Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - VỆ SINH

Trung Quốc: Dùng bừa bãi sản phẩm hóa chất trong chăn nuôi heo

Trung Quốc vốn được biết đến nhiều là thường xuyên có vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuần báo Courrier International tuần này, có đăng bài trích dịch của một tờ báo tại Quảng Đông với tựa đề “Không có gì tốt trong sản phẩm thịt heo”, phản ánh hiện tượng dùng thuốc và các sản phẩm hóa chất vô tội vạ trong ngành chăn nuôi lợn tại Trung Quốc.

Nhân viên thú y Trung Quốc lấy mẫu phân tích trong một trại nuôi lợn ở Hà Nam, Trung Quốc, 15/03/2011 (Reuters)
Nhân viên thú y Trung Quốc lấy mẫu phân tích trong một trại nuôi lợn ở Hà Nam, Trung Quốc, 15/03/2011 (Reuters)
Quảng cáo

Thuốc nhuộm màu Su-đăng (một loại hóa màu tổng hợp bị cấm sử dụng trong thực phẩm từ năm 1995 tại châu Âu do yếu tố gây ung thư của nó), thuốc ho và chất chlorhydrate clenbuterol, là những sản phẩm mà những người chăn nuôi heo tại tỉnh Hải Nam thường xuyên sử dụng. Theo họ, chỉ cần sử dụng một trong ba loại hóa chất trên sẽ làm cho màu thịt tươi hơn và các sớ thịt đẹp hơn.

Theo bài phóng sự, lạm dụng hóa chất và các loại thuốc trong khai thác nông nghiệp đã trở nên khá phổ biến tại Trung Quốc. Bài báo thống kê 80% chất đạm có nguồn gốc động vật mà người Trung Quốc tiêu thụ chủ yếu là thịt lợn, chiếm phần lớn và thịt gia cầm. Mỗi năm Trung Quốc tiêu thụ hơn 600 triệu con heo, tức là mỗi người tiêu thụ nửa con/ năm.

Courrier International cho biết các trại nuôi lợn còn tiêm ngừa một cách bừa bãi, không tuân theo quy định nào. Bình thường, trong các trại nuôi lớn đạt chuẩn, trước khi được vỗ béo, một chú heo con chỉ cần tiêm chủng bốn lần. Tuy nhiên, do không tuân thủ các chuẩn mực về vệ sinh, các nhà chăn nuôi đã thêm vào nhiều loại vắc-xin khác, hòng gia tăng tỷ lệ sống sót của vật nuôi. Như vậy, mỗi chú heo con nhận hơn 10 loại vắc-xin, thậm chí là 11, nhiều hơn 2,5 lần so với chuẩn.

Thuốc kháng sinh dùng đại trà

Tại những trại nuôi lợn nhỏ và điều kiện y tế xấu, các nhà chăn nuôi bắt buộc phải dựa vào việc sử dụng kháng sinh, để nhằm hạn chế tỷ lệ tử vong của heo con.

Lấy lý do là thuốc thú y thường bị làm giả, không có tác dụng, những người chăn nuôi lợn đã lạm dụng thuốc dùng cho người như streptomycine và penicilline, với một liều lượng cao gấp 3 lần so với bình thường để tăng tối đa việc điều trị. Không những thế, trước khi gởi heo đến lò mổ, các nhà chăn nuôi còn sử dụng chất arsenic hữu cơ và chất sulphate đồng để làm tăng độ bóng của da lợn.

Hiểm họa chết người

Bài viết kết luận rằng, việc sử dụng các hóa dược hoạt tính nhằm khuyến khích tăng trưởng động vật từ lâu không còn là một điều bí mật trong ngành chăn nuôi lợn. Các loại hóa chất được sử dụng phổ biến rộng rãi nhất là clenbuterol, ractopamine và salbutamol, ba loại bêta-adrenaline dùng trong điều trị bệnh hen suyễn, đã được sử dụng từ lâu hòng tăng khối lượng thịt nạc.

Tuy nhiên, sự hiện diện của các loại chất thải trong sản phẩm thịt heo lại gây ra hiện tượng dậy thì sớm, tiềm ẩn sự nhiễm độc gây chết người ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của con người.

Pakistan và cuộc chiến chống khủng bố

Hồ sơ Pakistan sau vụ triệt hạ Ben Laden tại Abbottabad là một trong những đề tài được Courrier International quan tâm đến trong tuần này. Với bài viết “Ngồi trên ghế kẻ tội đồ, quân đội chơi bài tính đáng tin của mình”. Bài báo cho biết, quân đội Pakistan đóng một vai trò khá quan trọng như thế nào trong đời sống người dân nơi đây.

