Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - ĐIỆN NGUYÊN TỬ

Fukushima : Thông tin sai lạc của Tepco làm Nhật Bản mất uy tín

Mãi đến hai tháng sau vụ nhà máy hạt nhân Fukushima bị sóng thần, Tepco mới thừa nhận là thiệt hại nghiêm trọng hơn dự báo của họ. Các thanh nhiên liệu ở các lò phản ứng 1, 2 và 3 bị nóng chảy do hệ thống máy bơm nước hạ nhiệt bị hỏng.

Đo mức độ phóng xạ ở nơi cách nhà máy Fukushima 40 km, ngày 27/03/2011
Đo mức độ phóng xạ ở nơi cách nhà máy Fukushima 40 km, ngày 27/03/2011 Reuters/Christian Slund
Quảng cáo

Trong vụ này, thủ tướng Naoto Kan cũng nhận lỗi là đã « thông tin sai lạc cho dân chúng » khi liên tục đưa ra những lời tuyên bố trấn an thay vì khẩn cấp di tản dân cư trong khu vực ra thật xa.

Hệ quả của trận địa chấn và ngọn sóng thần thế kỷ xảy ra hôm 11/03/2011 tàn phá vùng đông bắc Nhật Bản không dừng lại ở con số nạn nhân và thảm họa hạt nhân. Hai tháng sau thiên tai, niềm tin cậy của người dân vào tập đoàn năng lượng hạt nhân Tepco cũng như vào chính phủ Nhật Bản gần như không còn nữa.

Vào thời điểm xảy ra vụ nổ đầu tiên tại nhà máy Fukushima, giới chuyên gia quốc tế đã nghi ngờ là sẽ không tránh khỏi tình trạng các thanh nhiên liệu bị nóng chảy do hệ thống máy bơm nước hạ nhiệt bị sóng thần đánh vỡ.

Tuy nhiên, tập đoàn điện lực Tepco khai thác nhà máy Fukushima vẫn khẳng định là « tình hình ổn định ».

Suốt thời gian xảy ra khủng hoảng, Tepco không bao giờ thông báo tin xấu cho đến khi không thể che dấu được nữa. Trong khi đó, lãnh đạo số một của tập đoàn biến mất và được thông báo phải nhập viện.

Mãi đến tuần vừa qua, Tepco mới phải thừa nhận là « thiệt hại tại Fukushima nghiêm trọng hơn thẩm định ».

Sự thiếu thành thật này không giúp cho Tepco bảo vệ được uy tín và duy trì lợi nhuận. Tập đoàn điện lực cho biết bị thâm thủng 11 tỷ đô la và thông báo thay thế tổng giám đốc Masataka Shimizu. Phụ tá tổng giám đốc Sakae Muto, người đối mặt hầu như hàng ngày với báo chí, cũng rời chức vụ.

Công luận Nhật phẫn nộ : Tại sao Tepco không thi hành những biện pháp đối phó thích ứng với hiểm nguy xảy ra động đất và sóng thần ?

Lời chỉ trích này cũng trực tiếp lên án Nhà nước dung dưỡng cho những sai trái của tập đoàn công nghiệp chiến lược.

Do vậy uy tín của thủ tướng Nhật bản Naoto Kan không tránh khỏi bị tổn hại. Hôm thứ sáu 20/05/2011, ông nhìn nhận với Quốc hội là những lời tuyên bố của ông với công chúng là « hoàn toàn sai ».

Thủ tướng Nhật Bản xin lỗi và nhận định là cần phải có một chính sách mới về hạt nhân, phải tái tổ chức hệ thống kiểm soát của Nhà nước hầu chinh phục lại niềm tin của dân chúng và quốc tế vào công nghiệp hạt nhân của Nhật.

Từ Tokyo, thông tín viên Đỗ Thông Minh phân tích :

"Tâm lý chung của người trách nhiệm là không muốn phô bầy toàn bộ mặt tiêu cực, như Việt Nam có câu “Không vạch áo cho người xem lưng”. Nhưng đây cũng là con dao hai lưỡi, vì khi che dấu thì sự cố có thể diễn biến xấu hơn và phản ứng thành ra chậm hơn.

