Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Việc khai thác than thái quá đánh thức ý thức dân tộc ở người Nội Mông

Nhật báo Le Monde hôm nay có bài “Việc khai thác than thái quá đánh thức tinh thần dân tộc của người Nội Mông tại Trung Quốc”, mô tả lại những biến cố diễn ra từ ngày 23/5 đến nay tại khu vực Nội Mông, miền Bắc Trung Quốc.

Lực lượng cảnh sát tại Hohhot, Nội Mông, Trung Quốc ngày 29/5/11.
Lực lượng cảnh sát tại Hohhot, Nội Mông, Trung Quốc ngày 29/5/11. REUTERS/Southern Mongolian Human Rights Information Center
Quảng cáo

Nhìn từ bên ngoài, mọi thứ có vẻ bình yên tại thành phố Xilinhot (Tích Lâm), nơi có 150.000 cư dân sinh sống. Cơn sốt bất động sản đã làm nở rộ nhiều tổ hợp thương mại và các khu chung cư. Tuy nhiên, tiền thu được từ các mỏ than Nội Mông, nơi có sản lượng đứng số một tại Trung Quốc, không chỉ mang lại cho các đô thị vẻ hào nhoáng và hiện đại.

Sự nở rộ của ngành công nghiệp khai thác than cũng chính là nguyên nhân của các cuộc biểu tình tại Xilinhot và một số đô thị thuộc khu vực này vào ngày 23/5. Các cuộc biểu tình diễn ra tiếp theo một xung đột xảy ra cách đây mươi hôm, giữa các nhân viên của một đoàn xe chở than và những người chăn gia súc Mông Cổ. Các cư dân thuộc huyện tự trị Xiwuqi, ở phía tây của thành phố Xilinhot và các vùng phụ cận, cùng hàng trăm học sinh, sinh viên người Mông Cổ đã tuần hành trên đường phố, với các biểu ngữ bằng tiếng Mông Cổ kêu gọi “bảo vệ đất đai và quyền lợi” của họ.

Các cuộc biểu tình kể trên không được báo chí chính thức của Trung Quốc đưa tin. Tuy nhiên lần đầu tiên, biến cố này đã làm nổi lên các yêu sách dân tộc của người Mông Cổ tại một khu vực vốn đã có rất đông người Hán sinh sống (trên tổng số 24 triệu cư dân của khu tự trị, chỉ có 6 triệu người Mông Cổ). Mặc cảm đối với sự thống trị của người Hán tại đây không mạnh mẽ bằng và ít được biến đến, so với Tây Tạng hay khu vực Tân Cương của người Duy Ngô Nhĩ.

Le Monde tường trình lại biến cố xảy ra vào đêm ngày 10 qua sáng 11/5, khi ông Mergen, một người chăn gia súc 35 tuổi, trong khi cùng với nhóm ngăn cản chuyến xe chở than đi ngang qua khu vực chăn thả của họ, đã bị cán chết thê thảm và bị kéo lê đi hàng trăm mét. Những lời thuật lại cùng với những bức ảnh về cái chết thảm thương này đã được Trung tâm nhân quyền Nam Mông Cổ phát đi trên mạng.

Một vụ chết người khác đã xảy ra ít lâu, ngày 15/5, tại vùng Abagaqi nằm về phía bắc thành phố Xilinhot. Nạn nhân lần này là một thanh niên người Hán. Người này đã bị một chiếc xe lớn đâm chết, khi cùng với một nhóm cư dân đi phản đối việc khai thác tại khu mỏ than gây ra các hậu quả môi trường. Sự phẫn nộ đối với các hoạt động than phá hoại môi trường, như vậy, không chỉ giới hạn trong nội bộ những người thuộc sắc tộc Mông Cổ. Mặc dù không tham gia vào các cuộc biểu tình của người Mông Cổ ngày 25/5, nhưng nhiều người Hán cũng bày tỏ sự đồng tình.

Hiện tại, tất cả học sinh sinh viên người Hán, cũng như người Mông Cổ, tại các khu vực kể trên đều bị kiểm soát không được ra khỏi trường trong giờ học. Internet bị cản trở. Những người dùng điện thoại di động thường xuyên nhận được các tin nhắn cảnh cáo “hãy tôn trọng luật pháp”. Lực lượng an ninh dày đặc sẵn sàng đối phó với các cuộc biểu tình.

Theo Le Monde, người Mông Cổ tại khu tự trị Nội Mông cảm thấy bị đối xử vô cùng bất công. Họ đã từng bị bắt buộc phải từ bỏ cuộc sống du mục để sống định cư, với lý do bảo vệ môi trường. Trong khu vực đang đô thị hóa rất nhanh chóng, các cư dân Mông Cổ ngày càng bị loại ra bên lề xã hội về mặt kinh tế và văn hóa. Rất nhiều thanh niên thuộc sắc tộc này không tìm được việc làm. Trong khi đó, các xí nghiệp khai thác than được mở ra khắp mọi nơi, khiến cho môi trường sống tự nhiên vốn đã bị thu hẹp, trở nên ô nhiễm một cách trầm trọng và nguồn sống từ chăn nuôi bị xâm phạm.

