 của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, chính quyền vùng tự trị Tây Tạng Ganzi, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, đã công bố một chỉ thị được ban hành tháng 7/2008, mô tả các biện pháp cần được tiến hành nhằm « xử lý một cách nghiêm khắc các tu viện Tây Tạng ». Theo nhà nghiên cứu Nicholas Becquelin, thành viên Human Rights Watch, từ Hồng Kông, chính quyền Trung Quốc cho rằng việc trừng phạt riêng rẽ những người phụ trách tu viện hay trục xuất một số thành viên gây ra sự cố là không đủ. Điều chủ yếu trong chính sách được áp dụng từ 2008 là trừng phạt toàn bộ các tu viện Tây Tạng nổi loạn, cụ thể là nếu ở đây xảy ra hiện tượng các tăng ni giương cờ « Sư tử tuyết » (tức lá cờ của chính quyền Tây Tạng ly khai), hô khẩu hiệu hoặc tham gia vào các cuộc biểu tình.

Chính sách kể trên đã được áp dụng đối với tu viện Kirti, thành phố Aba, thuộc vùng tự trị của người Tây Tạng và người Khương thuộc tỉnh Tứ Xuyên vào tháng Tư vừa qua. Hơn 300 nhà sư đã bị cưỡng chế rời khỏi tu viện vào ngày 21/4. Tháng 4/2008, chính sách này đã được áp dụng lần đầu tiên đối với các tu viện Lhassa, Drepung, Sera và Ganden, nơi khởi phát các cuộc tuần hành của các nhà tu hành ngày 10/3.

Theo nhà nghiên cứu Robert Bernett, giám đốc chương trình nghiên cứu Tây Tạng hiện đại thuộc đại học Columbia New York, chính sách đàn áp mới này có mục đích bẻ gẫy cộng đồng các sư tăng bằng cách tách họ ra thành từng nhóm nhỏ và gây áp lực đối với những thành viên dễ bị ảnh hưởng.

Tại các trại cải tạo này gần như không có tra tấn về mặt thể xác, nhưng ở đây, các nhà sư buộc phải tham gia vào các buổi huấn thị, với một nội dung luôn luôn có là việc bôi nhọ Đạt Lai Lạt Ma. Theo một số nhân chứng, được nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Human Rights Watch thuật lại, mục đích mà chính quyền nhắm đến trong các đợt cải tạo này là hướng các nhà tu hành đến chỗ công nhận mình có khuyết điểm. Nỗi sợ lớn nhất ở đây là đột ngột bị bắt đi biệt tích.

Bán trẻ sơ sinh của những gia đình vượt tiêu chuẩn một con

Cũng về Trung Quốc, Le Figaro và Libération hôm nay đều chú ý đến hiện tượng các trẻ sơ sinh bị chính quyền địa phương tỉnh Hồ Nam bán ra nước ngoài. Theo Le Figaro, đây là một hoạt động diễn ra từ nhiều năm nay. Những đứa trẻ bị bán đi là con cái của các gia đình có hơn một con, theo quy định của chính sách « một con » do Bắc Kinh áp đặt. Vì không đủ tiền nộp phạt (khoảng 6.000 yuan, tương đương 600 euro), cha mẹ của những em này buộc phải giao con cho trại trẻ mồ côi của chính quyền địa phương, để từ đó chúng được bán cho các cặp vợ chồng nước ngoài muốn nhận con nuôi, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và Hà Lan.

Các trung tâm « kế hoạch hóa gia đình » khi giao trẻ sẽ nhận được một khoản tiền từ 1000 yuan (tương đương khoảng 100 euro) trở lên. Mỗi trẻ được bán ra nước ngoài với giá từ 2.000 euro trở lên. Theo Libération, hoạt động này rất phổ biển tại vùng đất nghèo đói Thiệu Dương (Shaoyang), tỉnh Hồ Nam kể từ năm 2003.

Các thông tin về tệ nạn này vừa được tạp chí Trung Quốc Caixin công bố tuần này. Trong những năm vừa qua, tệ nạn này đã được báo chí tại Trung Quốc nhắc đến, tuy nhiên rất có thể đây là lần đầu tiên Tân Hoa Xã được cho phép đưa tin và một cuộc điều tra chính thức được tiến hành.

Tại Trung Quốc, nạn buôn bán trẻ em bất hợp pháp và hành hạ những người không tuân thủ chính sách một con là rất phổ biến. Việc mua trẻ sơ sinh rồi bán lại cho những gia đình không có con trong nội địa Trung Quốc diễn ra quá thường xuyên, dưới con mắt làm ngơ của chính quyền và công an, nhưng lần này Bắc Kinh buộc phải can thiệp, vì sự nổi giận của dân chúng, trước việc chính quyền địa phương là thủ phạm của các vụ mua bán.

