Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - KINH TẾ

Thảm họa ở Nhật làm sản lượng xe hơi thế giới giảm 3 triệu chiếc

Theo số liệu mới nhất, từ sau thảm họa động đất 11/3 ở Nhật Bản, do thiếu linh kiện, ngành sản xuất ô tô thế giới đã không thể sản xuất được 1,5 triệu chiếc, trong đó có 1,1 triệu thuộc các hãng hoạt động tại quốc đảo này. Phản ánh thông tin này, Les Echos có bài « Động đất Nhật Bản có nguy cơ làm ngành sản xuất ô tô thế giới sụt giảm từ 2 đến 3 triệu chiếc ». 

REUTERS
Quảng cáo

Tuy nhiên theo chủ tịch tập đoàn PSA Peugeot Citroen, ông Philippe Varin, con số thiệt hại cho ngành ô tô thế giới có thể lên đến 1,8 triệu. Tập đoàn này ít bị thiệt hại so với những hãng khác của Nhật Bản như Toyota, Nissan, Honda, vốn chiếm đến 80% sản lượng.

Cũng theo ông Philippe Varin, trước khi thảm họa xảy ra, các nhà sản xuất ô tô thế giới dự phóng con số tăng trưởng của năm 2011 là từ 5 đến 6%, thế nhưng thảm họa ở Nhật Bản buộc họ phải hạ tỷ lệ tăng trưởng này. Dù vậy, thị trường thế giới năm 2011 sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ vào sự năng động của một số nước như Trung Quốc và Nga.

Trong tình hình đó, tất cả lệ thuộc vào những biện pháp khắc phục mà các tập đoàn Nhật Bản sẽ áp dụng trong mùa thu tới.Theo đánh giá của cơ quan dự báo IHS Automotive Hoa Kỳ, với tình hình này, số lượng xe hơi không thể sản xuất được có thể chạm nóc vào đầu tháng 9, dao động từ 3,4 đến 4 triệu chiếc.

Liên quan đến kế hoạch sản xuất bù, IHS cho rằng, sắp tới các hãng phải tăng sản lượng. Dù thế, chỉ tiêu sản xuất cũng không thể bị thay đổi một cách dễ dàng do mức cầu trong ngành ô tô ở Nhật Bản sụt giảm mạnh, điều đó khiến các nhà sản xuất trên thế giới phải cẩn trọng cân nhắc. Theo một thành viên của ISH Automotive, năm 2011, các hãng chỉ sản xuất bù được 15%, số 85% còn lại phải chờ đến năm 2012.

Tuy vậy, tình hình cũng không quá bi quan. Theo Les Echos, sự phục hồi ngành công nghiệp ô tô đang bắt đầu. Hiện tại, hãng Toyota cho biết đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khoảng 30 loại linh kiện, trong khi đó hồi tháng 4 rồi con số này là 150, và hồi tháng 3 lên đến 500. Đối với hãng Nissan, hiện tại đang thiếu khoảng 20 linh kiện, trong khi vào tháng 3 con số này là 40.

"DSK" tiếp tục chiếm trang nhất các báo Pháp

Các báo Pháp hôm nay hầu hết dành trang nhất cho chủ đề liên quan đến vụ án ông Dominiaue Strauss-Kahn, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ứng cử viên tổng thống tiềm năng nhất của Đảng Xã hội Pháp.

Trang nhất L’Humanité chạy tít « DSK : từ bóng tối đến ánh sáng ». Les Echos đăng bài « Bị cáo số 1225782 », Le Figaro chạy tựa lớn «Strauss-Kahn, nhà tù ».

Ba tờ báo đều cho biết, ông DSK đã bị tòa án New York từ chối cho tại ngoại hầu tra do nghi ngại ông này có thể « trốn » khỏi nước Mỹ. Cả ba tờ báo điều có bài xã luận phân tích khả năng ông DSK sẽ rời khỏi IMF và cánh cửa điện L’Elysée đã khép lại trước ông.

Nhật báo Le Monde cũng dành trang nhất và một bài xã luận để phản ánh sự kiện này. Đặc biệt Le Monde phân tích ảnh hưởng của vụ việc DSK đến tình hình tại ban lãnh đạo IMF, đến khu vực đồng euro, và đến cánh tả Pháp trước thềm cuộc bầu chọn người đại diện ra tranh cử tổng thống.

Con đường đến điện L’Elysée của ông Dominique Strauss-Kahn đã bị phong tỏa !

