Vào nội dung chính
HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Đối thoại Mỹ -Trung mở rộng thêm cho lãnh vực an ninh

Trong hai ngày 09 và 10/05/2011, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có cuộc họp ở cấp cao về các hồ sơ an ninh, chiến lược và kinh tế giữa hai nước. Khởi đầu là những mâu thuẫn về kinh tế, quan hệ giữa đôi bên đã mở rộng qua các lĩnh vực chiến lược và sau cùng là cả lĩnh vực an ninh quân sự.

Quảng cáo

Theo dõi tình hình Trung Quốc từ nhiều thập niên qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa đánh giá kết quả của lần hội họp này.

RFI: Xin kính chào anh Nghĩa. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có lúc khá căng thẳng năm ngoái rồi có vẻ nồng ấm hơn chút đỉnh sau khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chính thức thăm viếng nước Mỹ vào đầu năm nay. Tuần này, trong hai ngày, 09 và 10/05, phái đoàn cao cấp của hai nước đã họp tại thủ đô Mỹ để duyệt qua một số hồ sơ. Theo dõi sự việc từ đã lâu, anh thấy kỳ họp này có đem lại kết quả nào không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết là về bối cảnh, từ sáu năm nay, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có gần một chục lần hội họp như vậy. Lần đầu là vào tháng Tám năm 2005 do đề nghị của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, rồi mục tiêu mở rộng hơn và cấp đối thoại ngày càng cao hơn. Thoạt đầu, mục tiêu chỉ là kinh tế ở cấp tổng bộ trưởng, sau đó từ năm 2006 mục tiêu đối thoại là các vấn đề chiến lược về kinh tế giữa hai nước. Sau sáu kỳ họp như vậy, tháng Tư năm 2009, Tổng thống Barack Obama cùng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đồng ý mở rộng phạm vi đối thoại từ việc kinh tế có tính chất chiến lược qua hai mục tiêu là chiến lược VÀ kinh tế, gọi là U.S.-China Strategic and Economic Dialogue.

Thế rồi, tháng Giêng vừa qua, khi bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tới Bắc Kinh hoàn tất việc chuẩn bị cho chuyến thăm viếng Hoa Kỳ của ông Hồ Cẩm Đào thì cũng là lúc ông ta thấy Hồ Cẩm Đào có vẻ bị bất ngờ về việc quân đội Trung Quốc cho bay thử một chiến đấu cơ đời thứ năm là phi cơ tàng hình tiêm kích J-20. Khi ấy, chính bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mới đề nghị là ngoài hai hồ sơ chiến lược và kinh tế, đôi bên cần có cơ hội đối thoại về cả an ninh và quân sự. Cuối cùng, Bắc Kinh đồng ý với đề nghị đó nên kỳ đối thoại lần này có cả viên chức ngoại giao lẫn quân sự để cùng nói chuyện về hồ sơ kinh tế, chiến lược và an ninh quân sự.

RFI: Như anh vừa trình bày thì mục tiêu thảo luận có mở rộng ra ba hướng, với sự tham dự của phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn, ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc và một phái đoàn hùng hậu do Ngoại trưởng Hillary Clinton và bộ trưởng Ngân khố Timothy Geithner dẫn đầu. Liệu ta đã có thể biết kết quả của hai ngày hội họp đó hay chưa?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng khi có đối thoại thì đã có thông tin, nhất là về quân sự là lãnh vực mà Trung Quốc cứ muốn giấu kín. Khi phía Mỹ mời giới chức quân sự Bắc Kinh tham dự cuộc đối thoại về chiến lược và kinh tế thì cũng là dịp họ hiểu thêm và thậm chí khai thác dị biệt nếu có giữa giới lãnh đạo chính trị của đảng với các tướng lãnh trong quân đội. Đây là một kết quả ngầm và có thể có lợi cho phía Mỹ khi nói chuyện với một hệ thống chính trị rất ít công khai hóa mục đích và nội tình của họ.

Còn kết quả công khai thì có lẽ chưa có gì nhiều vì là lần đầu mà hai bên nói chuyện về quân sự sau hơn một năm bị Bắc Kinh gián đoạn. Phía Mỹ đề nghị trao đổi về các hồ sơ an ninh chiến lược, như nạn phổ biến võ khí hạch tâm, kế hoạch hoả tiễn chống đạn đạo, an ninh điện tử và nguy cơ quân sự hoá không gian. Chưa rõ phía Bắc Kinh trình bày ý kiến của họ như thế nào, nhưng đôi bên đồng ý là phải có hợp tác về quân sự trong mục tiêu cứu trợ nạn nhân thiên tai tại châu Á. Là đồng chủ tịch của cuộc đối thoại về an ninh chiến lược với ông Đới Bỉnh Quốc, Ngoại trưởng Clinton cho biết là hai bên có thể sẽ nghĩ đến việc cùng nhau thao diễn quân sự cho công tác cấp cứu, là điều dù sao cũng khá mới lạ nếu ta nhớ tới sóng thần tại Ấn độ dương năm 2005, động đất ở Tứ Xuyên năm 2008 và thiên tai tại Nhật rồi New Zealand vào đầu năm nay.

