Vào nội dung chính
CAM BỐT

Cam Bốt : công tố viên quốc tế tại Tòa án Khmer Đỏ muốn truy tố thêm nhiều trọng phạm

Theo kế hoạch dự kiến, sau khi xử xong vụ Duch, trưởng trại tù Tuol Sleng, từ nay đến cuối năm 2011 này, Tòa án Liên Hiệp Quốc tại Cam Bốt đặc trách việc xét xử tội ác Khmer Đỏ sẽ tính tới 4 lãnh đạo cao cấp nhất trong chế độ Pol Pot. Đó là Nuon Chea, Ieng Sary, Khieu Samphan và Ieng Thirith. Bên cạnh đó, phía công tố của Tòa án còn muốn xét xử thêm một số người cấp thấp hơn.

Ảnh tử trái sang phải và từ trên xuống dưới : Khieu Samphan, Ieng Sary, Nuon Chea, Duch và bà Ieng Thirith
Ảnh tử trái sang phải và từ trên xuống dưới : Khieu Samphan, Ieng Sary, Nuon Chea, Duch và bà Ieng Thirith © RFI
Quảng cáo

09:08

Thông Tín Viên Phạm Phan - Pnom Penh

Theo thông tín viên Phạm Phan tại Phnom Penh, tên tuổi các trọng phạm này chưa được chính thức công bố, vì các thẩm phán quốc tế đang vấp phải thái độ chống đối của chính quyền Cam Bốt, không muốn tòa án mở rộng thêm diện xét xử.

Các nghi phạm vẫn sống ung dung ngoài vòng pháp luật

Thời gian gần đây, Tòa Án Xử Tội Ác Khmer Đỏ muốn mở thêm hai phiên tòa để xét xử hai Vụ Kiện 003 và 004. Dù chưa được chính thức thông báo, nhưng các nhà hoạt động nhân quyền đã biết danh tánh các trọng phạm này.

Vụ Kiện 003 gồm hai bị cáo: Meas Muth, nguyên Tư Lịnh Hải Quân Khmer Đỏ, và Sou Met, nguyên Tư Lịnh Không Quân Khmer Đỏ. Còn Vụ Kiện 004 bao gồm 3 bị cáo sau, Im Chem nguyên Chủ Tịch tỉnh Banteay Meanchey, và hai Phó Bí Thư Đảng Bộ Khu là Yim Tith hay Ta Tith, và Aom An hay Ta An.

Các bị cáo cấp trung kể trên hiện vẫn sống ung dung ngoài vòng pháp luật. Nhân đây, cũng phải xin nhắc lại rằng trong chính quyền do Thủ Tướng Hun Sen cầm đầu hiện nay vẫn còn nhiều cán bộ của Khmer Đỏ làm việc bên trong, họ thậm chí nắm được những chức vụ quan trọng trong chính quyền, nhưng báo chí khó đề cập đến vì dễ bị thưa kiện và thường thì thua kiện.

Chính quyền Cam Bốt gây sức ép để Tòa án khỏi truy cứu thêm

Từ lâu, chính quyền đã phản đối bất cứ sự truy tố thêm nào ngoài phiên tòa thứ nhất xử Duch, và phiên tòa thứ hai sắp xử Nuon Chea, Ieng Sary, Ieng Thirith, Khieu Samphang. Lý do của chính quyền đưa ra là nếu Tòa Án Quốc Tế tiến hành xét xử thêm các tội phạm diệt chủng thì dễ có nguy cơ đưa quốc gia Cam Bốt rơi vào cảnh nội chiến, mặc dù trong bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội hiện nay, Cam Bốt không chứa đựng mầm mống nội chiến và thực lực của nhóm người trước kia là thành viên Khmer Đỏ không có gì đáng phải lo sợ quá lắm, trước lực lượng an ninh và quân đội của chính quyền ông Hun Sen.