Vụ án của ông Dominique Strauss-Kahn (DSK), giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, ứng cử viên tiềm năng nhất của Đảng Xã hội Pháp trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, tiếp tục dành ưu tiên chú ý của báo giới Pháp với những bài xã luận ấn tượng.

Với tựa đề « Sự sụp đổ », bài xã luận của tờ Libération nhận định, sự sụp đổ của ông DSK đang tiếp tục với một tốc độ chóng mặt. Sau khi bị bắt, bị tạm giam, bị buộc tội xâm hại tình dục, rồi nào là hình ảnh được quay kỹ lưỡng, rõ ràng cảnh ông DSK đi ra khỏi đồn cảnh sát một cách chậm chạp, cảnh ngồi chờ trong một căn phòng bẩn thỉu lờ mờ ánh sáng xanh của đèn néon, rồi cảnh DSK trước tòa với gương mặt thẫn thờ hiện trên màn ảnh rộng, đứng yên lặng trước một bà thẩm phán, xung quanh là vô số máy ảnh và caméra...Sự việc này, theo Libération, cho thấy sự minh bạch của ngành tư pháp Mỹ, nhưng cũng gợi nhớ đến một hình phạt thời xưa cũ, đó là hình phạt bêu riếu trước mọi người, một hình phạt buộc bị cáo phải trả giá cho tội lỗi của mình bằng sự xấu hổ trước đám đông.

Theo Libération, tiến trình xét xử sẽ được tiếp tục và sẽ xác định rõ toàn bộ sự việc xảy ra, những sự việc mà hiện tại vẫn còn khá manh mún. Trong khi đó, hình ảnh truyền thông làm cho « người chưa bị kết án » đã thành « người có tội ».

Chia sẻ quan điểm này, Le Monde có bài xã luận mang tên «Thời gian tư pháp ngược chiều với thời gian chính trị".

Tờ báo cho rằng, trong khi tòa chưa kết án chính thức ông DSK, thì trên phương diện truyền thông và chính trị, ông này đã bị xét xử, bị hình phạt « nặng nề và tàn nhẫn ». Đó là việc một trong những người đàn ông có ảnh hưởng nhất thế giới phải xuất hiện trên báo chí với hình ảnh bị còng tay sau lưng.

Vụ án đang tiếp tục được điều tra, và ngày 16/5 tới ông DSK sẽ chính thức ra hầu tòa tại New York. Tuy thế, thời gian đang cấp bách nếu muốn tham gia hoạt động chính trị tại Pháp. Quá trình xét xử có thể sẽ kéo dài, và dĩ nhiên ngăn cản ông DSK tham gia vòng bầu cử ứng viên tranh cử tổng thống của Đảng Xã hội Pháp. Sự việc nghiêm trọng đến mức bà Martine Aubry, bí thư thứ nhất Đảng Xã hội gọi đó là « một cú sét », và cú sét này sẽ đánh bật ông DSK ra khỏi chính trường, dù ông có phạm tội hay không.

Đảng Xã hội cố trấn tĩnh trước sự kiện Dominique Strauss-Kahn

Bài xã luận của Le Figaro thì quan tâm đến viễn cảnh « Một Đảng Xã hội  không có DSK », với hàng tựa «Đảng Xã hội : từ kế hoạch A đến kế hoạch B ».

Tờ báo cho rằng, quyết định của thẩm phán tòa án New York, bà Melissa Jackson về việc không chấp nhận cho ông DSK được tại ngoại hầu tra đã phác họa trước bức tranh của cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2012, một bức tranh không có ông DSK.

Theo tờ báo này, đó là kết cục bi thảm dành cho một người đàn ông được mọi người thường bảo là « sinh ra để hưởng hạnh phúc », và đến trước giờ bị bắt, tất cả hình như vẫn mỉm cười đối với ông. Thế nhưng, với ông, tất cả đã sụp đổ , và với Đảng Xã hội, tất cả đã thay đổi.

Trong khi nhiều nhân vật của Đảng Xã hội tuyên bố ra tranh cử tổng thống, thì bà Martine Aubry, thư ký thứ nhất đảng này, vẫn im hơi lặng tiếng chờ đợi ủng hộ ông DSK. Ông vốn là một nhân vật luôn đứng đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến, được xem là  ứng viên duy nhất có thể đưa cánh tả trở lại Điện Elysée.

Thế nhưng, hiện tại, bà Aubry rơi vào thế "chẳng đặng đừng" là phải ra tranh cử. So với các đối thủ khác trong đảng, bà thường bị cho là người thiếu tham vọng chính trị.