Le Monde tiếp xúc được với một người đàn ông Mông Cổ 41 tuổi, có vợ và hai con, sống tại chung cư ở đô thị, trong khi ông vẫn có một đàn gia súc chăn thả cách đó khoảng 100 km, nơi một mỏ than sắp được mở ra vào năm 2012. Ông cho biết rất ủng hộ việc con gái, 16 tuổi, đang học tại Xilinhot tham gia vào cuộc biểu tình ngày 25/5. Ông cũng hy vọng lớp trẻ không lo sợ bị trả thù như những người lớn tuổi. “Giới trẻ hiện nay có giáo dục hơn. Chúng ý thức được mình là người Mông Cổ, đấy là điều tốt”, ông khẳng định.

Những cú sốc từ quyết định từ bỏ hạt nhân của Đức

Các nhật báo Pháp hôm nay đặc biệt chú ý đến quyết định của chính phủ Đức từ bỏ hạt nhân vào năm 2020. Đối với tờ Le Figaro, rõ ràng là “Nước Đức đã nhường bước trước phong trào bảo vệ sinh thái”, như hàng tựa chính trên trang nhất nhật báo. Xã luận Le Figaro nhận xét, quyết định của chính phủ của thủ tướng Angela Merkel dựa trên một tính toán nhằm phục vụ cho tranh cử.

Trước sự sụp đổ của đảng Tự do FDP - một thành viên chính trong liên minh cầm quyền, bà Angela Merkel tìm cách liên kết với đảng Xanh. Chính sách nhằm tạo nên liên minh chính trị mới này tại Đức sẽ có ảnh hưởng dây chuyền đến toàn Châu Âu. Cụ thể là, Le Figaro khẳng định, Châu Âu sẽ phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào nguồn khí đốt đến từ Nga. Theo Le Figaro, với chính sách đạo đức giả này, trong tương lai thậm chí người Đức sẽ phải mua điện hạt nhân từ Pháp để sử dụng.

Còn theo La Croix, với chính sách từ bỏ hạt nhân nhanh chóng, Đức đã tách ra khỏi Pháp. Tờ báo cho biết, quyết định của Đức đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân đã được đón nhận một cách dè dặt tại Pháp và nhiều nước Châu Âu khác. “Angela Merkel quay ngoắt 180 độ” là hàng tựa trang trong của tờ La Croix. Nhiều câu hỏi được đặt ra như : việc từ bỏ hạt nhân diễn ra như thế nào? Năng lượng nào sẽ thay thế cho hạt nhân ? Và cái giá nào sẽ phải trả cho việc từ bỏ này ?

Trả lời phỏng vấn Libération, bộ trưởng Công nghiệp và Năng lượng Pháp Eric Besson khẳng định « Sẽ không có việc ra luật tạm ngưng các lò phản ứng hạt nhân thế hệ ba (EPR) ». Bộ trưởng Eric Besson khẳng định quyết tâm của Pháp trong việc phát triển các kỹ thuật an toàn nhất trong lĩnh vực này để đối phó với các thảm họa như kiểu Fukushima. Cũng trên Libération, thông tín viên từ Berlin cho biết một số biện pháp cụ thể của chính phủ Đức nhằm khắc phục lượng điện bị thiếu hụt, sau khi các nhà máy hạt nhân ngừng hoạt động. Các biện pháp chủ yếu là phát triển các năng lượng mới, đặc biệt là gió, hiện chiếm 17% lượng điện sản xuất tại Đức.

Thành phố Fukushima vẫn lo ngại

Cũng liên quan đến hạt nhân, Le Monde có bài « Tại Fukushima, ngự trị một bầu không khí ngờ vực ». Bài báo cho biết, hơn hai tháng sau tai nạn hạt nhân, tại thành phố Fukushima, cách nhà máy điện hạt nhân hơn 60 km, với 300.000 dân, trẻ em bắt đầu đến trường, nhưng việc tẩy trừ bụi phóng xạ tại trường học diễn ra chậm. Cha mẹ học sinh lo ngại và bất bình. Theo một số phụ huynh học sinh, chính phủ đã thay đổi mức chuẩn phóng xạ có khả năng gây bệnh, để không phải bỏ tiền chi cho việc sơ tán dân cư. Trẻ em không còn được tự do chơi trong công viên hay sân trường như trước kia. Thậm chí có em đặt câu hỏi, cần phải bao nhiêu lâu sau mới biết được rằng mình bị mắc bệnh ung thư tuyến giáp.

Các nữ chính trị gia Pháp lên tiếng

Với tựa đề « Trong chính trị, thói vũ phu bị lên án », nhật báo Libération dành sự chú ý đặc biệt cho việc các nữ chính trị gia Pháp lên tiếng chống lại thói thô bạo của đàn ông. Nhiều phụ nữ hoạt động chính trị đã đứng ra làm chứng cho tệ vũ phu hoành hành trong chính giới Pháp. « Đời sống của một phụ nữ làm chính trị không dễ dàng gì », đó là tựa đề bài viết của tờ Libération.