Thêm nữa sau thất bại của “các cuộc mạng tắm máu người” theo đường lối Marx-Lênin vào thập niên 1970, những thành viên Khmer Đỏ hiện nay không còn nuôi bất cứ ảo vọng về sự vọng động điên rồ nào trong xã hội. Sự tiên liệu một tình huống “sẽ có nội chiến” khiến người ta phải đặt một câu hỏi : Người lãnh đạo hiện nay ở Cam Bốt có thực sự nắm vững tình hình đất nước của ông không ?

Vào tháng 10/2010 nhân chuyến viếng thăm của Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki-moon, Thủ Tướng Hun Sen nói thẳng với người đứng đầu LHQ rằng sau phiên xử Nuon chea, Ieng Sary, Ieng Thirith, Khieu Samphang thì Tòa Án Xử Tội Ác Khmer Đỏ coi như đã hoàn thành nhiệm vụ, không có truy tố thêm nữa, và vụ kiện mới không được chính quyền cho phép xúc tiến.

Trong tuần này, người phát ngôn chính quyền kiêm Bộ Trưởng Thông Tin là ông Khieu Kanharith đã có thái độ ngạo mạn khi đưa ra lời cảnh báo nhân viên người nước ngoài đang phục vụ trong Tòa Án Quốc Tế Xử Tội Ác Diệt Chủng là không nên xúc tiến Vụ Kiện 003 và 004, “còn nếu các ông muốn tiến hành các vụ xử này thì nên cuốn gói về xứ”.

Các thẩm phán quốc tế có dấu hiệu lùi bước trước sức ép

Qua trường hợp truy tố thêm các hung thủ trong chế độ Khmer Đỏ, những người quan sát hoạt động Tòa Án Quốc Tế và các nhà hoạt động nhân quyền trong thời gian gần đây bày tỏ nỗi ưu tư về những dấu hiệu cho thấy phía giới chức nước ngoài đang làm việc tại Tòa Án Khmer Đỏ dường như chịu thua trước sức ép thường xuyên của chính quyền.

Một sự kiện cụ thể xảy đến vào tháng Tư vừa rồi, khi hai đồng thẩm phán điều tra, một của Cam Bốt là You Bunleng, và một của Đức là Siegfried Blunk đưa ra thông báo chính thức nói họ đã hoàn tất cuộc điều tra Vụ Kiện 003. Nhiều lời chỉ trích đã vang lên : điều tra qua loa, thiếu trách nhiệm trong một trường hợp dự tính khởi tố rất quan trọng. Sự vội vàng, cẩu thả của các vị đồng thẩm phán điều tra bị coi như là mở đường cho việc Tòa Án bãi bỏ Vụ Kiện 003.

Trong thông báo đề ngày 9/5/2011, ông Andrew Cayley, Đồng Công Tố Viên quốc tế tại Tòa Án Xử Tội Ác Khmer Đỏ nói các tội ác trong Vụ Kiện 003 bao gồm ám sát, tra tấn, giam người bất hợp pháp đã không được điều tra đầy đủ, và ông khẩn thiết gọi các đồng thẩm phán điều tra phải hạ trát đòi, cũng như thẩm vấn các nghi phạm trong vụ kiện này.

Công Tố Viên Andrew Cayley cũng cho công bố danh sách các địa điểm trên khắp lãnh thổ Cam Bốt liên hệ đến tội ác của những hung thủ trong hồ sơ Vụ Kiện 003, và các nạn nhân của bọn tội phạm cũng được thông tin để họ có thể yêu cầu được tham gia làm nhân chứng tại Tòa trong tư cách của phía bên dân sự.

Tuy nhiên, không phải dễ dàng cho phía giới chức quốc tế làm việc tại Tòa, các quan sát viên Tòa Án hoan nghênh việc công khai vấn đề của Công Tố Viên Andrew Cayley, nhưng bà Chea Leang, công tố phía Cam Bốt, đã không chịu ký vào văn bản do ông Andrew Cayley đưa ra.