Một nhân vật tiềm năng khác của Đảng Xã hội là ông François Hollande, người tiền nhiệm của bà Aubry. Khó khăn lớn nhất của hai nhân vật này là làm sao để không bị xem là « ứng cử viên thay thế » cho ông DSK. Nhưng nguy cơ này rất lớn, do số phận bi thảm của DSK sẽ còn lảng vảng trên cuộc bầu cử người của đảng ra tranh cử tổng thống.

Những người ủng hộ đảng này thì chỉ còn biết đặt hy vọng vào bà Aubry và ông Hollande, hai nhân vật có tiềm năng nhất của đảng nếu không có mặt DSK - một người là đương kim lãnh đạo đảng, và một người đã từng lãnh đạo đảng ngót hơn 10 năm.

Còn những người ủng hộ ông DSK thì dĩ nhiên là buồn bã, họ buộc phải chuyển sang « kế hoạch B » trong khi tiếc rằng Đảng Xã hội sẽ không có người đại diện xứng đáng. Nhưng biết làm sao hơn được, bởi họ cũng lực bất tòng tâm, và bởi « bà thẩm phán Jackson đã muốn như vậy ».

Cũng liên quan đến vấn đề này, nhật báo Cộng sản Pháp L’Humanité đăng bài xã luận nhận định « Cánh tả không bị mồ côi ».

Tờ báo này cho rằng, sự việc của ông DSK chỉ làm cho cử tri cánh tả sửng sốt, bị sốc và cảm thấy lo lắng. « Thành công của cánh tả trong tương lai không phải lệ thuộc vào những cú hích được điều khiển từ xa của các cuộc thăm dò, cũng không phải chỉ do sức hấp dẫn của một người nào đó có thể quyết định được, mà cái quyết định của sự thành công là khả năng đáp ứng được nguyện vọng của một đất nước bị tổn thương sau 4 năm cầm quyền của Tổng thống Sarkozy ».

Bắc Kinh là điểm trung gian buôn bán vũ khí giữa Iran và Bắc Triều Tiên ?

Với bài viết « Bắc Kinh bảo vệ sự giao thương giữa Bình Nhưỡng và Teheran », Le Figaro cho biết, theo Liên Hiệp Quốc, mua bán vũ khí giữa Iran và Bắc Triều Tiên được Trung Quốc hỗ trợ.

Theo một báo cáo mật gửi cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, linh kiện tên lửa đạn đạo và những công nghệ nhạy cảm khác được sản xuất tại Bắc Triều Tiên nằm trong danh sách cấm của Liên Hiệp Quốc, thường được chuyên chở trên những chuyến bay dân sự quá cảnh qua Bắc Kinh. Theo báo cáo, những hãng vận tải là Air Koryo và Iran Air. Giao thương được tiến hành nhờ vào việc Trung Quốc nhắm mắt làm ngơ cho những chuyến bay dân sự có chở hàng cấm.

Tờ báo cho biết, Mỹ nghi ngờ Trung Quốc có thái độ nước đôi, vừa lên án việc thử vũ khí hạt nhân của chính quyền Kim Jong-il, vừa « áp dụng một cách mềm dẻo » biện pháp trừng phạt nước này, nhằm nới lỏng vòng vây cho chế độ Bình Nhưỡng. Theo Le Monde, buôn bán vũ khí mỗi năm mang lại cho Trung Quốc hàng trăm triệu đô la.

Về phần Iran, nước này là bạn hàng ưu tiên và lâu năm. Từ những năm 1980, Iran đã mua tên lửa của Bắc Triều Tiên để dùng làm mẫu sản xuất các loại tên lửa khác. Năm 2006, Bình Nhưỡng đã thử vũ khí nguyên tử thành công, và đã tiếp tục hấp dẫn Téhéran. Các chuyên gia Iran cũng đã tham gia đợt thử tên lửa đạn đạo tầm xa Teapodong 2 hồi tháng 4 năm 2009, tên lửa này sau đó bị rơi xuống Thái Bình Dương.

Chuyên gia Mỹ nghi ngại về việc chuyển giao công nghệ làm giàu uranium để sản xuất bom giữa hai nước này. Hồi tháng 11/2010, trong khi kế hoạch hạt nhân của Iran thất bại, thì Bắc Triều Tiên đã làm cho Mỹ sửng sốt khi tiết lộ sự tồn tại của một nhà máy làm giàu uranium tối hiện đại : Hơn 2.000 lò phản ứng ly tâm có thể sản xuất đủ lượng uranium đã làm giàu, dùng cho việc ra đời một trái bom nguyên tử trong vòng một năm. Một chuyên gia phương tây nhận định: « Chúng tôi chưa có bằng chứng cho thấy họ (Bắc Triều Tiên) đã cho vận hành các lò này chưa, nhưng có thể là họ đã cho xuất khẩu công nghệ có liên quan ».

