Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Lần đầu tiên Trung Quốc nhượng bộ tuổi trẻ Mông Cổ

« Thành công đầu tiên của người Mông Cổ ở Trung Quốc », đó là tựa đề bài viết trên nhật báo công giáo La Croix hôm nay, khi đề cập đến sự kiện Bắc Kinh chấp nhận cải cách công nghiệp mỏ tại khu tự trị Nội Mông. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc nhượng bộ trước yêu sách của tuổi trẻ Mông Cổ, sau các cuộc biểu tình làm rung chuyển cả vùng Nội Mông tuần trước.

Nước bị nhiễm độc do khai thác đất hiếm ở vùng Nội Mông
Nước bị nhiễm độc do khai thác đất hiếm ở vùng Nội Mông (Ảnh : Lei Yang/DR)
Quảng cáo

Tựa chính của các báo Pháp ngày 06/06/11 tập trung cho sự kiện cựu Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, ông Dominique Strauss-Kahn, thường được gọi tắt là DSK, phải ra trước tòa án New York.

Nhật báo cánh tả Libération chạy tựa « DSK trước vành móng ngựa » và nhấn mạnh, trong phiên tòa quan trọng này, người từng được coi là ứng cử viên đầy triển vọng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm tới, sẽ phải đưa ra một chiến thuật tranh tụng sao cho hiệu quả.

Tương tự, nhật báo cánh hữu Le Figaro đưa tít « DSK, ngày trọng đại », vì ông đã quyết định không nhận tội. Nhật báo Le Monde phân tích « DSK đối mặt với các quan tòa : Các luật sư chuẩn bị biện hộ như thế nào ». Nhật báo công giáo La Croix so sánh sự khác biệt giữa hai hệ thống tư pháp Mỹ - Pháp, với tựa đề « Cú sốc tư pháp ».

Một chiến thắng tạm thời của dân tộc Mông Cổ 

« Thành công đầu tiên của người Mông Cổ ở Trung Quốc », đó là tựa đề bài viết trên nhật báo công giáo La Croix hôm nay, khi đề cập đến sự kiện Bắc Kinh chấp nhận cải cách công nghiệp mỏ tại khu tự trị Nội Mông. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc nhượng bộ trước yêu sách của tuổi trẻ Mông Cổ, sau các cuộc biểu tình làm rung chuyển cả vùng Nội Mông tuần trước. 

Theo Tân Hoa Xã, đã có bốn công ty khai thác mỏ bị đóng cửa vĩnh viễn, và 34 công ty khác phải ngưng hoạt động một thời gian. La Croix cho rằng đây là một chiến thắng tạm thời của dân tộc Mông Cổ, theo chân các dân tộc thiểu số khác là người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng, đòi hỏi người Hán phải tôn trọng quyền lợi và nền văn hóa của mình. 

Tờ báo nhắc lại các cuộc biểu tình với quy mô chưa từng thấy đã khởi đầu vào ngày 23/5. Hàng mấy trăm người Mông Cổ đã xuống đường để phản đối vụ một người chăn cừu bị chiếc xe do một người Hán điều khiển cán chết, trong khi anh này đang cố gắng ngăn trở các xe tải chở than, cùng với một số người khác. 

Từ vài năm qua, quan hệ giữa người Hán và người Mông Cổ tại vùng Nội Mông đã trở nên rất căng thẳng. Vùng này có trữ lượng than đá dồi dào, và chiếm đến 95% trữ lượng đất hiếm của toàn Trung Quốc. Dưới sự thúc đẩy của Bắc Kinh, người Hán đã tăng cường khai thác các mỏ dưới lòng đất Nội Mông. Một trong các hậu quả của tình trạng khai thác quá mức này là những cánh đồng cỏ của người chăn cừu Mông Cổ bị hủy hoại. 

Ông Didier Chaudet, chuyên gia về Trung Á nhận xét, không những người Mông Cổ không hưởng lợi gì trong việc khai thác nguồn lợi thiên nhiên, mà nếp sống truyền thống của họ cũng bị đe dọa. Theo ông, khi phân tích các vụ biểu tình ở Mông Cổ, cần nhớ lại hai cuộc nổi dậy hai dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương và Tây Tạng, bị Bắc Kinh thẳng tay đàn áp vào năm 2008 và 2009. 