Theo báo chí cho biết, trong thời gian ngắn sắp đến đây bà Chea Leang sẽ cho công bố thông báo riêng của bà chống lại việc kêu gọi điều tra thêm, và cho rằng những nghi phạm trong Vụ Kiện 003 nằm bên ngoài thẩm quyền xét xử của Tòa Án Khmer Đỏ. Theo bà, Tòa Án Xử Tội Án Khmer Đỏ chỉ có bổn phận xử tội ác của các nhân vật cao cấp trong chế độ diệt chủng và những kẻ chịu trách nhiệm nhiều nhất trong việc gây ra tội ác. Từ lâu, bà Chea Leang luôn luôn có quan điểm chống lại sự truy tố thêm các tội phạm diệt chủng, một quan điểm mà chính quyền Hun Sen hiện nay hết sức tán đồng.

Giới bảo vệ nạn nhân chế độ Kmer Đỏ yêu cầu quốc tế áp lực trên Cam Bốt

Brad Adams, Giám Đốc khu vực Châu Á của tổ chức Human Rights Watch phát biểu rằng, các đồng thẩm phán điều tra đã hành sự vội vàng để sớm khép lại hồ sơ cần phải được tiến hành chu đáo, nhiều người làm việc tại Tòa Án đã thông tin cho tổ chức nhân quyền này biết các thẩm phán đã không đi đến hiện trường để thực hiện công tác điều tra cẩn thận trong vụ kiện có tầm mức quan trọng. Theo Brad Adams, điều này chứng tỏ công việc của các đồng thẩm phán điều tra bị ảnh hưởng bởi một quyết định chính trị có mục đích đóng lại hồ sơ này.

Bà Theary Seng có cha mẹ bị Khmer Đỏ sát hại, hiện nay bà đang hoạt động nhân quyền và nỗ lực binh vực cho các nạn nhân của Khmer Đỏ, khi biết được sự vô trách nhiệm của hai vị đồng thẩm phán điều tra người Đức và Cam Bốt, bà nói thẳng thừng, rõ ràng đây là hành động lưu manh, nhút nhát không dám thông tin cho công chúng, họ không làm tròn bổn phận của thẩm phán.

Bà còn nói phiên tòa tiêu tốn công quỹ quốc tế 200 triệu đô la mà chỉ để xét xử có 5 tội phạm là không cân xứng, do vậy việc truy tố thêm là cần thiết. Hơn nữa, 1,7 triệu nạn nhân người Cam Bốt bị chế độ Khmer Đỏ sát hại dã man không nhân tính mà chỉ xử tội có 5 tên cực hung ác là không đủ. Bà Theary Seng muốn LHQ phải có hành động tích cực bằng cách gây sức ép lên chính quyền để xúc tiến xét xử thêm các tội phạm diệt chủng. Còn nếu, theo bà Theary Seng, LHQ không ra tay hành động thì rõ ràng định chế quốc tế này đồng lõa với bọn tội phạm Cộng Sản diệt chủng.

Còn bà Clair Duffy hiện hoạt động cho Sáng Hội Công Lý Xã Hội Công Khai và là một nhà quan sát hoạt động Tòa Án Khmer Đỏ nói dù có trao thêm quyền hạn pháp lý cho công tố viên quốc tế, thì ông ta và những thẩm phán quốc tế cũng đối diện với nhiều trở ngại khi theo đuổi trường hợp truy tố thêm, do vì đi ngược lại ý muốn bảo thủ của chính quyền. Để sự hợp tác giữa Cam Bốt và quốc tế được tốt đẹp trong phạm vi điều tra và bắt giữ thủ phạm, chính quyền Cam Bốt cần thay đổi quan điểm hiện nay và không chống lại công tác truy tố thêm. Cạnh đó theo bà Clair Duffy, LHQ phải gia tăng sức ép lên chính quyền Cam Bốt để họ chấm dứt can thiệp vào các Vụ Kiện 003 và 004.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.