Việc quân đội Mỹ hạ sát Ben Laden ngay trên lãnh thổ Pakistan khiến cho người dân nước này nghi ngờ vai trò hiện nay quân đội. Họ tự hỏi liệu quân đội có biết rằng Ben Laden, người bị cả thế giới truy lùng, đã từng sống tại Abbottabad, chỉ cách Học viện quân sự lừng danh Pakistan có vài bước? Rằng họ có được quân đội Mỹ thông báo trước khi chiến dịch diễn ra hay không? Và nếu họ không hay biết gì thì quân đội để làm gì?

Không phải đây là lần đầu tiên người dân nước này bày tỏ sự bất bình của mình về quân đội Pakistan. Courrier International nhắc lại vụ việc cựu tổng thống tư lệnh Pervez Musharaf đưa ra quyết định bãi nhiệm chánh án Tòa án Tối cao Iftikhar Chaudhry năm 2007. Hệ quả là người dân nổi dậy chống lại chính quyền quân sự, ông Musharaf buộc phải từ chức vào năm 2008. Còn ông Iftikhar Chaudhry vô hình chung trở thành một người anh hùng bất đắc dĩ vì đã dám chống lại quân đội khi từ chối từ chức.

Quân đội Pakistan tô điểm lại mã quý tộc của mình

Vào năm 2007, trước làn sống phản đối kịch liệt của giới luật sư, quân đội buộc phải giữ khoảng cách với ông Musharaf. Tổng tham mưu quân đội mới, tướng Ashfaq Pervez Kayani, đã thực hiện nhiều biện pháp để khôi phục lại sự ủng hộ của dân chúng. Thêm vào đó, sự bất tín nhiệm của tổng thống Asif Ali Zardari hiện nay, lên nắm quyền năm 2008, đã góp phần vào việc chiếm lại lòng tin của nhân dân.

Sự kiện Ấn Độ bị tấn công năm 2008, đã làm lung lay cán cân quyền lực mong manh giữa dân sự và quân sự vốn đang chiếm ưu thế. Dưới chiêu bài “lo sợ Ấn Độ tấn công”, quân đội đã đưa được những vụ khủng bố này vào quên lãng thay vào đó là một bài diễn văn về mối đe dọa chiến tranh Ấn Độ - Pakistan. Như vậy là, mọi nỗ lực của tổng thống Zardari nhằm thiết lập hòa bình giữa hai dân tộc, cũng như thỏa hiệp với Ấn Độ tan thành mây khói.

Không những thế, quân đội còn thành công trong việc huy động người dân biểu tình chống lại các điều khoản của luật Kerry Lugar của Mỹ, có hiệu lực năm 2009, cho phép hỗ trợ phi quân sự tại Pakistan. Theo đó, một số điều khoản của luật này định hạn chế can thiệp của quân đội trong các vấn đề quốc gia. Như vậy là, từ một quốc gia kiêu hãnh về nền dân chủ của mình trước đó hai năm, thì đây chính là một sự quay đầu đột ngột.

Courrier International cho rằng với vụ việc Ben Laden, một lần nữa, chính quyền dân sự có một cơ may để đối phó với quân đội. Khi mà người dân Pakistan tự hỏi: Ossama Ben Laden làm chuyện gì ở đây, ngay giữa đồng xanh do quân đội bao bọc? Tại sao quân đội và Cơ quan tình báo không tài nào đánh bật ông ta trong khi ông này sống ở đấy từ nhiều năm nay?

Chính quyền dân sự Pakistan buộc thế lực quân sự phải đưa ra các ưu tiên về chiến lược, tầm nhìn của họ về vấn đề an ninh quốc gia và các mối liên hệ của họ với chủ nghĩa cực đoan và những người ủng hộ chủ nghĩa này. Tuy nhiên, không như những gì người ta trông đợi, để cải thiện hình bóng của mình, quân đội vẫn sử dụng chiêu bài “mối đe dọa từ Ấn Độ”. Và bài diễn thuyết cốt lõi này cho phép quân đội Pakistan đảm bảo được uy tín của mình về an ninh quốc gia. Khi mà Ấn Độ tuyên bố rằng có thể sẽ thực hiện các chiến dịch tương tự như Mỹ nhằm truy lùng những kẻ thù của mình đã tạo thêm lợi thế cho quân đội Pakistan, trong khi giới quân sự Pakistan đang cố gắng chứng minh một cách vô vọng về sự thiếu sáng suốt trong vụ việc Ben Laden.

Tự do cũng phải trả giá

Nhìn về Bắc Phi, kể từ cuộc “Cách Mạng Hoa Lài” diễn ra các đây 4 tháng, đất nước Tunisia giờ đây đang gặp nhiều khó khăn nhằm vực dậy nền kinh tế. Tuần báo l’Express tuần này có bài viết “Cái giá của sự tự do”. Theo bài báo, Tunisia vẫn còn có nhiều cơ hội để khôi phục lại nền kinh tế nếu họ biết khai thác hết những phương tiện có sẵn.