Nhà nghiên cứu này nhận định, cũng như người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ, người Mông Cổ rất sợ nền văn hóa của mình bị làn sóng người Hán đè bẹp. Bởi vì dù có khoe khoang vấn đề hòa hợp đa chủng tộc, nhưng chính người Hán mới nắm giữ mọi quyền lực. Đối với các dân tộc thiểu số, thì Hán tộc đối xử với họ như kiểu thực dân đối với người bị đô hộ. 

Ông Chaudet cho rằng, phong trào phản kháng ở Nội Mông ít có cơ lan rộng được. Tại vùng này, chỉ có 5 triệu người Mông Cổ so với 25 triệu người Hán, còn nếu so với một tỉ người Hán trên cả nước Trung Quốc thì lại càng quá nhỏ bé. Tuy vậy cũng có nguy cơ xuất hiện những nhóm khủng bố Mông Cổ, như trong trường hợp người Duy Ngô Nhĩ. Phong trào Dayar Mongol (tạm dịch là Thuần Mông Cổ) hiện đã có những lời tuyên bố bài Trung Quốc. 

Đừng lãng quên Thiên An Môn 

Cũng liên quan đến Trung Quốc, trên trang tranh luận của báo Le Monde có bài viết mang tựa đề « Xin đừng quên Thiên An Môn » của một giáo sư sử học Trung Quốc đang tị nạn tại Pháp. 

Tác giả nhắc lại thời điểm tháng 4/1989, cái chết của Tổng bí thư Hồ Diệu Bang đã khởi đầu cho phong trào dân chủ, và khi ông Mikhail Gorbachev đến thăm Trung Quốc, sinh viên Bắc Kinh đã tổ chức một cuộc tuyệt thực quy mô ở quảng trường Thiên An Môn. Hồi đó, họ đều có cảm giác đang tham gia vào những giờ phút vinh quang của lịch sử. Nhưng những loạt súng bắn vào đám đông trong đêm 3 rạng 4 tháng 6 đã làm sững sờ cả hành tinh. Đó là lần đầu tiên bản chất sát nhân của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã được lật mặt trước các ống kính quay phim của thế giới. 

Vị giáo sư này ghi nhận các quốc gia dân chủ đã rộng lòng đón tiếp những người tị nạn chính trị Trung Quốc, đặc biệt là nước Pháp. Liên đoàn Vì dân chủ tại Trung Quốc chào đời tại đại học Sorbonne với nghi thức trang trọng, có sự hiện diện của các chính khách danh tiếng Pháp. Và những nhà đấu tranh dân chủ tin rằng một chính quyền không ngần ngại bắn thẳng vào tuổi trẻ, sẽ không còn tồn tại lâu. 

Nhưng chỉ hai năm sau, phong trào đã chìm hẳn một cách không kèn không trống. Còn chính quyền Bắc Kinh thì sau hai năm quan hệ ngoại giao đóng băng, đã lao vào cải cách kinh tế và củng cố quyền lực. 

Tác giả đặt câu hỏi, hàng triệu con người từng xuống đường đòi dân chủ năm 1989 đi đâu cả rồi ? Họ đã chấp nhận các lý lẽ mà chính quyền Bắc Kinh đưa ra để biện minh cho vụ thảm sát chăng ? Nhưng không ! Chỉ cần nhìn cách mà chính quyền Trung Quốc bịt miệng báo chí, kiểm duyệt mọi phương tiện truyền thông, trấn áp tàn bạo mọi xu hướng ly khai…thì sẽ hiểu ngay sự thật. Và thế là con số người Trung Quốc tìm cách tị nạn chính trị ở nước ngoài ngày càng tăng, riêng ở Pháp, số người Trung Quốc xin tị nạn hiện đứng hàng thứ ba. 

