Vào nội dung chính
LÀO

Lào bị "ngộp" vì đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc

Ngôn ngữ sử dụng là tiếng Hoa, tiền tệ được dùng là đồng nhân dân tệ Trung Quốc, đồng hồ chạy theo giờ Bắc Kinh. Tình trạng ở Boten, một thị trấn Lào là một ví dụ về nguy cơ nước này ngày càng bị ngộp dưới lượng đầu tư to lón từ ngoài đổ vào. 

Một dự án khách sạn tại Boten, Lào ( Vùng giáp với biên giới Trung Quốc)
Một dự án khách sạn tại Boten, Lào ( Vùng giáp với biên giới Trung Quốc) Nguồn:Internet
Quảng cáo

Theo nhiều nhà quan sát được hãng tin Pháp AFP hôm nay (18/05/2011) trích dẫn, thực tế trên đây tại thị trấn Lào, ở vùng giáp giới Trung Quốc, là một trong rất nhiều ví dụ cho thấy là quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé này đang bị choáng vì lượng đầu tư ngoại quốc quá lớn, và đang gặp khó khăn rất lớn trong việc đề ra được một chiến lược phát triển đúng đắn cho chính mình.

Trung Quốc là nước đứng hàng đầu trong danh sách các láng giềng đang ồ ạt dồn đầu tư vào Lào. Thị trấn Boten, với khách sạn và sòng bạc trang trí sặc sỡ, hoàn toàn nằm trong quyền kiểm soát của Trung Quốc. Đấy không phải là dấu hiệu duy nhất chứng tỏ sự hiện diện đông đảo của người Trung Quốc tại Lào.

Các đề án đồ sộ của Trung Quốc, đã hoặc đang hoàn thành, có mặt trong mọi ngành và mọi nơi tại Lào, từ quặng mỏ, đập thủy điện, đường sắt cao tốc, cho đến các khu đặc quyền khai thác nông nghiệp khác. Sự hiện diện của Trung Quốc bắt đầu tạo ra lo lắng trên cả nước Lào.

Theo một chuyên gia ngoại quốc làm việc tại Lào, vấn đề này là một chủ đề "trên cửa miệng của mọi người", được người Lào ngày càng đề cập đến nhiều hơn, công khai hơn, với những lời phê phán càng lúc càng mạnh hơn. Theo nhân vật này, vấn đề "quan điểm đế quốc" của người hàng xóm khổng lồ đã được đặt ra.

Không chỉ có Bắc Kinh mới nhòm ngó nước Lào. Theo ông Dominique Van der Borght, làm việc tại văn phòng Viên Chăn của tổ chức phi chính phủ Oxfam-Chi nhánh Bỉ, thì Hà Nội và Bangkok cũng đầu tư mạnh mẽ vào Lào.

Phải nói là trong thời gian gần đây, Lào đã có chuyển hướng nhất định trong cách thức phát triển của mình. Thay vì chủ yếu sống nhờ viện trợ quốc tế như trước đây, Viên Chăn hiện chủ trương thu nhận đầu tư nước ngoài. Theo số liệu chính thức, từ vỏn vẹn 51 triệu vào năm 2001, trong năm qua, lượng đầu tư nước ngoài tại Lào đã tăng lên thành 13,6 tỷ đô la trong năm 2010. Các láng giềng Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan chiếm ba thứ hạng trong danh sách các nhà đầu tư nhiều nhất, hơn xa các nước còn lại.

Vấn đề đối với Lào tuy nhiên lại là làm sao để ‘’tiêu hóa’’ tốt khối lượng đầu tư khổng lồ này. Theo bà Rio Pals, điều phối viên của mạng lưới INGO, bao gồm hơn 70 tổ chức nhân đạo hoạt động tại Lào, chính quyền "hiện không có năng lực xác định chất lượng các khoản đầu tư".

Mặt khác, mức tăng trưởng tại Lào, bình quân 7,9% từ năm 2006 đến 2010, chủ yếu đến từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Rừng, đất nông nghiệp, nước, khoáng sản và thủy điện chiếm một nửa trong sản lượng quốc gia.

Tăng trưởng dựa trên nguồn tài nguyên này không bền vững chút nào, nhất là khi các tài nguyên đó chủ yếu do nước ngoài khai thác để phục vụ cho họ, điển hình là trường hợp Trung Quốc. Nguy cơ tài nguyên bị khai thác quá đáng rồi bị cạn kiệt không phải là không có. Trong tình hình đó, một quan sát viên ngoại quốc đã lưu ý chính quyền Viên Chăn là "không nên cắt cành cây trên đó Lào đang ngồi".

Vấn đề đặt ra đối với Lào hiện nay là phải tìm ra một sự cân bằng, kiểm soát đầu tư mà không đóng cửa hẳn, nghênh đón giới đầu tư, bảo đảm lợi nhuận cho họ, nhưng đồng thời giúp cho người dân cũng được hưởng thành quả của tăng trưởng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.