Một phần việc không công bố đầy đủ vì TEPCO cũng không nắm vững tình hình sau một loạt vụ nổ và cháy 4 lò từ số 1 đến số 4 ngay trong các ngày đầu 12-16/3. Phải hai tháng sau, nhân viên mới vào được bên trong nhà chứa lò và ghi nhận chính xác hơn mức độ hư hại và công trình biểu khắc phục cho thấy phải đến cuối năm 2011 hay tháng 1/2012.

TEPCO (Tokyo Electric Power) đã công nhận muộn màng rằng thiệt hại cho các lò phản ứng làm tê liệt tại nhà máy hạt nhân của họ còn tồi tệ hơn so với suy nghĩ đầu tiên, gây nghi ngờ là họ đã giữ lại những tin xấu trong những ngày đầu tiên của cuộc khủng hoảng của Nhật Bản.

Một loạt các tái đánh giá về thiệt hại tại Fukushima 1 đã nổi lên khi bắt đầu có điều kiện đưa người lao động vào các nhà chứa lò phản ứng nguyên tử, hơn 2 tháng sau khi thảm họa hạt nhân được coi là tồi tệ nhất chỉ sau vụ Chernobyl.

Trong tuần trước, TEPCO thừa nhận các thanh nhiên liệu bên trong lõi lò phản ứng đã bị nóng chảy trong vài giờ đầu tiên (động đất lúc 2:46 pm, nóng chảy lúc 7:30 pm) sau khi sóng thần ngày 11/3 làm hư hệ thống giải nhiệt. Đó là một sự đảo ngược rõ ràng các đánh giá trước đó của cả TEPCO và chính phủ về cuộc khủng hoảng, cho là các lò phản ứng tương đối ổn định và rò rỉ bức xạ nguy hiểm đã phần lớn được khắc phục.

Thủ tướng Naoto Kan thừa nhận rằng chính phủ đã không nhìn thấy sai sót trong các đánh giá trước đó của TEPCO và kêu gọi một cuộc cải tổ quản lý. Ông nói trong một cuộc họp Quốc hội hôm thứ Sáu 20/5: "Những gì tôi nói với công chúng cơ bản là sai. Chúng tôi thất bại, không đáp ứng được với những đánh giá sai lầm của TEPCO. Tôi thành thật xin lỗi".

TEPCO đã sửa đổi thông tin trước đó, chỉ sau khi họ có thể gửi nhân viên vào bên trong nhà chứa lò, đến gần, đủ để đọc đồng hồ đo, nhưng các nhà phê bình cho rằng giới chuyên gia độc lập đã có nhiều kết luận tương tự trước đó. "Cách TEPCO đưa ra thông tin hoàn toàn thiếu ý nghĩa nào đó của cuộc khủng hoảng”.

Tờ Nikkei Business Daily cho biết trong một phân tích trên trang đầu rằng: "Hai tháng sau khi tai nạn xảy ra, họ thừa nhận một cuộc khủng hoảng tại lò số 1. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chỉ ra ngay lập tức sau khi sự cố xảy ra.Họ không đề cập đến tin xấu cho đến khi nó được xác nhận. Hành vi đó dẫn đến mất lòng tin...".

Vì vậy, phạm vi di tản dân chúng diễn ra từng đợt, nới dần bán kính đối với nhà máy Fukushima 1. Từ 3 km, nay thì lên tới 30 km và tại một vài nơi như Itadate... phía tây bắc nhà máy, đã vượt cả ra ngoài phạm vi này.

Đầu tháng 5, TEPCO đưa ra công trình biểu khắc phục phải đến cuối năm 2011 hay tháng 1/2012 và theo hư hại ngoài dự tưởng tại lò số 1 là cả nồi áp suất và vỏ bọc đều bị rò rỉ, nên ngày 17/5 đã phải sửa chữa nội dung công trình biểu, sau khi họp bàn với chính phủ.

Ngày 15/5, theo thăm dò mới nhất về phản ứng của dân chúng đối với chính phủ của thủ tướng Naoto Kan thì có đến 73% không tán đồng cách xử lý vụ khủng hoảng hạt nhân".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.