Bình thường, mỗi ngày các khách sạn hạng sang tại đất nước du lịch này có thể tiếp đón từ 600 đến 1300 du khách, thì nay con số này chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Du lịch chính là nguồn thu ngoại tệ chính của Tunisia, nhưng bây giờ thì du khách đã bay hơi hết. Chưa hết, đầu tư thì xuống dốc, thất nghiệp ngày càng nhiều. Đó chính là thảm trạng của nền kinh tế Tunisia hiện giờ. Người ta còn ước đoán tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ tuột xuống từ 5 còn 1% mà thôi.

Tất cả mọi hoạt động trong mọi lãnh vực đều bị sa sút, từ các tập đoàn lớn như ngân hàng, viễn thông, cho đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều thấy hoạt động kinh doanh của mình lao dốc. Thay vào đó, các sự kiện tại Libya còn làm suy yếu thêm nền kinh tế của nước này: 1000 doanh nghiệp được dựng lên ở Libya phải đóng cửa.

Không những thế, những người làm công còn đòi tăng lương từ 10 đến 20%. Đứng trước một áp lực mạnh mẽ, chính quyền Tunisia ban hành 17 biện pháp khẩn cấp nhằm hỗ trợ những khu vực gặp khó khăn và ngăn chặn thất nghiệp ở giới trẻ, nhất là những người có bằng cấp. Để thực hiện các biện pháp này, chính quyền Tunisia cần đến 1,2 tỷ euros dù đã rất hạn chế. Theo l’Express, Tunisia không thể nào một mình vượt qua khó khăn này. Tuy Pháp đã dự đoán viện trợ cho Tunisia 350 triệu euros, nhưng cũng vẫn chưa đủ. Hay như theo lời thuật lại cay đắng rằng Liên Hiệp Châu Âu đã bố thí cho họ 17 triệu euros. Các nhà đầu tư tư còn cẩn trọng hơn. Họ đứng ngoài quan sát và trông chờ kết quả của cuộc bầu cử sắp tới, do còn nghi ngờ về tính cạnh tranh của Tunisia.

Dù vậy, các nhà đầu tư cũng tỏ ra khá lạc quan cho rằng nếu có tăng lương thêm cũng không làm mất đi tính cạnh tranh của Tunisia. Theo đánh giá của một nhà kinh tế học, Tunisia vẫn còn nhiều cơ hội để phục hồi. Sở hữu một nền tảng vững chắc như vị trí địa lý thuận lợi và một đội ngũ nhân công có tay nghề, Tunisia có khả năng vượt qua được một năm đầy khó khăn này. Với điều kiện là phải xây dựng lại cho mình một mô hình và phát huy hết những quân cờ có sẵn. Tuy nhiên, Tunisia phải thực hiện nhanh chóng, không nên chậm trễ. Lý tưởng nhất là chính phủ nên tận dụng sự đình trệ này để định hướng lại họat động theo hướng các ngành công nghiệp có giá trị cao như công nghệ cao cấp, sức khỏe và năng lượng tái tạo, như lời nhận định của một viên chức cao cấp trong ngành Ngân hàng.

Như vậy, khi đó Tunisia có thể trở thành cánh cửa cho cả khu vực. Nó sẽ là một điểm trung chuyển để châu Âu có thể thâm nhập vào thị trường Libya và Algeria. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc nhiều vào nền dân chủ non trẻ có bị chao đảo nữa hay không và liên minh cầm quyền sau ngày 24/7 này có vững chắc hay không. Lúc đó, người Tunisia có thể khẳng định rằng “họ trả giá cho sự tự do không quá mắc”.

Trên trang nhất các tuần báo

Trên trang nhất các tuần báo Pháp hôm nay đề cập đến nhiều vấn đề. Le Nouvel Observateur với hàng tựa “Họ có tất cả: Tiền tài, quyền lực, đặc quyền…”, là bài điều tra về một thế hệ tài phiệt mới tại Pháp.

Trong khi đó các trang trong của tuần báo l’Express đăng một loạt bài về ông Dominique Strauss-Kan, tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế với tựa đề “Cách sinh hoạt của DSK trong tầm ngắm”, mô tả lại cuộc sống xa hoa giàu có của vợ chồng ông này.

Cuối cùng, tuần báo Courrier International viết về Nhật Bản, mô tả chân dung quần đảo này hai tháng sau thảm họa qua bài viết “Nhật Bản, suy nghĩ cho tương lai”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.