Không khí độc đoán tại trường học Trung Quốc

Nhật báo l’Humanité hàng tuần đăng tải một số thư của bạn đọc trẻ về các sự kiện khắp nơi trên thế giới. Một thiếu niên Pháp 15 tuổi, vừa trải qua một cuộc tham quan tại Trung Quốc, nói về những cảm nhận của em đối với trường trung học phổ thông nước này. Bên cạnh ấn tượng về tính hiện đại, qua các đồ điện tử mà trường học được trang bị, người thiếu niên này rất bàng hoàng khi được chứng kiến không khí quân sự và độc đoán trong đời sống của nhà trường, đặc biệt là hoạt động tập thể dục tập thể vừa cưỡng bức, vừa buồn chán. Camera có mặt khắp nơi. Đặc biệt ấn tượng là cảnh học sinh đồng loạt ăn trưa trong cà-mèn rất nhanh, lặng lẽ và không hề được trao đổi, chuyện trò trong khi ăn. Kết thúc bức thư, người thiếu niên đặt câu hỏi, hệ thống giáo dục độc đoán như vậy sẽ còn tiếp tục kéo dài, hay nó chỉ là tàn tích của quá khứ trong một xã hội đang chuyển động ?

Pakistan muốn xích gần lại Bắc Kinh

Về quan hệ quốc tế, tờ Le Monde hôm nay chú ý đến hiện tượng Pakistan đang trong cuộc khủng hoảng niềm tin với Hoa Kỳ, có xu hướng xích gần lại với Trung Quốc. Ngày 9/5 vừa qua, bản thuyết trình của thủ tướng Pakistan trước Quốc hội về « vụ việc Ben Laden », đã nói rất ít về bản thân vụ việc này, mà chủ yếu bàn về chiến lược ngoại giao cần tiến hành để thoát khỏi « gọng kìm của Hoa Kỳ ». Nhiều giọng nói trong chính giới Pakistan cất lên khuyến cáo chính quyền nước này nên giảm bớt quan hệ mật thiết với Washington. Thủ lĩnh đảng đối lập Pakistan Muslim League yêu cầu Islmabad xem xét lại các quan hệ với Mỹ sau vụ tấn công vào nơi ở của Ben Laden tại Abbottabad. Trong báo chí Pakistan cũng xuất hiện rất nhiều bài viết kêu gọi chính phủ xích gần lại Bắc Kinh.

Trên thực tế, trong vòng hơn một thập kỷ nay, Trung Quốc đã nỗ lực phát triển quan hệ mật thiết với Pakistan đặc biệt trong lĩnh vực hạt nhân dân sự, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Ấn Độ ngày càng mật thiết hơn. Trung Quốc nhanh chóng hiểu rằng họ có thể hưởng lợi, trong cuộc khủng hoảng niềm tin giữa Hoa Kỳ và Pakistan. Vài ngày sau vụ tấn công vào nơi của Ben Laden tại Pakistan, Trung Quốc đã yêu cầu cộng đồng quốc tế thông cảm và ủng hộ nước này, và đồng thời kêu gọi tôn trọng chủ quyền lãnh thổ các quốc gia, lời lẽ phê phán này ám chỉ đến cuộc đột kích của Hoa Kỳ. Báo chí chính thức của Trung Quốc cũng lên tiếng chỉ trích thái độ không công bằng của nhiều nước Phương Tây trong việc nghi ngờ Pakistan dung dưỡng khủng bổ.

Pháp nỗ lực để giảm tai nạn xe cộ

Chính phủ Pháp vừa đưa ra một biện pháp mới nhằm đảo ngược xu thế gia tăng tai nạn giao thông chết người, với việc xóa bỏ các tấm biển báo trước vị trí của những rađa kiểm tra tốc độ, được tờ Le Figaro phân tích. Biện pháp này khiến cho nhiều tài xế phải bực bội, vì nó chấm dứt thói quen bắt đầu được hình thành, tức là giảm tốc độ khi nào có biển báo rađa bắn tốc độ, và tăng lại tốc độ, một khi vượt qua phạm vi kiểm soát của rađa.

Biện pháp này được đưa ra nhằm hạn chế xu hướng tai nạn giao thông có xu hướng tăng hơn 10% trong quý 1 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái (tức 1.267 người thiệt mạng so với 1.123).

Hai biện pháp được đưa kèm theo là hủy bỏ các bản đồ có đánh dấu vị trí các rađa trên Internet và cấm sử dụng các dụng cụ điện tử xác định vị trí rađa. Tuy nhiên, theo người phát ngôn của Bộ Nội vụ, các tài xế không buộc phải xóa bỏ nội dung được lưu trữ trong bộ nhớ GPS của họ, chỉ có điều bộ dữ liệu về hệ thống rađa bắn tốc độ sẽ không được cập nhập.

Các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ đây đến tháng 9. Hiện tại việc bán các dụng cụ định vị rađa bắn tốc độ sẽ bị phạt đến 2 năm tù và 30.000 euro tiền phạt. Người sử dụng sẽ phải trả 1.500 euro và mất 6 điểm trên bằng lái.

Biện pháp vừa được chính phủ Pháp ban hành là nằm trong số hàng loạt các chính sách và biện pháp mà chính phủ Pháp nhằm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong về tai nạn giao thông đường bộ. Được biết, kể từ năm 1970 đến nay, số lượng người chết vì tai nạn đường bộ tại Pháp đã giảm xuống ¼, từ khoảng 16.000 người, xuống còn 3.994 người năm 2010. Mục tiêu được tổng thống Sarkozy đưa ra là giảm số người chết xuống dưới 3.000, từ đây đến năm 2012. Tỷ lệ tử vong vì tai nạn ô tô tại Pháp là ở mức trung bình ở Châu Âu.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.