Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - TRUNG QUỐC - NHÂN QUYỀN

HRW kêu gọi Châu Âu cứng rắn hơn với Bắc Kinh trên lĩnh vực nhân quyền

Sáng nay 16/6/2011, đối thoại nhân quyền giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc khai mạc tại Bắc Kinh. Cũng ngày hôm nay, tổ chức nhân quyền Humain Rights Watch kêu gọi Châu Âu yêu cầu Bắc Kinh phải công khai các kết quả cụ thể trong lĩnh vực này.

Đối thoại giữa chủ tịch Ủy ban Châu Âu José Manuel Barroso (trái) và chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Bắc Kinh, 25/4/2008.
Đối thoại giữa chủ tịch Ủy ban Châu Âu José Manuel Barroso (trái) và chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Bắc Kinh, 25/4/2008. (Photo : Reuters)
Quảng cáo

Đối thoại về nhân quyền giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc bình thường được tổ chức hai lần một năm, luân phiên tại Trung Quốc và một nước Châu Âu. Đối thoại Âu – Trung vừa khai mạc là cuộc đầu tiên kể từ một năm nay. Lần đối thoại dự kiến vào tháng 12/2010 tại Madrid trước đó đã bị Bắc Kinh hủy bỏ để phản đối việc ông Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình. Nhà văn Lưu Hiểu Ba là người bị chính quyền Trung Quốc kết án 11 năm tù.

Cuộc đối thoại nhân quyền Âu – Trung diễn ra vào lúc hàng chục nhà văn, luật sư và các nhà tranh đấu cho nhân quyền Trung Quốc bị chính quyền Bắc Kinh bắt bớ, bắt cóc, quản thúc hay hành hung kể từ đầu cuộc nổi dậy tại thế giới Ả Rập tháng Hai đầu năm nay, và trước cuộc chuyển giao quyền lực trong đảng Cộng sản Trung Quốc vào dịp Đại hội năm 2012.

Cuộc đối thoại nhân quyền Âu – Trung là dịp Bruxelles thể hiện cho Bắc Kinh biết thái độ của Liên Hiệp Châu Âu đối với tình trạng nhân quyền nói chung tại Trung Quốc, đồng thời nêu ra các trường hợp cụ thể và chuyển cho Trung Quốc một danh sách các nạn nhân, bên lề các cuộc thảo luận.

Ngày hôm nay, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch đã kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu yêu cầu Trung Quốc phải công bố các mục tiêu trong lĩnh vực này. Theo HRW, nếu Bắc Kinh không có thiện chí, Châu Âu cần hoãn lại các phiên thảo luận tiếp theo, bởi cuộc đàn áp nhắm vào các nhà ly khai và dân chủ hiện nay là « đợt khốc liệt nhất trong vòng một thế hệ ».

Nêu ra các trường hợp cụ thể của nghệ sĩ Ngải Vị Vị, bị giam giữ bí mật từ tháng Tư mà không qua bất cứ một thủ tục hợp pháp nào, trường hợp bị quản chế tại gia của vợ nhà văn Lưu Hiểu Ba và các cáo buộc đáng nghi ngờ liên quan đến nhà văn Nhiễm Vân Phi (Ran Yunfei), Human Rights Watch đã chỉ trích Liên Hiệp Châu Âu đã không sử dụng các cuộc gặp gỡ cấp cao với Trung Quốc để nói về các đàn áp khốc liệt nhắm vào giới ly khai. Cụ thể là, chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman van Rompuy, trong chuyến công du Trung Quốc vào tháng Năm, đã không công khai nêu ra vấn đề này. HRW cũng cáo buộc Bruxelles đã không hề có « tuyên bố chính thức » nào sau khi Bắc Kinh hủy bỏ cuộc đối thoại Madrid 2010.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.