RFI: Thế còn về loại vấn đề thứ hai là các hồ sơ chiến lược? Hai bên đã nêu những ý kiến gì khác hẳn với những lần đối thoại trước?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Về hồ sơ chiến lược thì hai nước đã có một quyết định đáng chú ý là sẽ mở ra những cuộc tham khảo ý kiến trong toàn khu vực Á châu Thái Bình Dương để đạt mục đích cam kết là bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho cả khu vực. Thực tế thì vì gần 10 năm bận rộn với cuộc chiến chống khủng bố, Hoa Kỳ hầu như thả nổi khu vực Đông Á cho Trung Quốc bành trướng. Bây giờ, Mỹ muốn có thêm một cơ chế đa phương để các nước nói chuyện, như về cả hồ sơ Bắc Triều Tiên, Đài Loan lẫn những tranh chấp về chủ quyền ngoài Biển Đông.

Ngoài khu vực Á châu Thái Bình Dương, đôi bên cũng tuyên bố sẽ mở ra cuộc tham khảo cấp thấp với các khu vực còn lại như Nam Á, Trung Á và cả Nam Mỹ. Trung Quốc có thể coi đây là một thắng lợi về mặt thế giá hay thể diện. Vì từ nay là đại gia sẽ cùng Mỹ tham khảo ý kiến các nước về hòa bình và thịnh vượng của thế giới, đồng thời giữ vai trưởng tràng của các xứ Á châu vây quanh, trong khi vẫn có thể tranh thủ hậu thuẫn của từng nước mà khỏi phải tuân thủ những khuyến nghị của loại cơ chế quốc tế đó. Còn lại, các quốc gia khác nghĩ sao thì chúng ta chưa biết, nếu không khéo thì họ có cảm giác là hai nước dẫn đầu đang dàn xếp riêng với nhau về an ninh Á châu Thái Bình Dương và thế giới.

RFI: Sau cùng là hồ sơ kinh tế. Hai bên đã ký kết một số thỏa ước có tính chất kỹ thuật về kinh tế. Thưa anh, nội dung những thoả thuận đó là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta không quên bối cảnh chung là kinh tế Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đang có hướng tăng trưởng chậm hơn trong khi Mỹ bị bội chi và thất nghiệp cao và Trung Quốc sợ nạn lạm phát và bể bóng đầu tư. Năm tới lại có tranh cử tại Mỹ với nhu cầu nâng xuất cảng để tạo thêm việc làm giúp ông Obama tái đắc cử và năm tới Trung Quốc sẽ có đại hội Đảng với chiều hướng cải thiện phẩm chất của tăng trưởng kinh tế để tránh động loạn. Nhu cầu kinh tế rất cấp bách cho mục tiêu chính trị ở nhà khiến Chính quyền Obama càng triệt để gây sức ép với Bắc Kinh và thực tế đã có ban tham mưu mới về kinh tế có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Vì vậy, sau hai ngày hội họp, phía Trung Quốc đã có một số nhượng bộ như giải tỏa việc Mỹ sẽ đầu tư vào thị trường chứng phiếu, bảo hiểm xe hơi, sẽ không kỳ thị Mỹ trong thủ tục tiếp liệu - là cung cấp sản phẩm cho chính quyền Bắc Kinh. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng cam kết thi hành luật lệ cấm nạn ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ, nhất là nhu liệu điện toán làm doanh nghiệp Mỹ có thể bị thiệt tới gần tám tỷ một năm. Phía Hoa Kỳ thì đồng ý sẽ giải toả dần những hạn chế của việc xuất khẩu qua Trung Quốc những mặt hàng công nghệ cao và sẽ cứu xét việc doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Mỹ.

Thực tế thì những thỏa ước kỹ thuật đó chỉ là mặt nổi, chìm sâu bên dưới thì Hoa Kỳ có hai nhu cầu ngắn hạn và dài hạn. Ngắn hạn là xuất cảng nhiều hơn, và dài hạn là tiếp tục gây áp lực để Trung Quốc phải cải tổ cơ chế cho tự do và thông thoáng như các quốc gia khác trên thế giới. Trong khi ấy, một số lãnh đạo Bắc Kinh cũng biết là họ phải chuyển hướng nếu không thì gặp loạn, nhưng một số khác lại cho rằng nếu cải tồ quá nhanh quá mạnh thì còn gặp loạn sớm hơn.

Phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn có nói thẳng ra điều ấy khi tuyên bố rằng lãnh đạo của Trung Quốc cần thống nhất ý kiến về việc chuyển hướng này, với hàm ý biện bạch rằng Trung Quốc chưa thể cải cách nhanh chóng như phía Hoa Kỳ yêu cầu vì có những chia rẽ trong nội bộ. Nghĩa là dùng chuyện nội bộ đó làm lý cớ để trì hoãn những biện pháp giải tỏa mà Hoa Kỳ đòi hỏi. Chính là thái độ thoái thác ấy mới khiến người ta nghĩ rằng đôi bên vẫn còn khá nhiều mâu thuẫn và kỳ họp tới, vào cuối năm nay, sẽ là một cơ hội tranh luận khác.

08:16

Chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa - California

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.