Sau hai vụ án  Dominique Strauss-kahn, cựu giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, và Georges Tron, cựu Quốc vụ khanh của chính phủ Pháp phụ trách công vụ, nhiều nữ chính trị gia Pháp đã lên tiếng tố cáo nạn quấy nhiễu và bạo hành tình dục. Câu hỏi đặt ra là, liệu giới chính trị có phải là nơi thói thô bạo của đàn ông ngự trị nặng nề hơn là các môi trường khác ? Theo bình luận của Libération, các nhân chứng phụ nữ cho thấy, nạn bạo hành tình dục rất phổ biến trong môi trường này.

Bà Roselyne Bachelot, thành viên đảng UMP, bộ trưởng Bộ Liên đới, cho biết trong khoảng 30 năm trở lại đây, có một sự thay đổi sâu sắc trong lĩnh vực này. Hiện nay, bà không còn thấy những lời lẽ tục tĩu như đầu những năm 1980. Không còn phụ nữ nào bị tấn công một cách công khai chỉ vì là nữ. Tuy nhiên, nữ bộ trưởng khẳng định, cuộc chiến trong lĩnh vực này không kết thúc. Việc lạm dụng quyền lực có thể tồn tại khắp mọi nơi. Vì thế cuộc đấu tranh cần phải tiếp tục không ngừng.

Bên cạnh đó, bà Aurélie Filipetti, người phát ngôn của nhóm nghị sĩ đảng Xã hội tại Quốc hội, khẳng định, đời sống chính trị Pháp vẫn chìm trong một nền văn hóa gia trưởng. Ở đây sự bình đẳng giới được coi là một nguyên tắc mang tính bó buộc. Ở đây những người đấu tranh cho nữ quyền bị gán cho nhãn hiệu người mắc bệnh tâm thần thể ictêri (hystérie). 80% không gian chính trị Pháp vẫn bị nam giới « chiếm đoạt ».
Tuy nhiên, theo bình luận của Libération, cũng cần thêm vào là, « chính trị là một nghề khắc nghiệt và phụ nữ trong nghề này cũng không phải là những tay vừa ».

Việt Nam làm sạch lực lượng cảnh sát

Libération hôm nay chú ý đến một sự kiện mới tại Việt Nam. Ngày 24/5, chính quyền Việt Nam đã ra một chỉ thị « lập lại kỷ luật trong hành xử của lực lượng cảnh sát làm việc tại những nơi công cộng ». Cụ thể là việc mang kính râm, đút tay vào túi, hút thuốc lá và thái độ hống hách bị nghiêm cấm trong khi làm nhiệm vụ. Nói chuyện, đọc sách báo, uống rượu cũng có mặt trong danh sách các hành động bị cấm.

Quyết định này của chính phủ Việt Nam, theo bình luận của Libération, là nhằm đưa lực lượng cảnh sát vào kỷ luật và xóa đi hình ảnh kinh hoàng về các nhân viên công lực tham nhũng và hư hỏng, thường gây ra các vụ bạo hành. Năm 2010, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch đã yêu cầu chính quyền Việt Nam điều tra về 19 vụ bạo hành do cảnh sát gây ra, khiến 15 người bị thiệt mạng.

Tình nguyện vì trẻ em Mêkông

Để kết thúc chương trình, chúng tôi xin giới thiệu các hoạt động của một mạng lưới thiện nguyện vì giới trẻ khu vực bảy nước Đông Nam Á, được La Croix đăng tải. Hiệp hội Trẻ em Mêkông được ông René Péchard, người Pháp, sáng lập năm 1958, với ý tưởng ban đầu nhằm cổ vũ việc đỡ đầu cho các em nhỏ thuộc khu vực Đông Dương. Hiện nay, hiệp hội này giúp đỡ tổng cộng 22.000 em nhỏ thuộc bảy nước trong khu vực. Năm 2008, mạng lưới trợ giúp mở rộng ra cả vùng chân núi Himalaya (Trung Quốc), nơi bắt nguồn của dòng Mêkông.

Nhờ Hiệp hội Trẻ em Mêkông, những em nhỏ các vùng xa xôi hẻo lánh được đỡ đầu, được đi học. Nhiều khu nhà ở tại các thành phố gần các trường đại học được xây dựng để tiếp nhận các em. Bên cạnh trợ giúp về chỗ ở và học phí, các em còn có thể theo học các khóa đào tạo bổ sung, các lớp huấn nghệ và một khóa đào tạo nhằm phát triển các tiềm năng của bản thân. Với 24 euro hàng tháng, người cha hay mẹ đỡ đầu có thể bảo trợ cho một em nhỏ và gia đình. Năm nay, 43 thanh niên trong hiệp hội này đã tình nguyện đóng góp một năm trời để tham gia vào các hoạt động tại chỗ nhằm cải thiện đời sống của các em nhỏ bị thiệt thòi tại khu vực Mêkông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.