Nhưng theo tác giả, cần chú ý một điều là cộng đồng người Hoa tại Pháp đã trở thành một lực lượng đông đảo có thể gây áp lực. Cuộc tập hợp đông đảo nhất vào ngày 19/4/2008 trên quảng trường République ở Paris, diễn ra chỉ vài ngày sau phong trào chống đối Thế vận hội Bắc Kinh nhân sự kiện rước đuốc Olympic. Mục đích của cuộc biểu tình này là phản đối lại « sự bóp méo thông tin » của truyền thông phương Tây về tình hình Trung Quốc. Trong khi đó báo chí Pháp vốn phong phú về khuynh hướng, từ tả, hữu đến độc lập, chứ không chỉ là con vẹt của đảng như báo chí Bắc Kinh. Đại sứ quán Trung Quốc ở Paris có thể huy động hàng ngàn sinh viên người Hoa thông qua các tổ chức Hoa kiều chính thức và không chính thức để phản đối lại các dư luận không có lợi cho Bắc Kinh tại Pháp. 

Tác giả cảnh báo các nước dân chủ, đây thực sự là một thử thách cho giá trị toàn cầu của tự do thông tin, tự do ngôn luận. Bắc Kinh cho rằng báo chí phương Tây phải xử sự như báo chí trong nước, và nếu không như ý mình thì không ngần ngại đả kích. 

Bài báo kết luận, nhiều người Hoa nay đã hiểu rằng nếu biểu tình ở Pháp chống lại chính phủ Pháp thì không sao cả, ngược lại nếu tổ chức biểu tình ở Paris chống lại vi phạm nhân quyền ở Bắc Kinh thì họ sẽ chịu nhiều rủi ro. 

SIDA : 15 tỉ euro mỗi năm để mỗi người bệnh đều có thuốc chữa 

Trên lãnh vực y tế xã hội, nhân 30 năm ngày phát hiện ra trường hợp nhiễm HIV đầu tiên trên thế giới, nhật báo Le Monde có bài xã luận mang tựa đề « SIDA : Cần duy trì nỗ lực tài chính cần thiết ». 

Tờ báo nhấn mạnh, cho đến nay đã có 25 triệu người chết vì căn bệnh thế kỷ. Với mục tiêu đặt ra cho năm 2015 là mọi bệnh nhân đều có được thuốc chữa trị, phải cần 22 tỉ đô la để tránh được trên 12 triệu ca lây nhiễm mới, sẽ làm cho 7,4 triệu người chết từ nay cho đến năm 2020. 

Le Monde điểm lại hai thập kỷ đầu tiên, đã có những nỗ lực vượt bực của khoa học để nhận diện được virus HIV đang hủy hoại 27,5 triệu con người trên thế giới. Phương pháp phối hợp ba loại thuốc đã cứu được khá nhiều mạng người. Nhưng các nước nghèo phương Nam lại bị bỏ rơi, đặc biệt là Phi châu, vì thời đó giá thuốc SIDA ngoài tầm tay với của các nước đang phát triển. 

Phiên họp đặc biệt toàn thể của Liên Hiệp Quốc vào năm 2001, cách đây đúng 10 năm, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử. Quỹ thế giới chống SIDA, bệnh lao và sốt rét được thành lập đã giúp cứu được 6,5 triệu người trong thập niên này. Nhờ huy động được một số tiền khổng lồ, số bệnh nhân tại các nước nghèo được điều trị đã tăng lên đến 22 lần, số tử vong từ 2,1 triệu người năm 2005 chỉ còn 1,8 triệu trong năm 2010. 

Le Monde cho biết, hiện nay có 34 triệu người bị nhiễm HIV trên thế giới, và hãy còn 9 triệu người cần có được thuốc chữa trị. Thế nhưng một số nước như Tây Ban Nha, Hà Lan lại giảm đóng góp cho quỹ chống SIDA, Ý hoàn toàn ngưng cộng tác, còn Pháp đang do dự. Trong hội nghị tại New York tuần này, Liên Hiệp Quốc sẽ kêu gọi các quốc gia cố gắng tỏ thêm thiện chí, vì để mọi người bệnh đều có thuốc chữa, phải cần đến 15 tỉ euro một năm.

Cũng về đề tài này, nhật báo cộng sản L’Humanité trong bài viết mang tựa đề « SIDA, đã 30 năm qua » đã nhấn mạnh đến vai trò tuyên truyền của báo chí. 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.