Libya, Ai Cập, Syria cũng là bạn hàng quen thuộc của Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, sau cuộc nổi dậy của thế giới Ả Rập, Téhéran càng trở nên quan trọng đối với Bình Nhưỡng.

Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi Bắc Triều Tiên mở cửa như Trung Quốc và Việt Nam

Liên quan đến quan hệ hai miền Triều Tiên, với bài viết « Ông Lee không loại trừ khả năng xảy ra căng thẳng mới với Bắc Triều Tiên », Le Monde giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak nhân dịp ông này ghé thăm Paris từ ngày 12 đến ngày 14/5 và có cuộc hội kiến với các lãnh đạo Pháp và giới doanh nghiệp.

Trả lời cho câu hỏi liệu sự « gần gũi » của ông với Hoa Kỳ có ảnh hưởng đến tiến trình thống nhất hai miền nam bắc hay không, ông Lee Myung Bak cho rằng « Không ». Theo ông, Mỹ là đồng minh lịch sử của Hàn Quốc kể từ thời chiến tranh Triều Tiên. Mối quan hệ này không gây trở ngại cho tiến trình tái lập hòa bình với Bình Nhưỡng, mà trái lại còn giúp hạn chế nguy cơ chiến tranh, nhất là mối đe dọa hạt nhân đến từ miền bắc luôn hiển hiện.

Đề cập đến việc Hàn Quốc gần đây tăng cường biện pháp phòng vệ trên biển, ông Lee cho rằng, « khiêu khích » của Bắc Triều Tiên không phải là chuyện mới mẻ. Hàn Quốc cứng rắn hơn để cho miền Bắc hiểu rằng, những khiêu khích không hề có tác dụng và không hề được mọi người chấp nhận. Từ đó, ông Lee nhấn mạnh, sẽ không loại trừ khả năng xảy ra căng thẳng quân sự mạnh nếu những khiêu khích tái diễn.

Bình luận về khả năng đổi mới của Bắc Triều Tiên, Tổng thống Lee Myung-Bak thẳng thắn: « Thật khó mà nói trước được sự tiến triển của đất nước rất khép kín này. Chúng tôi cố gắng thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân nếu họ muốn tái lập đàm phán. Chúng tôi cũng có ý định giải thích cho họ hiểu là nếu muốn phát triển kinh tế thì phải mở cửa đất nước, như trường hợp của Trung Quốc và Việt Nam vậy ».

Hãy can thiệp sớm để chữa trị chứng đau đầu ở trẻ em

Trong lĩnh vực y tế, nhật báo La Croix có bài viết thông tin « Chứng đau đầu cũng xảy đến ở trẻ em ».

Theo giáo sư Alain Chantepie (Pháp), chứng đau đầu không phải là căn bệnh chỉ dành cho người lớn. Theo một nghiên cứu mới thực hiện, từ 5 đến 10% trẻ em cũng mắc phải bệnh này.

Thông thường, cơn đau đầu ở trẻ em thường khoảng 1 giờ, trong khi của người lớn có thể đến 4 giờ, và vùng đau của trẻ thường ở trán hoặc hai bên thái dương.

Theo giáo sư Chantepie, bác sĩ có thể xác định được rõ ràng vùng đau và cường độ đau đối với trẻ em từ năm tuổi trở lên. Trong trường hợp nghi ngờ, có thể cho tiến hành làm scanner hay IRM (xét nghiệm cộng hưởng từ). Về việc chữa trị, thông thường cho trẻ uống paracetamol, nếu chưa đủ thì dùng Ibuprofène. Đối với trẻ từ 12 tuổi, có thể dùng thuốc như đối với người lớn.

Giáo sư Chantepie nhấn mạnh, muốn đạt kết quả điều trị tối đa đối với bệnh đau đầu, nên cho dùng thuốc càng sớm càng tốt, ngay khi mới xuất hiện những triệu chứng đầu tiên.

Một điều đáng chú ý nữa là, bệnh đau đầu này còn có tính di truyền. Trong 90% trường hợp nghiên cứu, người ta thấy trong gia đình bệnh nhi, có người đã bị bệnh đau đầu.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.